Đằng sau ánh mắt và nụ cười

“Việt Nam trong tôi là ngôi nhà thứ hai, là nơi tôi muốn quay về sau mỗi chuyến công tác vất vả, là nơi tôi có được những người bạn, người thân tuyệt vời nhất”, đó là chia sẻ của nhiếp ảnh gia Pháp, Réhahn Croquevielle – người được biết đến qua bức ảnh nổi tiếng “Nụ cười ẩn giấu”.

Từ chối các hợp đồng thương mại

Đến Việt Nam từ năm 2011, đến nay, Réhahn đã đi được 1/4 số tỉnh, thành, lưu giữ được 60.000 bức ảnh chụp con người và phong cảnh trong nước.

“Năm 2007, trong chuyến đi làm nhiệm vụ cùng một tổ chức phi lợi nhuận tại Việt Nam, tôi đã nảy sinh tình cảm với con người nơi đây. Ở đây, mọi người đều thân thiện và cởi mở, đặc biệt là người già và trẻ em. Từ đó, tôi bắt đầu dành nhiều thời gian hơn để khám phá Việt Nam cùng chiếc kính máy ảnh của mình. Đến bây giờ, tôi đã có 7 năm sống và làm việc tại Hội An”, Réhahn kể .

Trong suốt hành trình khám phá Việt Nam, Réhahn đã học được rất nhiều điều: Ngôn ngữ, văn hóa và cách sống của người dân Việt Nam. Anh chia sẻ: “Suốt chặng đường dài đó, một bước ngoặt đặc biệt đã thay đổi bản thân tôi.

Vào mùa Hè năm 2011, khi ngồi trên thuyền của bà Bùi Thị Xong tham quan phố cổ, tôi có dịp gặp và trò chuyện cùng bà cụ. Lúc tôi định giơ máy ảnh lên chụp cụ Xong, bà e thẹn lấy tay che mặt. Đó là khoảnh khắc bức ảnh Nụ cười ẩn giấu ra đời. Đó cũng là lúc bắt đầu mối nhân duyên của tôi và bà cụ Xong. Từ bức ảnh, cả tôi và bà Xong đều được biết đến nhiều hơn. Theo một cách nào đó, cuộc sống của chúng tôi có thay đổi chút ít theo hướng tích cực”.


Réhahn và các em nhỏ vùng cao.

Réhahn và các em nhỏ vùng cao.

Sự khác biệt giữa Réhahn với các nhiếp ảnh gia khác khi thể hiện hình ảnh Việt Nam qua ống kính là anh dành nhiều thời gian tìm hiểu nhân vật trước và sau khi chụp ảnh. Anh cố gắng nắm bắt khoảnh khắc, cảm xúc và câu chuyện của họ.

“Nhiều nhiếp ảnh gia cho rằng, những bức ảnh của tôi luôn là chân dung và cận mặt. Thực ra, tôi có đến 60.000 bức ảnh về Việ t Nam và chỉ công bố “online” những tấm ảnh chân dung. Thế nên, những nhận định kia, nếu đối với các tác phẩm “online” của tôi thì đúng. Tôi chỉ đăng tải phần lớn những bức ảnh về con người.

Tuy nhiên, mỗi người đều có một nét đẹp riêng. Nghệ thuật nhiếp ảnh không chỉ là sự sáng tạo mà còn là cách chúng ta nắm bắt cảm xúc, tâm hồn của mỗi người. Tôi là một người chú trọng tình cảm của người khác. Tôi cho rằng, những nhân vật của mình luôn quan trọng hơn cái tôi của bản thân”, Réhahn bộc bạch.

“Người góp nhặt những câu chuyện và mảnh đời” là cách Réhahn ví von về công việc của mình. Đôi lần, anh gặp vài người đi chụp ảnh ở Mù Cang Chải (Yên Bái) và khá bất ngờ khi thấy tốc độ chụp ảnh của họ. Họ chụp mỗi bức ảnh chân dung rất nhanh. Họ chỉ chụp và đi. Đó là điều ngược lại với việc Réhahn đang làm.

Với anh, đằng sau mỗi bức ảnh luôn chứa đựng những câu chuyện. Theo Réhahn, anh khác với 90% số nhiếp ảnh gia. Anh từ chối tất cả các hợp đồng thương mại, đám cưới hay kinh doanh. Anh muốn tự do và tìm cảm hứng cho riêng mình.

“Nhà mình là ở đây”

Người ta vẫn thường nói: “Đôi mắt biết nói” hay “nụ cười biết nói”. Chỉ cần nhìn vào đôi mắt hay nụ cười, ta có thể thấy được vẻ đẹp tiềm ẩn của người đó. Vì vậy, những bức ảnh của Réhahn luôn tập trung vào đôi mắt hay nụ cười của nhân vật. Đó là cách đơn giản nhất để người xem cảm nhận được vẻ đẹp của nhân vật. Đa phần các tác phẩm của Réhahn đều là hình ảnh trẻ em và người già.

Giải thích cho điều này, anh cho biết: “Tôi thích trẻ con, vì các em không biết diễn, hồn nhiên, ngây thơ. Còn với người già, tôi lại yêu cái trải đời và sương gió trên khuôn mặt, bàn tay, nếp nhăn của họ. Khi chụp người già và trẻ em, tôi luôn cảm thấy thật thoải mái và vui vẻ”.

Với một hành trình dài như thế, điều thành công nhất Réhahn nhận được là khi nhìn thấy những bức ảnh của mình có thể kể câu chuyện của riêng nó. Một điều thành công hơn thế là anh tìm được quê hương thứ hai của mình.

“Việt Nam trong tôi là ngôi nhà, là nơi tôi muốn quay về sau mỗi chuyến công tác vất vả, là nơi tôi có được những người bạn, người thân tuyệt vời nhất. Trong thâm tâm, tôi biết mình mong muốn trở thành người Việt Nam và sống tại đây mãi mãi. Khi bạn sống tại một vùng đất mới, bạn luôn muốn hòa mình vào nó, từ ngôn ngữ, văn hóa đến lối sống. Tôi cảm thấy nhà mình là ở đây, Việt Nam, chứ không phải ở nơi khác.

Với những bức ảnh chụp, tôi muốn giới thiệu một hình ảnh xinh đẹp, yên bình của con người và phong cảnh Việt Nam đến bạn bè quốc tế”, anh tươi cười chia sẻ.

Réhahn Croquevielle sinh năm 1979, tại Normandy, Pháp. Năm 2014, anh được trang Boredpanda.com bình chọn là một trong 10 nhiếp ảnh gia du lịch hàng đầu trên thế giới. Cùng năm đó, Réhahn cho ra mắt cuốn sách Viet Nam – Mosaic of Contrasts (Việt Nam – Những mảnh ghép tương phản), gồm 150 bức ảnh anh chụp con người Việt Nam, từ Bắc đến Nam.

Hiện tại, anh đang sinh sống và kinh doanh một nhà hàng tại Hội An. Theo chia sẻ của Réhahn, Hội An là một thành phố màu vàng. Từ những con phố rêu phong đến những ngôi nhà cổ, tất cả đều hòa quyện trong một màu vàng nhạt, bàng bạc của thời gian. Thành phố nhỏ này khiến anh cảm thấy yên bình và hạnh phúc. Réhahn ấn tượng với mọi thứ mà Hội An có.

Ngoài ra, Réhahn còn tham gia, hỗ trợ một vài tổ chức phi lợi nhuận, như “Enfants du Vietnam” hay “Christina Noble’s Foundation”. Bản thân anh cũng có một dự án của riêng mình, như giúp đỡ các em nhỏ tại Sa Pa trong mùa rét. Sắp tới, Réhahn sẽ đi du lịch châu Á và xây dựng ý tưởng cho 3 – 4 quyển sách của mình.

Theo Thuận Tùng

Sinh viên Việt Nam