Đào Bạch Liên: Dịch giả trẻ của 3 thứ tiếng

Cùng với Trang Hạ, Đào Bạch Liên - 28 tuổi, là một trong hai người trẻ tuổi chú tâm dịch ấn phẩm tiếng Hoa nhiều nhất trong thời gian gần đây. Ngoài tiếng Trung, cô còn có thể dịch từ tiếng Anh và tiếng Nhật.

Bộ kiếm hiệp kỳ ảo Tru Tiên của Tiêu Đỉnh được mệnh danh là “đại kỳ thư internet”, “thánh kinh võ hiệp thời hậu Kim Dung”, Bạch Liên dịch sang tiếng Việt vừa ra mắt độc giả đã gây sự thu hút khá lớn.

Điều đặc biệt, nữ dịch giả trẻ này đang có những dự định đường trường với tiểu thuyết võ hiệp và văn học tiếng Hoa.

Liên học tiếng Trung ở đâu và dịch sách từ bao giờ?

Tôi dịch sách từ tháng 8/2005, bắt đầu bằng Thất Kiếm hạ Thiên Sơn của Lương Vũ Sinh. Từng học tiếng Trung ở Đại học Ngoại thương Hà Nội.

Ngoài Trung văn, Liên còn có thể dịch những ngoại ngữ nào? Mảng sách văn học có phải là đề tài bạn yêu thích nhất hay không?

Ngoài tiếng Trung, tôi còn có thể dịch từ tiếng Anh và tiếng Nhật. Mảng sách văn học đúng là mảng tôi yêu thích nhất.

Bộ “Tru Tiên” được Liên hoàn thành trong bao lâu? Bạn được trả công cao không?

Tôi bắt đầu dịch những dòng đầu tiên từ 29/12/2005 (4 tháng sau khi Tru Tiên được xuất bản lần đầu ở Trung Quốc), và đến tháng 1/2007 thì dịch xong những dòng cuối cùng của phần tác giả đã hoàn thành.

Tôi dịch chủ yếu vì cái duyên với Tru Tiên và nhu cầu chia sẻ với những người cùng sở thích. Trong lúc phong trào hợp dịch Tru Tiên đang rất sôi nổi, tôi đã từng nhắn nhủ với các bạn đọc trên mạng rằng tôi vẫn sẽ dịch một mình hết cả bộ.

Ý tưởng này được hoan nghênh nhiệt liệt vì ai cũng mong được đọc tác phẩm với cùng một giọng văn. Do vậy dẫu không có ai mời cộng tác và không in sách thì tôi cũng dịch.

Bạn có vẻ hiểu biết nhiều về truyện kiếm hiệp. Bạn có thích sách của Kim Dung không?

Tôi thích kiếm hiệp, tất nhiên. Nhưng tác giả tôi yêu mến là Hoàng Dị, không phải Kim Dung.

Theo Liên, có nhiều dịch giả trẻ như bạn ở Việt Nam không? Có bao giờ bạn nghĩ tới một câu lạc bộ của những người dịch trẻ tuổi?

Dịch in sách thì tôi không quen ai, còn dịch trên mạng thì quen khoảng 60 người. Tất cả biết nhau, hiểu nhau và kết bạn với nhau qua các bản dịch. Dịch theo lối tài tử như thế chủ yếu dựa vào cảm hứng. Câu lạc bộ không phải là xúc tác của cảm hứng.

Bạn có vẻ kiệm lời, ngay cả với báo giới. Phong cách kiếm hiệp thì phải vậy hay bạn học được triết lý gì đó từ võ hiệp?

Tôi thích nhất nhân vật Phó Hồng Tiết trong Biên Thành lãng tử của Cổ Long. Rất ít lời, nhưng bản chất tốt và hành động linh hoạt.

Sau “Tru Tiên”, Liên dự định dịch những cuốn nào tiếp theo?

“Côn Luân” (kiếm hiệp) và “Trùng vây” (không phải kiếm hiệp, bán rất chạy năm 2006 ở Nhật).

Theo Thanh Phương
Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm