Dẫu chưa từng gặp gỡ...

Về thăm quê một ngày cuối tuần, bên quán nhỏ ven đường, tôi tình cờ gặp lại Thượng úy Nguyễn Thế Lâm (Tiểu đoàn phòng thủ đảo Bạch Long Vĩ, Bộ CHQS thành phố Hải Phòng).

Đi cạnh chàng thượng úy trẻ là một cô gái khoảng 25 tuổi, thân hình mảnh mai, khuôn mặt trái xoan, nước da trắng ngần và nụ cười luôn thường trực trên môi. Thấy tôi, Lâm hướng mắt về phía cô gái rồi nói: “Đây là người bạn thân nhất của em”.

Như hiểu thắc mắc của tôi, cô gái tiếp lời: “Em là Phạm Thị Hiệp, vợ của anh Lâm. Hiện em làm kế toán cho một công ty tư nhân, anh ạ!”. Bên tách cà phê, chúng tôi có dịp hàn huyên. Vợ chồng Lâm chia sẻ cởi mở nhiều điều với tôi, trong đó có cả chuyện tình đẹp và lãng mạn của họ.

Vào đầu năm 2015, Lâm đang là Chính trị viên đại đội. Qua một người quen, Lâm biết được số điện thoại của Hiệp. Sau thời gian biết nhau qua điện thoại, chàng sĩ quan trẻ nơi đảo xa và cô nhân viên kế toán đã trở nên thân thiết.

Mỗi lần gọi điện cho Hiệp, Lâm thường kể về cuộc sống xa nhà đầy gian lao, vất vả của người lính đảo. Còn Hiệp kể cho Lâm nghe về cuộc sống nơi quê nhà, những công việc thường ngày của một kế toán viên. Thời gian trôi đi, tình cảm của đôi bạn trẻ ngày càng sâu đậm và nối dài thương nhớ.

Ba tháng sau, trong một đêm mưa, Lâm gọi điện cho Hiệp và thì thầm nói: “Em ơi! Anh không thể sống thiếu em được. Em đồng ý làm vợ anh, anh sẽ xin phép đơn vị về cưới em”.


Nguyễn Thế Lâm và Phạm Thị Hiệp trong ngày hạnh phúc. Ảnh do nhân vật cung cấp

Nguyễn Thế Lâm và Phạm Thị Hiệp trong ngày hạnh phúc. Ảnh do nhân vật cung cấp

Về phía Hiệp, dù chưa một lần gặp Lâm, nhưng qua những lời tâm sự cùng bức ảnh anh gửi tặng, hình ảnh bộ đội hải quân đã in đậm trong tâm trí và để lại trong lòng Hiệp nỗi nhớ thương khôn nguôi. Thời điểm đó, mỗi tối đi làm về luôn có một “cây si” trong nhà, nhưng Hiệp chỉ dành thời gian để tâm sự cùng Lâm qua điện thoại.

Ba ngày sau, lời tỏ tình “khô khan” của chàng sĩ quan trẻ đã khiến Hiệp bỏ ngoài tai những lời khuyên ngăn của mọi người và chấp thuận tình yêu của Lâm. “Bố em bảo, người đàng hoàng, biết nhà, biết cửa đến không lấy lại chọn người không biết mặt mũi, đến lúc ân hận thì đừng trách bố mẹ”, Hiệp chia sẻ.

Cách ngày cưới gần nửa tháng, Lâm xin nghỉ phép. Một mình Hiệp ra tận bến tàu Mắt Rừng (Thủy Nguyên, Hải Phòng), cách nhà gần 40km để đón Lâm từ đảo Bạch Long Vĩ trở về. Khi họ gặp nhau đã hơn 22 giờ, Lâm chở Hiệp về ra mắt bố mẹ hai bên.

Sau thời gian tất bật chuẩn bị, lễ thành hôn của đôi bạn trẻ được tổ chức đúng vào kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Cưới nhau được 10 ngày, Lâm phải trở lại đơn vị. Hiệp ở nhà đảm đang mọi việc để chồng yên tâm công tác.

Vợ chồng Lâm nói với tôi, khoảng ba tháng nữa, tổ ấm của họ sẽ có thêm thành viên mới. Tôi hỏi: “Tại sao em lại chọn người lính làm bạn đời?”, Hiệp nhìn Lâm thân thương và trả lời: “Mỗi lần nghe anh Lâm kể về cuộc sống vất vả của người lính ngoài đảo xa, em lại thấy thương anh ấy vô cùng. Tình yêu chân thành là lý do để chúng em đến với nhau”.

Theo Thanh Sang

Quân đội nhân dân