Bỏ học vì nợ môn
Đa số các tân sinh viên đều từ những vùng quê nghèo lên các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng…để học. Cuộc sống xa nhà lại không có sự quản lý của gia đình dễ dẫn đến tâm lý thoải mái để các bạn tha hồ “thích gì làm đấy”. Nhưng cũng chính từ đây nhiều bạn đã trượt dài bởi sa vào những tệ nạn mà hệ lụy đó là phải bỏ học vì nợ môn không thể trả.
Hùng (SV ĐH Mỏ địa chất ) vốn là một sinh viên ngoan ngoãn, học hành chăm chỉ nhưng mới chỉ kết thúc năm thứ nhất cậu đã phải khăn gói về quê. Lý do là từ ngày lên Hà Nội thay vì việc học cậu đã lao vào các trò chơi điện tử, cày đêm đến mức không còn thời gian để ăn và ngủ.
Dần dần Hùng trở nên nghiền và gần như lúc nào cũng có mặt tại quán nên bỏ bê việc học ở trường. Đến cuối kì vì nợ quá nhiều môn nên cậu không được đi thi, chán nản Hùng tự ý bỏ học về quê mặc cho bố mẹ cố van nài kiểu gì cũng không được.
Cũng như Hùng, trường hợp của T.A - SV ĐH Bách khoa Hà Nội cũng trong tình trạng nợ môn phải nghỉ học. Không những thế, cậu bạn này mải mê đánh điện tử đến nỗi trộm vào xóm trọ lấy đi 2 chiếc xe đạp của 2 người bạn để ngay trước cửa phòng mình mà không biết.
Kết quả, tiền mất lại còn mang tật vào người khi mọi con mắt nghi ngờ đều đổ dồn hết vào cậu bởi cái tật “nghiện” điện tử lại bỏ học suốt ngày nên cậu rơi vào tầm ngắm. Khó chịu vì bị mọi người nghi ngờ nhưng những lời giải thích của cậu không còn đáng tin khi chính bản thân suốt ngày trong tình trạng bỏ học cả tuần, đóng kín cửa phòng vì nghiền điện tử.
Bỏ học vẫn phải trả món nợ khổng lồ
Không chỉ rơi vào tình trạng nợ môn, nhiều sinh viên còn phải trả giá đắt bởi số nợ khổng lồ không có cách nào xoay sở được. Trường hợp của Mạnh (ĐH Xây dựng Hà Nội) là một ví dụ khi cậu không chỉ bỏ học mà còn mang gánh nợ không nhỏ cho bố mẹ.
Là tân sinh viên có lí lịch tốt, tích cực tham gia các hoạt động xã hội và thi đỗ đại học với số điểm cao khiến bố mẹ đặt hết niềm tin vào cậu. Tuy nhiên khi đang là sinh viên năm 3, Mạnh lại say mê với trò chơi đỏ đen, ghi lô đề với mục đích kiếm thêm tiền tiêu vặt.
Nhưng kết quả tiền đâu chẳng thấy mà chỉ thấy cậu nợ nần chồng chất nên sinh tật ăn cắp đồ của bạn cùng phòng. Ban đầu không ai ngờ chính Mạnh là thủ phạm nhưng “cái kim trong bọc lâu ngày cũng phải lòi ra”, cậu bị phát hiện khi đang tìm cách phi tang chiếc laptop của bạn phòng bên. Nhà trường kỉ luật đuổi học, Mạnh còn phải bồi thường toàn bộ những đồ đã ăn cắp của bạn bè với số tiền không hề nhỏ.
Không chỉ có Mạnh, thực tế nhiều sinh viên tại các trường Đại học, Cao đẳng vì “sa cơ lỡ vận” nên rước họa vào thân. Việc học bị đình chỉ, giấc mơ ở lại giảng đường tiêu tan lại còn mang gánh nợ cho gia đình. Nhiều ông bố, bà mẹ khi biết tin con mới giật mình tá hỏa nhưng sự đã rồi nên chỉ ngậm ngùi lên giải quyết.
(Nguồn ảnh : Internet)
Không chỉ con trai, nhiều nữ sinh cũng lâm vào cảnh nợ nần chồng chất vì vay lãi chơi cá cược hay mua sắm những hàng hiệu theo mốt. Lan (SV Học viện Ngân hàng) xuất thân trong gia đình nghèo khó ở vùng quê Thái Bình nhưng khi lên Đại học cô thay đổi tính nết đến chóng mặt.
Có chút nhan sắc và chiều cao lí tưởng, cô tặc lưỡi nghĩ : “Không diện thì phí và đánh mất nhiều cơ hội” nên vay tiền lung tung để mua sắm. Ban đầu chỉ là tiền trăm nghìn của bạn bè cùng lớp nhưng dần dần mức tiền vay đẩy lên hàng triệu và chục triệu. Không ai có cho vay, Lan cắm thẻ sinh viên vay nặng lãi ở những tiệm cầm đồ nhưng vẫn vui vẻ khi có người chỉ trỏ nói cô là “hot girl”.
Đến kì trả thấy cô ì ra không ý kiến gì, chủ nợ dọa sẽ mang chuyện này báo với nhà trường, không còn cách nào khác cô phải gọi điện về cầu cứu gia đình. Bố mẹ khóc hết nước mắt, có gì trong nhà mang bán thống bán tháo hết mong trả nợ để con không bị đuổi học.
Đối với nhiều gia đình con cái đỗ đại học là chuyện vui nhưng không ít những chuyện khóc dở mếu dở sau đó. Nhiều sinh viên đã trở thành gánh nặng cho gia đình vì đánh mất chính mình, lao vào những thú vui vô bổ. Vì thế lời khuyên mỗi sinh viên nên nhìn lại chính bản thân mình để có thái độ sống tích cực, không nên sa vào các tệ nạn điện tử, lô đề… để rồi đánh mất cả tương lai.
Với việc ra mắt mục Phóng sự trẻ, đúng như tên gọi, chuyên mục mong muốn có được một sân chơi cho các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên có đam mê với công việc của người làm báo. Chúng tôi muốn gọi họ như những “người làm báo trẻ” kế cận để hòa với nhịp chuyển động của thông tin. Phóng sự trẻ muốn đón nhận những tác phẩm qua lăng kính của các bạn trẻ về các mảng nội dung liên quan đến chân dung con người, sự việc, hiện tượng, tập quán… mà bạn có dịp khám phá, tìm hiểu. Phóng sự trẻ - tiếng nói của giới trẻ, sân chơi của giới trẻ. Và vì thế, để chia sẻ “sắc trẻ” đó tới hàng triệu độc giả, hãy bắt đầu từ hôm nay để thử sức viết của mình trên chuyên mục. Cùng với việc ra mắt thêm nhiều nội dung mới trên trang Văn hóa, Giải trí, Phóng sự trẻ ra mắt không nằm ngoài mục đích đáp ứng đầy đủ hơn nhu cầu thông tin và văn hóa đọc tới độc giả khắp mọi nơi, trong đó có giới trẻ. Tham gia Phóng sự trẻ, những bài được chọn đăng của các bạn sẽ được trả nhuận bút hấp dẫn theo quy định của Tòa soạn. Tin, bài, hình ảnh, video xin gửi về hòm thư: nhipsongtre@dantri.com.vn và xin đề mục cần gửi tới Phóng sự trẻ. Trân trọng giới thiệu cùng độc giả. |
Đặng Thị Phượng (phuongotnh01@gmail.com)