Đạp xe xuyên Việt tuổi 13
(Dân trí) - 13 tuổi, trong khi nhiều bạn bè còn được bố mẹ bao bọc từng bước đi thì Bo đã thành viên ít tuổi nhất đạp xe xuyên Việt cùng hành trình Xanh năm 2010. Sắp tới, Bo tiếp tục là “cậu út” trong hành trình đi bộ xuyên Việt “Từ Làng Sen tới Bến Nhà Rồng”.
13 tuổi và hàng ngàn cây số đạp xe
Yêu cầu của tổ chức hoạt động xã hội Hành trình Xanh - chương trình xuyên Việt của các bạn trẻ khắp mọi miền đất nước được tổ chức từ năm 2008 - thành viên phải trên 18 tuổi. Nhưng năm ngoái, nguyên tắc này lần đầu “phá vỡ” khi Bo - tên gọi thân mật của Đặng Đông Danh, học sinh lớp 8 trường THCS Lý Phong (Q.5, TP.HCM) - tham gia đạp xe xuyên Việt khi vừa bước qua tuổi 13.
Hai thành viên đặc biệt của chương trình đạp xe xuyên Việt: Cô Huỳnh Thị Kiều Thu, mang trong người 100 khối u ung thư giai đoạn cuối và Bo, thành viên ít tuổi nhất
Bo ấp ủ “kế hoạch” này từ năm 11 tuổi khi thấy bà dì của mình là cô Huỳnh Thị Kiều Thu, đã ngoài tuổi 60, mang trong người 100 khối u ung thư giai đoạn cuối vẫn nhiều lần đạp xe xuyên Việt. Bo nghĩ: ““Bà mình bị bệnh nặng mà đã 5 lần đạp xe xuyên Việt, mình không thử… một lần xem sao?”.
Nghĩ là làm, hàng ngày Bo thầm luyện đạp xe, trau dồi sức khỏe để thực hiện dự định. Kết thúc năm học lớp 7, nhờ bà Thu “bảo lãnh”, cậu chính thức trở thành “chiến sĩ đạp xe” của hành trình từ TP.HCM ra lăng Bác (Hà Nội).
23 ngày đêm xuyên Việt, ngoài thử thách của bản thân, với cậu học trò nhỏ mà đó còn là thời gian được trải nghiệm với “thế giới sống” không thể nào quên.
“Em út” của đoàn, được các anh chị cưng chiều nhưng khi đã “xung trận” thì Bo cũng như bao người chiến sĩ khác, phải tuân theo quân lệnh. Mấy ngày đầu, khi chưa kịp bắt nhịp Bo có hoang mang vì vừa sợ vừa mệt nhưng luôn động viên bản thân “đã đi phải đi cho tới”.
Có những chặng đường Bo bị lạc đoàn, bị đuối sức, hai chân cứng đơ không thể đạp thêm… mà Bo vẫn mím răng chịu đựng. Cũng như mọi thành viên, chỉ thực sự lúc thật cần Bo mới nhờ đến đội tiếp sức. Cậu học trò thành phố trải qua đêm hôm đạp xe trên đường, nắng mưa và những bữa ăn tập thể đạm bạc, nhiều hôm 11 giờ đêm mới được ăn cơm tối, nước uống cần tiết kiệm…
Một lá thư của anh chị trong đoàn ghi lại cảm nhận về Bo
Không chỉ phải biết cách lo cho bản thân, Bo còn học được về “tình đồng chí” như hỗ trợ mọi người trong đoàn, vào bếp nấu ăn tập thể cho hàng trăm người.
Trên hành trình đó, Bo đã đạp xe qua hàng trăm con đèo lớn nhỏ, hàng trăm làng quê, tiếp xúc với người dân khắp mọi miền đất nước… Bo được tự mình trải nghiệm về những điều thú vị mà trước đây có đọc sách, có nghe người lớn kể cũng không hình dung nổi.
Bo khoe: “Em biết về cuộc sống của người dân miền núi, đồng bằng và cả dân vùng biển; biết về các di tích lịch sử; được đặt chân lên đèo ngang của bà Huyện Thanh Quan mà mình vừa được học…”.
Khi lăng Bác hiện ra trước mắt, mọi người ôm lấy nhau vì hành trình đã đến đích, còn Bo muốn bật khóc. Hạnh phúc vì quyết tâm của mình đã thành công, hơn nữa: “Đây là lần đầu tiên em ra Thủ đô. Em vẫn chưa tin chuyến đi đầu đời đó lại đi bằng xe đạp, bằng chính sức lực và ý chí của mình”.
Tiếp tục đi bộ xuyên Việt
Điều may mắn với Bo khi tham gia hành trình là được bố mẹ ủng hộ. Bố mẹ Bo quan niệm rằng, không chỉ học ở sách mà cần cho con cái cọ xát với đời sống. Trên chặng đường đạp xe, Bo luôn nhận được những động viên khích lệ “Hãy thể hiện là con trai của bố mẹ" để cậu có thêm động lực “dẹp” hết mọi khó khăn, vật cản.
Bo đang tích cực luyện tập thể lực để tháng 7 tới tham gia hành trình đi bộ xuyên Việt
Sau chuyển “thử sức” đầu tiên đó, bố mẹ thêm tin tưởng ở Bo. Ra tết vừa rồi, người bố còn đích thân đến gặp giáo viên chủ nhiệm của Bo xin cho con trai… nghỉ học một tuần để tham gia chương trình đạp xe “Xuân Trường Sơn” qua nhiều tỉnh ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Thầy cô, bạn bè ở lớp lúc này mới bất ngờ biết đến “chiến sĩ đạp xe” và vây lại yêu cầu Bo kể về hành trình của mình.
“Bo tham gia như vậy có ảnh hưởng đến học tập không?”. Chàng trai cười: “Các năm trước em chỉ đạt học sinh tiên tiến thôi, năm vừa rồi em đạt học sinh giỏi đấy”. Trong những chuyến đi, Bo học hỏi được từ anh chị sinh viên rất nhiều trong cách học, cách làm việc nhóm, thể hiện khả năng… Bo cũng tự hứa với mình, sẽ đảm bảo kết quả học tập để không phụ lòng bố mẹ.
“Chiến sĩ xuyên Việt” Đặng Đông Danh và bố
Ngày hè, trong khi bạn bè đang vùi đầu học thêm thì Bo đang tích cực rèn thể lực để đầu tháng 7 tới sẽ cùng 1.000 tình nguyện viên tham gia hành trình đi bộ xuyên Việt “Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng” gần 1.600 cây số kéo dài 43 ngày.
Bo nói, sẽ còn tiếp tục tham gia hành trình xuyên Việt các năm tiếp để chuyển tải những thông điệp nóng hổi của đời sống cũng như “Đi để thấy thêm yêu con người, đất nước Việt Nam”.
Bài và ảnh: Hoài Nam