Con trai dùng son môi có... "đồng tính" không?
Em phát hiện thằng bạn dùng…son môi. Dù nó chỉ dùng loại phơn phớt không ai biết, nhưng từ đó, mỗi lần nói chuyện hay bị cậu ta chạm vào người là em …nổi da gà. Thưa bác sĩ, đây có phải là bằng chứng thằng bạn em đồng tính ẩn không? (V. Hòa, Đồng Nai)
Nhìn vật… mà bắt hình dong
Nhìn quen khó sửa, khó mà không mắt tròn mắt dẹt nhìn thấy một anh chàng ngồi chăm chỉ điểm trang dù “son phấn” anh ta dùng dành cho phái mạnh. Ngay với những sản phẩm “chính chuyên” rành rành như son môi cũng coi chừng oan người ngay.
Ai cũng biết cách hữu hiệu trị khô nứt môi là dùng son giữ ẩm, kẹt nỗi chưa có nhà sản xuất nào bỏ công ghi giùm “trai gái đều dùng được” để mấy chàng khỏi bị … “oan Thị Kính”. Có bà mẹ thất kinh phát hiện cậu trai cưng dùng…thuốc ngừa thai. Hỏi ra cậu nghe cô bạn mách thuốc ngừa thai trị mụn mới ra cớ sự.
Tất nhiên không phải cổ suý phong trào “mượt mà hóa” nam tính. Không thể xem là tiến bộ nếu mấy chàng cắt một góc học tập ra làm… bàn trang điểm. Một số vật dụng có “giới tính”riêng nên việc bị người khác giới sử dụng rất dễ đập vào mắt mọi người, và không lạ nếu "dư luận" có chút thắc mắc về giới tính của người tiêu dùng.
Đa phần là việc các chàng chuyên dùng trang phục, vật dụng có màu sắc "nữ tính" chói sáng, đặc biệt là màu hồng, mỹ phẩm, son môi, kẻ mày… cũng là cái cớ khiến các chàng tự dưng nổi bật.
Chuyện ở đây tính đều cho hai phe, chẳng hạn với việc mấy cô mặt hoa da phấn dùng dao cạo râu, vận quần ngố, chạy xe hầm hố… Vậy, việc "đồ một đằng người một nẻo" có liên quan đồng tính không? Nếu có thì bao nhiêu phần trăm đủ để làm một chẩn đoán xác định?
Con trai cũng có thể dùng son môi trong một số trường hợp và không nên quy chụp giới tính qua những vật dụng như vậy . (nguồn ảnh: internet)
Trước tiên cần đính chính cái gọi là "giới tính" của vật dụng. Dù rằng có không ít vật làm ra chỉ dành riêng cho giới nào đó, nhưng đó là mục đích dành cho số đông, không có nghĩa bất di bất dịch cho trường hợp cu thể.
Đơn cử đồ cạo râu, mặc nhiên là "độc quyền" của giới …nhiều râu. Tuy vậy, việc một cô gái cầm trên tay chiếc dao cạo râu không phải lúc nào cũng là phản ánh "không chạy đi đâu được" về giới tính có vấn đề của cô mà đơn giản cô ta đang dùng nó để làm sạch …lông chân, tay.
Lông lá là thế mạnh của phái mạnh không có nghĩa phái đẹp…không có. Mỏng manh, nhợt nhạt nhưng sinh mệnh của chúng hẩm hiu hơn đồng loại nam giới, và một trong những cách "tống đi khuất mắt" nhanh, tiện, kín và ít tốn kém dành cho các cô là mượn tạm "vũ khí" của cánh mày râu.
Đặc biệt, với những cô gái trời cắc cớ bắt sở hữu một hàm ria mờ mờ nhân ảnh trên mép (không phải lúc nào cũng do nhầm lẫn giới tính) thì cậy nhờ dao cạo râu càng bức thiết.
Con trai được quyền… tô son
Tương tự với thỏi son môi được một số chàng trai sử dụng. Với một chàng trời sinh có làn môi xám xịt thì viện chút son hồng nhằm che lắp nét "môi chì" là một nhu cầu chính đáng, chẳng can dự là gay hay les.
Nhiều loại son môi còn có chức năng giữ ẩm, khoản này thì chẳng ưu tiên nào về giới. Do vậy, việc một anh chàng điềm nhiên điểm ít son môi trước giờ cắp sách đến trường có thể đơn giản là để chống bệnh khô nẻ, nứt môi do thiếu vitamin, thời tiết giá lạnh.
Thực tế, ngày nay, sự phong phú của đời sống, tiện nghi khiến khá nhiều vật dụng ban đầu đặc cách cho một giới nào đó dần chuyển sang "ái nam ái nữ" ,trai hay gái dùng cũng được.
Tuy vậy, những ví dụ lấn sân trên dù sao cũng có lý do chính đáng, nhằm giải quyết thế kẹt nào đó, ngược lại nếu hiện tượng "chàng xài đồ nàng", "nàng dùng đồ chàng" quá đậm nét và thành hệ thống thì không thể không chấm một dấu hỏi.
Một chàng trai lâu lâu mặc chiếc quần hồng, có thể chỉ là do chút phá phách hay gu thời trang lập dị của anh ta. Ngược lại, với cả quá trình dài hơi kết đậm lối phục trang nữ tính của anh ta thì có thể chuyện không còn ngẫu nhiên.
Một lần nữa nhắc lại, chẩn đoán đồng tính là việc "khó bằng trời", cả với các bác sĩ chuyên khoa. Vì vậy, rất không nên sa đà vào những chẩn đoán lớt phớt, trong đó có kiểu "diện chẩn" qua những vật dụng. Người đồng tính, dù là thật, cũng không đáng bị "soi" kỹ đến cả vật mà họ đang dùng.
V. H thân mến, chỉ với một chiếc son môi chưa đủ đưa vào bệnh án chẩn đoán bạn trai em “nước lợ” đâu!
Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn
Theo Mực Tím