Công dân tuổi 18 hồi hộp trước thềm bầu cử toàn quốc
(Dân trí) - Họ là những công dân sinh năm 1998 đã đủ tuổi được tham gia bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Trước ngày bầu cử, Nguyễn Tường Vi, sinh ngày 20/01/1998, hiện đang là học sinh trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) rất hồi hộp và ngóng đợi thời điểm được cầm lá phiếu bầu cho người đại diện cho tiếng nói của mình nói riêng và của nhân dân nói chung.
Tường Vi chia sẻ: "Em thấy rất vui vì mình cũng đủ tuổi để được thực hiện quyền và nghĩa vụ bầu cử của mình. Em đã tham gia hai buổi đàm thoại với cử tri trẻ lần đầu đi bầu cử của Quận và thành phố. Qua hai buổi đàm thoại ấy, em đã được biết nhiều hơn về quyền bầu cử.
Em nghĩ mình đã trưởng thành, mình phải có trách nhiệm với việc lựa chọn người đại diện cho quyền lợi của mình. Tuy em chỉ là một cá nhân nhỏ bé, nhưng nếu tất cả các cử tri cùng nhau quan tâm và thực hiện quyền bầu cử của mình, trong tương lai gần đất nước Việt Nam sẽ trở nên tốt hơn.
Còn về việc bầu cử cho người như thế nào, em sẽ lựa chọn người có tài và đức song song. Bởi một con người có đức nhưng không có tài thì sẽ không làm nên chuyện gì có tầm ảnh hưởng lớn và tích cực cho Nhà nước, cho nhân dân.
Còn một người có tài mà không có đức thì sẽ không bao giờ được nhân dân đặt niềm tin và trao cho trách nhiệm quản lý các vấn đề liên quan đến Nhà nước. Như vậy em nghĩ công dân chúng ta nên suy nghĩ và xem xét thật kĩ càng trong việc lựa chọn những gương mặt đại diện cho mình".
Trần Mẫn Linh, sinh ngày 03/02/1998 là học sinh lớp 12 trường THPT Kim Liên (Hà Nội) cho biết: "Theo em, bầu cử là quá trình chọn ra những đại biểu đại diện cho nhân dân, nắm giữ các chức vụ trong cơ quan dân cử của chính quyền ở trung ương và địa phương, những quyết định này dựa trên lá phiếu bầu cử của người dân. Công dân từ 18 tuổi trở lên có quyền đi bầu cử.
Đại diện cho nhân dân phải là một người tài đức vẹn toàn. Có đức để lắng nghe ý nguyện của dân, để dùng cái tâm chân thật mà thấu hiểu và chia sẻ. Có tài để đủ tiềm lực hiện thực hóa những ước nguyện đó".
Linh cho rằng bước qua tuổi 18 không có nghĩa là đã thực sự trưởng thành, mà chỉ điểm khởi đầu của đoạn đường một người đang trưởng thành cần phải bước. Đối với Linh, tuổi 18 là dấu mốc quan trọng bởi lẽ đó là năm em bước vào kì thi đại học, mở ra một trang mới trong quãng đời tuổi trẻ của mình.
Mẫn Linh cũng mong có thể góp sức mình vào việc mang tiếng nói của người trẻ Việt đi xa hơn khi đến một thời điểm bạn hội tủ đủ những tố chất của một người đại diện cho nhân dân.
Nguyễn Vũ Hải Nam, sinh ngày 1/2/1998 cũng là học sinh trường THPT Kim Liên (Hà Nội) bày tỏ: "Khi đủ 18 tuổi, em thấy bản thân mình dường như có người lớn hơn, chín chắn hơn và có trách nhiệm với những hành động của mình. Em có một chút lo lắng khi kể từ bây giờ bố mẹ không còn có thể che chở mình như mọi khi nhưng điều đó cũng giúp em tự lập hơn, trưởng thành hơn trong suy nghĩ.
Trong cuộc bầu cử này, em sẽ bầu cử cho người lãnh đạo gần gũi với nhân dân, đáp ứng kịp thời những nhu cầu của người dân. Đó là người biết lắng nghe và thực hiện những nguyện vọng của người dân. Người lãnh đạo cũng cần có tầm nhìn xa trông rộng, nắm bắt những tiên tiến của thế giới chứ không bảo thủ, chuyên quyền".
Cử tri trẻ Nguyễn Bảo Linh, sinh ngày 17/2/1998, là học sinh lớp 12A2 trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) chia sẻ: “Em là một học sinh năng động, thường tham gia các hoạt động Đoàn, Đội ở trường nên em dành sự quan tâm đến các vấn đề chính trị, xã hội. Khi nhận được thông báo ở địa phương về kì bầu cử sắp tới, em cảm thấy rất vinh dự, tự hào và xen lẫn chút hồi hộp.
Không phải ai khi mới vừa bước sang tuổi 18 mới chỉ vài ngày đã có thể tham gia vào một sự kiện chính trị vô cùng trọng đại của đất nước. Từ khoảng hơn 1 tháng nay, em đã cùng với 214 bạn học sinh của trường tham gia các buổi học tại trường về luật bầu cử, về trách nhiệm thiêng liêng của một cử tri.
Em sẽ bỏ phiếu cho những người trẻ tuổi, vì em muốn “trẻ hóa” bộ máy lãnh đạo. Tuy nhiên, cùng với đó phải là những người có tài, có kiến thức và kinh nghiệm dày dặn và có tâm. Để làm được điều đó, em đã đọc rất kĩ những thông tin nghề nghiệp của các ứng cử viên, chứ không phải “cứ thấy người trẻ là bầu”. Bên cạnh đó, em cũng mong muốn góp phần của mình vào việc cân bằng “nam – nữ” trong bộ máy lãnh đạo, vì thế em sẽ ưu tiên tìm hiểu các ứng cử viên nữ".
Kỳ vọng của những công dân tuổi 18 thể hiện rõ ý thức trách nhiệm chính trị và xã hội của những công dân trẻ đối với đất nước. Lá phiếu của mỗi cử tri trẻ cũng như của các cử tri khác sẽ góp phần quyết định lựa chọn ra những đại biểu xứng đáng nhất để đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Các cử tri tuổi 18 phát huy tinh thần, quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân Việt Nam, xứng đáng là một cử tri có trách nhiệm, tham gia bầu cử nghiêm túc, khách quan, lựa chọn người có tài, có đức, đủ sức gánh vác trọng trách của đất nước, góp phần trí tuệ và sức lực cùng toàn Đảng, toàn dân xây dựng đất nước ngày càng dân chủ, giàu mạnh, văn minh.
Mai Châm