Cuộc sống khắc nghiệt, giới trẻ Hàn Quốc phải từ bỏ hẹn hò và sinh con

Việt Trinh

(Dân trí) - Người trẻ Hàn Quốc đang phải từ bỏ nhiều thứ trong cuộc sống do công việc không ổn định và chi phí sinh hoạt quá cao.

Là nhà thiết kế web vào ban ngày và làm việc tại hai cửa hàng tiện lợi vào ban đêm, Kim Jaram (32 tuổi, sống tại Seongnam, Hàn Quốc) làm hơn 100 tiếng mỗi tuần. Số giờ làm của cô nhiều hơn gấp đôi thời gian làm việc của những nhân viên làm từ 9h sáng đến 6h chiều.

"Ở Hàn Quốc ngày nay, nếu muốn tồn tại bằng đồng lương hàng tháng, bạn phải làm việc ở một tập đoàn lớn", người phụ nữ 32 tuổi nói.

Cuộc sống khắc nghiệt, giới trẻ Hàn Quốc phải từ bỏ hẹn hò và sinh con - 1
Ở độ tuổi 32, Kim Jaram phải làm hai công việc để đủ trang trải cho cuộc sống và tiết kiệm cho tương lai (Ảnh: CNA).

Chia sẻ với CNA, Kim Jaram cho biết, nếu muốn tiết kiệm cho tương lai, những người bình thường bắt buộc phải làm hai công việc cùng một lúc.

Mặc dù bị ảnh hưởng về cả thể chất và tinh thần do lịch làm việc dày đặc, Kim vẫn luôn cố gắng vì một mong ước: Tiết kiệm đủ tiền để mở cửa hàng tiện lợi của riêng mình trong năm sau.

"Tôi không có ý định sống như này đến cuối đời. Mục tiêu của tôi là có thể tự chủ tài chính khi 40-45 tuổi, bây giờ là thời điểm thực hiện mong muốn đó", nữ nhân viên cho hay.

Hàn Quốc là quốc gia có tốc độ phát triển nhanh. Tuy nhiên, thế hệ trẻ tại xứ sở kim chi hiện cảm thấy họ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn so với thế hệ của bố mẹ.

Cuộc sống khắc nghiệt, giới trẻ Hàn Quốc phải từ bỏ hẹn hò và sinh con - 2
"Thế hệ N-Po" là thuật ngữ chỉ giới trẻ Hàn Quốc hiện nay, khi họ phải từ bỏ vô số thứ trong cuộc sống (Ảnh: CNA).

Thanh niên Hàn Quốc được gọi là "thế hệ N-Po" - thuật ngữ chỉ thế hệ phải từ bỏ vô số thứ, từ hôn nhân đến sinh con, do công việc không ổn định và chi phí sinh hoạt cao.

Ban đầu, thuật ngữ này được bắt đầu từ cụm "thế hệ Sampo", trong đó "sam" nghĩa là "ba" - ý chỉ người trẻ Hàn Quốc phải từ bỏ ba điều: Hẹn hò, hôn nhân và con cái do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Đến nay, thuật ngữ này được phát triển thành "thế hệ N-Po", khi "N" có nghĩa là "vô số".

Bên cạnh đó, "địa ngục Joseon" cũng là thuật ngữ được đặt ra từ 8 năm trước, coi xã hội Hàn Quốc hiện đại là phiên bản địa ngục của triều đại Joseon cùng hệ thống giai cấp bất bình đẳng.

Kim Jaram không phải là đối tượng duy nhất. Hiện nay, nhiều người trẻ tại Hàn Quốc phải đối mặt với sự thật khắc nghiệt mang tính cạnh tranh cao từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, kéo dài đến lúc trưởng thành và bước ra ngoài xã hội để làm việc.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm