Dạy giới tính cho trẻ câm điếc

“Mình đau bụng và bị chảy nhiều máu ở dưới lắm, chắc mình bị bệnh sắp chết rồi”. Một cô bé câm điếc 15 tuổi đau khổ kể với bạn bằng ngôn ngữ cử chỉ. Các bạn cùng lớp em cũng sợ hãi khi gặp chuyện này, cho đến lúc một người chị cho biết đó là dấu hiệu của tuổi dậy thì.

Đây là câu chuyện mở đầu của đĩa VCD "Hãy nghe cơ thể nói", sản phẩm giáo dục giới tính dành cho trẻ em câm điếc do Trung tâm phát triển cộng đồng Ánh Sáng phối hợp với hai trường dạy trẻ câm điếc là Xã Đàn và Hoa Sữa thực hiện.

 

VCD dài 30 phút, do chính các em ở hai trường Hoa Sữa và Xã Đàn đóng vai, tự "nói" bằng ngôn ngữ cử chỉ về chính mình, nói cho các bạn hiểu một số kiến thức về giới và sức khoẻ sinh sản. Ngoài ra, trong phim còn sử dụng các hình minh hoạ, hoạt hình ngộ nghĩnh. Qua đây, các em được biết thế nào là kinh nguyệt, "giấc mơ ướt", những thay đổi về cơ thể, tâm sinh lý khi dậy thì, sự thụ thai, cách vệ sinh cơ thể, và bảo vệ mình trước những kẻ lạm dụng, xâm hại.

 

Câu chuyện mở đầu trên không phải là "đóng kịch" mà đã phản ánh thực tế về sự hạn chế nhận thức về giới, tình dục ở trẻ em khuyết tật nói chung và trẻ câm điếc nói riêng.

 

Theo bà Nguyễn Thu Giang, Phó giám đốc Trung tâm phát triển cộng đồng Ánh Sáng, đa số các em tuy đã bước vào tuổi trưởng thành nhưng kiến thức chỉ bằng một học sinh lớp 3, lớp 4 bình thường. Ngay trong một diễn đàn gần đây, khi hỏi tới kiến thức về giới thì 2/3 số em tuổi 15-20 không hiểu "kinh nguyệt" là gì.

 

Mặc dù khuyết tật về ngôn ngữ nhưng trẻ em câm điếc cũng có quá trình lớn lên, phát triển như những thiếu niên bình thường. Các em cũng trải qua giai đoạn dậy thì với những thay đổi về tâm sinh lý, với các thắc mắc về tình bạn, tình yêu và quan hệ tình dục, sinh con. Với thanh thiếu niên bình thường, việc tiếp cận với các thông tin này đã khó khăn, thì đối với trẻ em câm điếc, điều này là một thử thách lớn.

 

Trong hệ thống ngôn ngữ cử chỉ ở Việt Nam hiện nay, chỉ có một số từ rất đơn giản về giới như "con trai", "con gái", còn hầu hết những từ dùng để chỉ các cơ quan sinh dục, từ nói về thay đổi sinh lý trong cơ thể, quá trình thụ thai đều không có. Bà Giang kể, ngay với các em được chọn để tham gia "diễn" trong đĩa VCD, cũng phải mất cả buổi mới giải thích được cho các em hiểu cụm từ "sức khoẻ sinh sản" là gì.

 

Bên cạnh đó, các giáo viên và những người làm việc với trẻ câm điếc đều rất lúng túng, khó khăn khi phải nói về vấn đề này, và hầu hết họ đều chấp nhận bỏ qua khi gặp phải những chủ đề có liên quan.

 

Chính vì thế, trẻ khuyết tật nói chung và trẻ câm điếc nói riêng rất dễ trở thành nạn nhân của nạn bạo hành và xâm hại tình dục. Vốn từ và vốn sống quá ít ỏi, gia đình thường không để ý đến sự phát triển tâm sinh lý của con cái trong độ tuổi dậy thì và thanh thiếu niên nên các em gần như bị cô lập. Thêm vào đó, tâm lý thiếu thốn và thèm khát tình cảm khiến cho các em dễ ngộ nhận và bị lừa gạt. Đã có không ít câu chuyện về trẻ em khuyết tật là nạn nhân của nạn xâm hại tình dục và buôn bán người.

 

Những người làm công tác xã hội của Trung tâm phát triển Ánh Sáng còn nhớ mãi câu chuyện đau lòng về một thiếu nữ câm điếc bị lạm dụng tình dục. 19 tuổi, cô bị một người đàn ông hơn 40 tuổi xâm hại, đến nỗi có thai đến 3 lần. Do sức khoẻ và cơ thể yếu, khả năng nhận thức của cô rất kém nên các tình nguyện viên phải đưa cô đi phá thai.

 

Lần mang bầu thứ ba, khi đứa con trong bụng tới tháng thứ 4, nghe lời người đàn ông nọ, cô gái nhất định không chịu bỏ, mặc dù lúc đó chỉ nặng 31,5 kg và hoàn toàn không có ý thức gì về vai trò làm mẹ. Thiếu nữ này cũng không hề nhận thức được mình đang bị lạm dụng, thậm chí còn dùng toàn bộ số tiền được hỗ trợ bồi dưỡng sức khoẻ mang cho người tình.

 

Bác sĩ Nguyễn Thu Giang kể, có lần đi công tác ở Quảng Nam, đến thăm các gia đình có trẻ bị câm điếc, bà không khỏi bàng hoàng khi thấy nhiều em nữ 18-19 tuổi đang hành kinh, máu dầm dề ở quần, ở chăn mà không biết đó là gì và làm thế nào. Bố mẹ các em đều là những người nghèo và ít hiểu biết, chỉ biết nuôi ăn rồi thỉnh thoảng thay giặt quần áo cho các con. Có bà mẹ còn không biết con mình "thấy tháng" từ bao giờ.

 

Cũng theo bà Thu Giang, thông thường, gia đình là môi trường đầu tiên cung cấp cho các em những kiến thức về giới tính. Nhưng với trẻ câm điếc, đa số bố mẹ có khả năng giao tiếp với con rất hạn chế. Nếu đủ điều kiện về kinh tế, họ gửi con đi học. Còn không, họ chỉ biết nuôi chứ không biết dạy thế nào, nhất là về vấn đề vô cùng nhạy cảm và khó nói như tình dục và giới.

 

Theo Vnexpress