Đằng sau thú “câu”... card

(Dân trí) - Có ở trong xóm trọ sinh viên mới biết đây là trò chơi được nhiều bạn sinh viên ưa chuộng, đặc biệt là các bạn nữ. Đêm đến lại nghe tiếng thì thầm thỏ thẻ - đó là tiếng “những thợ câu đang làm việc”.

Sở dĩ có chuyện “câu”… card này là bắt nguồn từ khi các mạng điện thoại di động ở Việt Nam khuyến mãi nghe bao nhiêu tặng nhiều bấy nhiêu (mỗi phút =100 đồng), và giá cước cuộc gọi về đêm cực rẻ (500 đồng/phút).

 

Bạn L.T.H (sinh viên ĐH Y Huế) tự hào rằng: “Mình thường học khuya, mà học một lúc cũng mệt, thành ra lại nghiện cái trò này, cứ nháy máy cho bất kì một anh nào đó, vừa được buôn dưa lê cho đỡ buồn vừa có thêm đồng ra đồng vào cho cái điện thoại...”. Tính sơ sơ mỗi tháng H cũng đã được cộng hơn 90 ngàn đồng, tức là cô nàng phải nghe điện thoại khoảng 900 phút một tháng. Quả là con số “kinh hoàng”...

 

Nhưng như thế vẫn còn chưa thấm tháp gì, nhiều bạn đã đã biến việc câu điện thoại thành một kĩ nghệ, không riêng gì ban đêm mà bất cứ lúc nào rảnh cứ nhá máy và: “Anh ạ, gọi lại cho em đi, máy em hết sạch tiền rồi...”. Vừa tò mò, vừa nổi máu “yên hùng” các “con cá” thường dính bẫy ngay từ lần giăng câu đầu tiên. Cuộc gọi bèo nhất cũng phải dăm bảy phút, cao trào có khi được 30 phút hoặc cả tiếng đồng hồ.

 

Nếu ngồi nghe cuộc trò chuyện rông dài giữa “cô thợ săn” và “con mồi” mới thấy là nó vô vị và muôn hình vạn trạng như thế nào. Bất cứ cái gì cũng nói được, nói tứ tung, thậm chí nói mà cũng chẳng cần biết người nghe là ai nữa... Nói cho điện thoại nóng ran, nói đến lúc… ngủ quên mất.

 

Một biến thái mới tinh vi hơn và chỉ để dùng câu những “đại gia” đó là cách làm trực tiếp hơn, có tiền nhanh hơn. Sau giai đoạn làm quen và lấy được lòng tin ban đầu, lập tức “giăng câu”: “Mình bị ốm, không ra ngoài được, bạn “bắn” cho mình ít tiền vào máy” hay “Mình đang đi du lịch trên núi (?) không có chỗ nạp card, bạn giúp mình được không?”. Và thế là hết, con cá sẽ “tự nguyện” sa lưới...

 

Cái được tất nhiên trước mắt sẽ là một cơ số tiền nào đó được “cho không” vào tài khoản điện thoại của các bạn nữ. Tuy nhiên những hệ lụy của trò chơi này không hề nhỏ chút nào, cuối cùng rồi “lợi bất cập hại”, những “thợ câu” đôi lúc cũng phải trả giá...

 

Khi các “con cá” biết mình bị lừa sẽ quay trở lại “cắn chủ” suốt ngày, suốt đêm nhá máy trả thù...  Và tất nhiên là sức khỏe không đảm bảo, học hành sa sút, thậm chí còn bị stress nặng và chứng “sợ” điện thoại... “Thế là tháng nay, tổng cộng tớ đã thay tới 3 cái sim mới, mà các mối “tình cũ” qua điện thoại vẫn chưa buông tha cho tớ, ngày xưa mong bao nhiêu thì giờ tớ lại ớn tiếng chuông điện thoại bấy nhiêu”- một nàng hối hận nói.

 

Nói chuyện kiểu “câu giờ” quen mồm, đôi lúc họ nói điện thoại với ai cũng thế, thậm chí nói với ba mẹ cũng không bỏ được cái tật xấu ấy, nói “nhăng cuội” khiến bố mẹ không khỏi bận tâm vì tâm lý không ổn định của con cái. Đó là còn chưa kể đến thái độ khinh bỉ và những hành động "phản kháng" khác của mọi người khi biết được sự thật về việc "câu giờ" của bạn.

 

    Hạnh Phúc