Dạo chợ đêm sinh viên

(Dân trí) - Một bầu không khí nhộn nhịp và náo nhiệt ở khu chợ đêm Dịch Vọng, Cầu Giấy được mang đến bởi những gương mặt, dáng hình còn rất trẻ. Bởi đơn giản, đây là khu chợ mang thương hiệu của chính họ - Chợ đêm sinh viên.


Dạo chợ đêm sinh viên  - 1

Giày dép là một trong những mặt hàng được số đông sinh viên để ý khi dạo chợ đêm

 

Không chỉ là đi chợ

 

“Giày dép đại hạ giá đây! Mua một đôi tặng một cái túi! Mua nhanh kẻo hết túi!” - câu chào khách dí dỏm từ phía gian hàng giày dép ngay đầu chợ khiến không ít người bật cười thoải mái. Dù có hay không có nhu cầu nhưng ai cũng dừng lại đôi lát để trông mặt anh chàng bán hàng vui tính và hài hước. Đó chỉ là góc sinh động nhỏ trong một không gian chợ náo nhiệt nơi đây.

 

Đúng với tên gọi của mình, chợ đêm sinh viên thực sự là một không gian dành riêng cho các bạn trẻ. Không chỉ là địa điểm lý tưởng mua hàng giá rẻ với những người có túi tiền eo hẹp, chợ đồng thời còn là nơi để chính các bạn sinh viên thử nghiệm khả năng kinh doanh của mình, cũng như mưu sinh kiếm sống. Chợ nhỏ, chợ Dịch Vọng, Cầu Giấy chỉ có khoảng hơn 200 gian hàng nhưng phải đến hơn một nửa là của sinh viên. Có thể nói, độ tuổi trung bình của cả người mua và người bán ở khu chợ này vào loại trẻ đặc biệt so với những nơi khác.

 

Sinh viên bán cho sinh viên. Chính điều này cũng tạo nên một bầu không khí mua bán vô cùng cởi mở và thân thiện. Họ - vì cùng chung độ tuổi, cùng là sinh viên, nên thật dễ dàng nắm bắt nhu cầu và sở thích của nhau. Những mặt hàng đựợc bày bán đa dạng, phần lớn đều là những vật phẩm thiết yếu cho cuộc sống sinh viên: từ quần áo, giày dép, đến chăn gối, bát đũa, và cả mỹ phẩm, đồ trang sức…

 

Giá thành rẻ là một trong những lý do hấp dẫn nhất thu hút sinh viên đến với khu chợ này. Những dân sành đi chợ ai cũng có thể thuộc lòng giá của từng loại mặt hàng nơi đây: 10 - 40 nghìn đồng một chiếc áo, 80-100 nghìn đồng một chiếc quần bò, giày dép thì khoảng 50-100 nghìn đồng một đôi tùy loại, những mặt hàng như tất, khăn mặt, bàn chải thì luôn được rao với giá 10 nghìn 3 (thậm chí là 4) đôi/chiếc… Đó là mức tiền làm hài lòng bất cứ bạn sinh viên nào, đặc biệt là những ai có nguồn ngân quỹ không dư dả..

 

Với sinh viên các trường cao đẳng, đại học khu vực Xuân Thủy - Cầu Giấy như HV Báo chí, ĐH Quốc gia, Sư phạm, Thương mại… chợ đêm Dịch Vọng còn là điểm giải trí lý tưởng mỗi tối cho những ai ngại (hoặc không có điều kiện) đi chơi xa. Đôi khi đi chợ cũng là cách để xả hơi, giảm căng thẳng và mệt mỏi sau một ngày học hành vất vả. Vì đặc trưng đó, chợ đêm sinh viên ngày càng thu hút đông sinh viên, không chỉ riêng khu vực này. “Chợ của sinh viên, dành cho sinh viên. Mình là sinh viên, tuy nhà không gần nhưng cũng phải đi thử một lần cho biết chứ” - Thu Trang - HV Báo chí nhà ở Giảng Võ giải thích.

 

Giá rẻ giật mình, chất lượng cũng… giật mình

 

Giá rẻ như cho, thuận mua vừa bán, nhưng chất lượng của những sản phẩm này thì thực sự khiến người ta phải giật mình. Hằng, ĐH Sư phạm ngán ngẩm cho biết chiếc áo ngủ giá 10 nghìn cô mua tại chợ chỉ mặc một hôm là đã rách. Hải - HV Báo chí cũng than phiền: “Quần bò nếu mua màu đen, giặt 4 lần vẫn cứ xô nước màu đen. Áo phông phơi vài lần là đã mục. Giày dép thì khỏi nói, đi đôi bận đã đứt quai, rơi đế là chuyện bình thường”.

