Cú ngã ngựa của 8X

Năng động - sáng tạo - chuyên nghiệp… hàng loạt mỹ từ được dành tặng cho thế hệ 8X. Và có những người trẻ bị “choáng” vì sức bật của thế hệ mình, không kiểm soát được ước mơ lẫn khát vọng, lao ra thương trường khi chưa kịp “đủ lông đủ cánh”. Và họ ngã ngựa, những cú ngã khá đau.

“Dịch” doanh nhân 8X

 

Một giảng viên Trường ĐH Kinh tế đã phải thốt lên: "Đúng là thành dịch rồi, học trò tôi, đứa nào cũng mở công ty. Có đứa thì còn khả dĩ nhiều tiềm năng, có đứa bình thường về tất cả mọi mặt, lấy gì mà cạnh tranh trong thị trường khốc liệt hiện nay".

 

Rồi anh buồn rầu kể về cậu học trò cưng nhất, một sinh viên mà ông đánh giá rất cao ngay khi ngồi trên ghế nhà trường về tài marketing. Nhưng ra trường, anh chàng bán xe, lấy giấy tờ nhà vay tiền và mở một công ty xuất nhập khẩu sau khi giúp người anh họ một dự án nhập linh kiện điện tử thành công. "Nó bảo là cơ hội rất hiếm, mình phải nắm bắt ngay mới thành công được".

 

Cũng gần một năm, hỏi thăm nhiều nơi mới biết công ty của nó đang sống dở chết dở vì bị đối tác nước ngoài kiện vi phạm hợp đồng. Kèm theo đó là một khoản nợ không nhỏ mà nó đang vướng vào, chẳng biết lối nào để thoát ra.

 

Cách đây hơn một năm, hầu như ngày nào báo chí cũng nhắc đến một doanh nhân thế hệ 8X nào đó với một ý tưởng độc đáo và những tuyên bố rất chắc chắn. Những giấc mơ kinh doanh vươn dài hơn biên giới được cổ vũ một cách nồng nhiệt.

 

Công thức thành lập một công ty 8X quả thật quá đơn giản: có một kỹ năng nhất định nào đó trội lên, nhặt được một ý tưởng là lạ, gom góp vay mượn được ít tiền, rủ thêm được vài người bạn, đi đăng ký, thuê một văn phòng be bé. Thế là hiên ngang bước vào thương trường với cái nhìn ngưỡng mộ của nhiều người kèm theo lời tấm tắc: đúng là dân 8X có khác!

 

Nhưng chỉ sau ngày khai trương rình rang, sau vài dự án có vẻ tốt đẹp, họ bắt đầu gặp trở ngại. Thiếu vốn để tiếp tục "gồng" khi chưa có uy tín trên thị trường, thiếu tiền làm tiếp thị, thiếu quan hệ với các đối tác, thiếu hiểu biết về những luật lệ bất thành văn của thương trường, thiếu hụt những kỹ năng tổng hợp mà một giám đốc phải biết, thiếu luôn cả hoạch định tương lai và những dự phòng rủi ro.

 

Và thế là, những cây nấm sau mưa chưa kịp trưởng thành đã bị gục ngã. Thử nhìn quanh mình xem, bạn sẽ thấy nhiều công ty như thế lắm.

 

Tất cả có là thử thách?

 

Trong tất cả những lời khuyên mà các chuyên gia kinh tế hay dành cho sinh viên, thì triết lý sống của Chủ tịch Tập đoàn Hyundai Chung Ju Yung rất thường được xem là kim chỉ nam khi bước vào đời: "Không bao giờ là thất bại - tất cả là thử thách". Và rất nhiều người xoa đầu các doanh nhân 8X ngã ngựa bằng lời khuyên này. Nó đúng thật. Nhưng không phải ai cũng đủ dũng khí và tài năng, chưa kể đến một chút thời vận như Chung Ju Yung. Đâu phải ai cũng đủ bản lĩnh và khát vọng "làm lại từ đầu" như vị doanh nhân huyền thoại này. Và đâu phải ai cũng có cơ hội để ấn nút "re-start" sự nghiệp của mình.

 

Bản thân người viết cũng từng khoác trên người cái mác doanh nhân 8X, và hậu quả của một lần ngã ngựa đến giờ vẫn còn tím bầm cả người: 4 năm cày cật lực để trả cho hết nợ nần. Nhưng như thế vẫn là còn may mắn, vì một người bạn khác đã phải sa vào vòng lao lý khi cố vùng vẫy thoát khỏi những cái ách mà mình đã trót mang vào người bằng những hành động không hợp pháp. Cái giá phải trả cho một cuộc chơi ngẫu hứng trong sân chơi không bao giờ có chỗ cho người ngoại đạo này chưa bao giờ là rẻ. Và dấu ấn để lại luôn là một ám ảnh trong đời.

 

Các bạn trẻ luôn ăm ắp khát vọng và ước mơ, luôn tràn đầy niềm tin vào tương lai của mình. Và các bạn, phần lớn, rất tin tưởng vào những điều đọc được trong rất nhiều tập sách “học làm người” hằng hà sa số những lời khuyên bổ ích dịch từ sách vở nước ngoài. Nhưng tất cả những điều đó chưa đủ để có thể khởi nghiệp một cách trọn vẹn.

 

Hãy nghe lại lời khuyên của “Những người làm thuê số một” trong bước đầu dựng nghiệp: "Cần biết thật rõ mình, cần tìm một môi trường đủ lớn để rèn luyện kỹ năng, cần học nhiều hơn từ thực tế cuộc sống và từ những kho tàng kiến thức chuẩn của thế giới, cần nạp đầy đủ năng lượng và kiến thức từ một môi trường kinh doanh thực sự chứ không phải lý thuyết hoàn hảo. Khi đó, bạn sẽ đủ chín để có thể bắt đầu khởi tạo một sự nghiệp thành công".

 

Theo Trần Nguyên
Thanh Niên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm