Đẳng cấp ngoại ngữ của dân IT
(Dân trí) - Tiến hành khảo sát qua mạng với hơn 100 “dân” IT ở mọi ngành như lập trình viên, quản trị mạng, thiết kế web…, hơn 90% khẳng định: “Không có ngoại ngữ, dân IT không thể làm việc được”!
Không phải chỉ có dân chuyên ngữ mới sở hữu vài thứ tiếng, dân IT đang thể hiện đẳng cấp ngoại ngữ khi ngày càng có nhiều người sở hữu hai hoặc ba thứ tiếng, trong đó tiếng Anh là phương tiện bắt buộc.
Nhất Anh…
“Không biết tiếng Anh, không thể làm IT được”, anh Trần Văn Thuận, quản lý IT cấp cao của Công ty cổ phần truyền thông Gapit khẳng định. Theo anh Thuận: “IT mới vào Việt Nam vào những năm 1990, mọi thứ còn rất mới, lại rất tiên tiến. Nhân viên IT buộc phải tiếp xúc thường xuyên, cập nhật thường xuyên thông tin về các công trình nghiên cứu cũng như các thành tựu mới trong lĩnh vực IT để theo kịp với thế giới. Không biết ngoại ngữ, bạn không thể tiếp xúc với thông tin và sẽ bị đào thải”.
Hàng ngày anh phải xử lý hàng chồng tài liệu tiếng Anh, làm việc với các phần mềm tiếng Anh, tìm thông tin trên các trang web tiếng Anh. Hơn thế, với cương vị là một quản lý cấp cao, anh thường xuyên tiếp xúc với các đối tác nước ngoài, thuyết trình, thảo luận và tạo ra sản phẩm bằng tiếng Anh.
“Không chỉ cần thiết trong lĩnh vực đọc và nghiên cứu tài liệu, tiếng Anh là phương tiện giao tiếp duy nhất cho các IT làm việc với các đối tác nước ngoài”, đó là ý kiến của anh Nguyễn Văn Dũng, trưởng nhóm IT Công ty cổ phần đầu tư phát triển công nghệ và truyền thông NEO.
Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, không có nhiều cơ hội học ngoại ngữ ở trường, nhưng nhu cầu công việc buộc Dũng phải học và sử dụng thành thạo tiếng Anh. Anh tâm sự: “Bình thường gặp đối tác là công việc của nhân viên phòng kinh doanh, nhưng nếu nhân viên IT có thể trao đổi về trực tiếp và chủ động với đối tác về mặt kỹ thuật, công việc sẽ thuận lợi hơn nhiều”. “Chính vì vậy, dù rất bận rộn, nhưng tôi vẫn đầu tư thời gian cho việc học tiếng”, anh nói.
“Dân IT liên tục phải đối đầu cái mới. Cái mới là thử thách. Để vượt qua cần phải có vốn ngoại ngữ để học và thực hành” - anh Nguyễn Trung Kiên, nhân viên IT của Ngân hàng Quân đội cho biết. Chỉ vào máy chủ, anh Kiên giải thích, “khi phải cài hệ điều hành UNIX lên một máy tính trị giá 10.000 USD trong vòng 1 ngày mà trong tay chỉ có một quyến hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Anh. Không biết tiếng Anh, bạn có làm được không?”
Đấy là lý do anh Kiên bỏ nhiều thời gian và công sức tự học tiếng qua sách báo, mạng. Thời còn sinh viên khoa CNTT, Viện Mở Hà Nội, anh là thành viên trong ban điều hành CLB Tiếng Anh ở Trung tâm Oxford. Nhờ biết xác định đúng hướng ngay từ đầu, giờ đây anh có thể hoàn toàn tự tin làm việc trong một môi trường sử dụng tiếng Anh.
Nhì Nhật, ba…
Nếu chỉ biết tiếng Anh không thôi thì chưa đủ. Làm việc trong một môi trường năng động, luôn đổi mới, luôn thử thách, dân IT càng nhận thưc được điều đó và đang tìm hướng đi riêng cho mình trong thời kỳ hội nhập.
Phạm Văn Tuấn, hiện đang làm việc cho Hamos, một công ty của Nhật cho biết: “Hiện nay các công ty Nhật đầu tư vàoViệt Nam ngày càng nhiều, đặc biệt trong lĩnh vực CNTT. Để có thể tiếp xúc với công nghệ cao của một cường quốc về công nghệ thông tin như Nhật Bản, bạn nên biết thêm tiếng Nhật. Đơn giản vì Nhật có công nghệ riêng, phải học tiếng Nhật mới có thể làm việc được với công nghệ của Nhật”. Chính vì vậy, ngoài hai ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Pháp, anh đang tích cực trau dồi thêm tiếng Nhật.
Cùng nhận định với Phạm Văn Tuấn, anh Nguyễn Trung Kiên cho biết anh đang học thêm tiếng Nhật để có thể có cơ hội công việc mới. Hiện nay, Nhật Bản là một trong những quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Và tiếng Nhật là phương tiện tốt nhất để tiếp cận với công nghệ của Nhật. Bởi, “nhiều sếp Nhật chỉ nói được… tiếng Nhật, và chỉ làm việc được với nhân viên… biết tiếng Nhật”.
Tiếng Pháp cũng là ngoại ngữ được nhiều dân IT hướng tới để chinh phục. Trần Văn Thuận, học tiếng Pháp từ thời sinh viên. Với Thuận, làm việc trong môi trường tiếng Anh có sự hỗ trợ của tiếng Pháp là một điều cực kỳ thuận lợi. Có nhiều tài liệu chỉ có bằng tiếng Pháp, không có tiếng Anh. Đó chính là tính ưu việt khi bạn biết thêm một ngoại ngữ. Anh bày tỏ, nếu có cơ hội và thời gian, anh luôn sẵn sàng học thêm một ngoại ngữ nữa.
Ngoài ra, tiếng Nga, ngôn ngữ từng bị một số người cho là “lỗi thời” những vẫn được dân IT trưng dụng. “Trong thời gian làm việc partime về quản trị mạng cho một công ty, tiếng Nga rất hữu ích cho tôi trong việc nghiên cứu các tài liệu khoa học kỹ thuật” - Nguyễn Trung Toàn, sinh viên năm cuối Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết. Toàn nhận định: “Tiếng Nga đang có xu hướng quay lại Việt Nam. Bản thân tôi luôn nghĩ, khi học một thứ tiếng gì, bạn đừng nghĩ nó lạc hậu hay không, mà hãy nghĩ có ích cho mình hay không”.
Một số lập trình viên nhanh chân cũng đã kịp “xơ-cua” thêm mấy khoá học tiếng Trung bởi “ông anh láng giềng” này tiềm ẩn một sức mạnh công nghệ vô biên, và bởi “thêm một thứ tiếng là thêm một cơ hội”, ai nỡ bỏ qua?!
Dương Nhung