 

Quần áo, giày dép dùng hỏng có thể bỏ. Nhưng những loại mỹ phẩm chất lượng tồi thì thực sự là một hiểm họa với các bạn trẻ. Chỉ chiếm vài gian hàng nhưng chợ có đến cả trăm loại mỹ phẩm được bày bán vô cùng đa dạng. Thật khó hiểu khi những sản phẩm với thương hiệu nổi tiếng như nước hoa CK, kem làm trắng Olay, Essance… dù được người bán cam đoan là “hàng xịn” có hộp và bao bì đàng hoàng, lại có giá chưa đến trăm nghìn.
 
Dạo chợ đêm sinh viên  - 2

Rất nhiều mỹ phẩm rẻ tiền, chất lượng kém bày bán tại chợ. Vì thế bạn phải hết sức tỉnh táo khi mua những mặt hàng này

 

Đứng chung với những thương hiệu này là vô số sản phẩm rẻ tiền, không rõ xuất xứ chỉ 10-20.000 đồng/sản phẩm, mà nhìn vào không thể biết được thành phần cũng như thời hạn sử dụng. Không ít nữ sinh đã nếm đủ nỗi khổ dị ứng, nổi mụn, ngứa da… sau khi trót làm đẹp bằng loại mỹ phẩm rẻ tiền này. Thanh Thảo, ĐH Sư phạm là ví dụ. Sau lần dị ứng vì dùng thử kem làm trắng Pond “xịn” giá rẻ, cô bạn sợ tới tận bây giờ.

 

Hàng rẻ, nhưng chất lượng thấp nên dù được bán với giá “bèo” thì vẫn là cao so với giá trị thực của chúng. Vì vậy, không phải không có chuyện mua hớ ở chợ. Mạnh, ĐH Thương mại là con trai nên khá ngại khoản mặc cả. Bởi vậy mà cậu trả tiền luôn khi chủ sạp ra giá đôi xăng-đan cả trăm nghìn đồng. Đến khi hỏi ra mới biết giá trị thật của nó thấp hơn đến vài chục nghìn. “Thà mình mua đắt ngoài cửa hàng một chút, còn hơn ra chợ mua xong mới biết mình bị hớ, chẳng khác nào đi chợ mà bị móc túi” - cậu ví von.

 

Và văn hóa không sinh viên ở… chợ sinh viên

 

Đến chợ đêm sinh viên, hẳn không ít bạn cảm thấy khó chịu vì thứ mùi tanh hôi còn vương lại của chợ rau cá buổi sáng. Chợ nhỏ, đông người, nên khá ngột ngạt và khó chịu. Cổng chợ chính là nơi phản ánh rõ nhất điều này. Đứng ở ngoài cổng chỉ chừng vài phút, nếu ai không quen sẽ phải nhăn mặt và che mũi vì mùi rau cá còn chưa hết. Ai quen rồi thì lại vô tư ăn uống thậm chí ngay gần những đống rác, mặc cho sức khỏe của mình có bị ảnh hưởng hay không.
 
Dạo chợ đêm sinh viên  - 3

Rác rưởi vứt bừa bãi, mất vệ sinh khiến không ít người phải "nín thở" khi đi qua

 

Có họp chợ tất phải có hàng ăn. Những món thuộc loại “khoái khẩu” của sinh viên từ nem chua rán, xúc xích nướng, nước mía, sấu dầm, chè thập cẩm…. đều đủ cả. Món ngon, vừa túi tiền, không khí ăn uống lại thân mật vui vẻ - những lý do đó đủ để các bạn lờ đi hoặc bỏ qua vấn đề vệ sinh nơi này. Hơn nữa, không ít sinh viên còn “chung tay” cùng người bán hàng vô tư để lại những que xiên, túi nước dưới chân ngay sau khi ăn khiến cổng chợ trở nên thật thảm thương bởi những bãi rác to nhỏ.

 

Thêm vào đó, nạn móc túi, móc điện thoại thực sự là nỗi lo sợ của sinh viên khi đi chợ đêm bởi không gian đông đúc, chật hẹp là điều kiện lý tưởng cho những kẻ gian chôm chỉa đồ.

 

 

Hồng Ngân