Đạp “mòn lốp xe” vì một kế hoạch lớn

(Dân trí)- Đạp mòn cả lốp xe để đi xin sự ủng hộ của các đơn vị về dự án Hành trình xuyên Việt cho các bạn sinh viên, Lê Thành Nam - Học viện hành chính QG đã khiến nhiều bạn khâm phục. Chân dung Nam là chân dung của một sinh viên tình nguyện tuyệt vời.

Vận dụng thực tế làm kiến thức cho mình

 

Dù đã hẹn trước, nhưng 22g30’ tối, chúng tôi mới tìm gặp được anh Lê Thành Nam - sinh viên năm thứ tư khoa quản lý nhà nước học viện hành chính quốc gia, chủ tịch tổ chức HTX tại căn phòng trọ của anh thôn Kiều Mai, xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm. Đập vào mắt chúng tôi ngay khi bước chân vào phòng trọ của anh là những tấm bằng khen và cờ lưu niệm treo dầy đặc trên tường, đếm sơ sơ cũng đến 30 cái cả thảy. “Đây chủ yếu là những bằng khen và cờ lưu niệm các tỉnh đoàn trao tặng cho đoàn đạp xe xuyên Việt năm ngoái. Bên cạnh đó còn có bằng khen của hội sinh viên trường Học Viện Hành Chính QG, của nhiều tổ chức xã hội… trao tặng”, vừa nói anh vừa lấy ghế mời chúng tôi ngồi.

 

Nhìn mâm cơm anh Nam đang ăn dở, đĩa cải luộc, bát canh xuông, đĩa trứng tráng đã nguội tanh nguội ngắt nhưng anh vẫn ăn ngon lành. “Vừa đi tập cùng các bạn trong đoàn (đạp xe xuyên Việt - PV) về. Mệt… Đói… Hôm nay có hai thằng em ở quê lên chơi, hai đứa tụi nó ở nhà nấu nướng. Còn mọi khi, anh chỉ gói mỳ tôm là xong thôi”.

 

Đôi mày đen rậm, đôi mắt sâu thẳm, làn da rám nắng, gió bụi anh nâng chén trà nóng bốc khói nghi ngút và bắt đầu kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về quãng đời sinh viên làm tình nguyện của anh…
 
Đạp “mòn lốp xe” vì một kế hoạch lớn - 1

Anh Lê Thanh Nam (áo xanh phải) cùng các thành viên HTX 2009 tại SVĐQG Mỹ Đình

 

Nam sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở vùng quê Duy Sơn - Duy Xuyên - Quảng Nam. Mẹ Nam là thanh niên xung phong đã từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bị thương về nghỉ mất sức nhưng không được hưởng một chính sách nào của nhà nước. Nhà có 5 anh em, Nam là con cả, mẹ lại đau yếu luôn, Nam sớm phải cùng bố gánh vác mọi công việc trong gia đình, chăm sóc mẹ và các em. Ở mảnh đất quê hương nghèo khó ấy, con người ta sống với nhau bằng tình cảm, bằng tấm lòng tương thân tương ái. “Miền quê mình lũ lụt liên miên, mùa lũ đến, hai bố con lại trèo thuyền đi vớt bàn, ghế, đồ đạc làm đường, làm nhà... giúp đỡ bà con”, Nam kể.

 

Học hết lớp 12 thi ĐH năm đầu tiên không đỗ, anh Nam quyết định đi quân ngũ. “Những năm trong quân ngũ, thi thoảng đọc báo mình thấy có những hoàn cảnh thương tâm, mình rủ các đồng đội quyên góp những đồng tiền trợ cấp ít ỏi, gửi báo để chuyển đến cho những người có hoàn cảnh khó khăn”.

 

Xuất ngũ trở về, Nam quyết định ôn thi vào ĐH một lần nữa để thỏa lòng mong muốn của bản thân và gia đình. Năm 2006 anh thi đỗ vào khoa quản lý nhà nước của Học Viện Hành Chính QG.

 

Học năm thứ nhất, Nam đã tham gia sôi nổi vào các họat động tình nguyện trong trường: “Không có chương trình nào của hội sinh viên mà mình không tham gia. Ngay khi học năm thứ nhất các anh chị trong hội đã tín nhiệm bầu mình vào ban chấp hành hội sinh viên của trường”, Nam tâm sự. “Mình luôn luôn tâm niệm một điều là làm sao đem chút sức nhỏ bé của mình đến giúp đỡ những vùng quê nghèo khó như vùng quê của mình, những gia đình, hoàn  cảnh éo le”. 

 

Với suy nghĩ ấy, trong đợt tình nguyện mùa hè xanh đầu tiên, cậu sinh viên năm thứ nhất trường ĐH Hành chính quốc gia là Nam đã vận động quyên góp được 38 triệu đồng, hai tấn gạo, quần áo, sách vở cũ, cùng nhiều thứ khác (kể cả nước mắm, muối, xì dầu….) cùng với 24 sinh viên cùng trường đi ủng hộ cho hơn 200 hộ gia đình nghèo khó ở thôn Khuôn Đào - Trung Văn - Sơn Dương - Tuyên Quang.

 

Sau đó, anh tiếp tục tham gia, tổ chức các họat động tình nguyện khác như: Đến thăm, tặng quà các làng trẻ mồ côi, chất độc màu da cam, bà mẹ gia đính sách, tổ chức tuyên truyền cho chiến dịch phòng chống HIV, ngày môi trường thế giới… “Mình cũng phụ trách 270 sinh viên trong trong đại lễ Phật Đản năm ngoái”,  Nam cho biết thêm.

 

Tham gia hăng hái vào các họat động tình nguyện là thế, song Nam vẫn không bỏ bê công việc của mình. “Học kì nào, Nam cũng nhận học bổng loại giỏi”,  Liên, bạn cùng lớp của Nam cho biết. “Hoạt của hội sinh viên và các hoạt động tình nguyện gần như chiếm hết quỹ thời gian của mình. Biết vậy nên khi ngồi nghe giảng trên lớp mình cố gắng ghi nhớ lời giảng của các thầy cô giáo càng nhiều càng tốt. Việc học đối với mình không chỉ gò bó trong sách vở, đi cũng là một cách học tốt. người khác học lấy kiến thức để vận dụng vào thực tế. Còn mình vận dụng thực tế vào việc học tập để lấy kiến thức cho mình. Học kì vừa rồi mình đạt loại suất sắc”, Nam chia sẻ.
 
Đạp “mòn lốp xe” vì một kế hoạch lớn - 2

Anh Lê Thanh Nam (áo xanh giữa) phỏng vấn các thành viên HTX 2009. (Ảnh: Thành Hưng)

 

Đi để thấy mình nhỏ bé

 

Nói về HTX - Tổ chức họat động xã hội do chính anh Nam sáng lập ra, Nam hồ hởi: “Tổ chức được thành lập đã hơn 1 năm. Hiện giờ, tổ chức có 43 CLB thành viên tại các trường ĐH dọc theo chiều dài đất nước với khoảng 10.000 sinh viên tham gia. Vào mỗi dịp hè tổ chức sẽ tiến hành cho các thành viên đạp xe xuyên Việt đến giúp đỡ, tặng quà các gia đình thương binh, liệt sĩ, khó khăn, các hòan cảnh đặc biệt, éo le; Bảo vệ môi trường; An toàn giao thông như mục đích của tổ chức đã đề ra”.

 

Ý tưởng về HTX Nam đã ấp ủ từ lâu: “Có lần xem tivi, mình thấy có nhiều người nước ngoài đi xuyên Việt, thấy các cụ già đạp xe lên tận Tây Bắc. Lúc đó mình cũng được đi dọc đất nước một lần để mở rộng tầm mắt”, Nam cho biết. Nam nhớ lại khoảng thời gian đúng vào dịp 30 - 4 năm ngoái khi anh vừa nảy ra ý tưởng về một Hành trình xuyên Việt Nam cho các bạn sinh viên. Anh chia sẻ ý tưởng với 3 người bạn thân trong đội tình nguyện của mình: “Có lẽ đó là khoảng thời gian khó khăn nhất đối với mình. Tuy đã làm tình nguyện nhiều năm nhưng đó là lần đầu tiên mình bắt tay vào một “dự án” với quy mô lớn như vậy. Bọn mình chỉ có bốn người phải lo tất cả mọi việc từ vận động tư cách pháp nhân để xin tài trợ, liên lạc với các bạn học ở các trường ĐH, CĐ để làm đầu mối liên lạc, gấp rút tuyển thêm người vào ban tổ chức, tổ chức luyện tập… Trong khi thời gian dự định tới cuộc hành trình chính thức chỉ là 1 tháng trời”.

 

Khó nhất là việc vận động tư cách pháp nhân. Một mình Nam đã đạp xe đến không biết bao nhiêu đơn vị, tổ chức. Thậm chí chiếc xe đạp của Nam lốp mòn đi trông thấy. Nhưng hầu hết các đơn vị, tổ chức đều từ chối với lý do cho rằng chương trình HTX quá phiêu lưu, mạo hiểm. Cuối cùng sau hơn một tuần ròng rã TW hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam cũng đứng ra bảo trợ cho chương trình của Nam và các bạn.
 
Đạp “mòn lốp xe” vì một kế hoạch lớn - 3

Một buổi tập của đội HTX

 

Đúng một tháng chuẩn bị, tập luyện đến ngày 1/7, 163 sinh viên từ 36 trường ĐH, CĐ trên địa bàn Hà Nội cùng 163 “con ngựa sắt” đã xuất phát từ Quảng trường Ba Đình, vượt qua 1720 cây số, qua 28 tỉnh thành dọc theo chiều dài đất nước đến tặng quà cho các Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật, chất độc màu da cam, các gia đình thương binh liệt sĩ, dọn vệ sinh môi trường… Ngày 29/7 đoàn đến TPHCM - điểm dừng chân cuối cùng của cuộc hành trình. Đó là kế hoạch mà Nam và các bạn của mình đã lên trong mùa hè này.

 

Lê Thành Nam rất chân thành khi anh bày tỏ: “Càng đi càng thấy còn có nhiều hoàn cảnh khó khăn, số phận éo le, càng thấy sức mình, lực mình còn nhỏ bé chỉ có thể giúp đỡ được phần nào cho những hoàn cảnh, những số phận mình được gặp mà thôi”.

 

Thành Hưng
(K52 Khoa Báo Chí - Truyền Thông
Đại học KHXH&NV)