“Cơn lốc” cắm thẻ sinh viên
Cắm thẻ sinh viên, lấy tiền tiêu xài đã trở thành căn bệnh lây truyền trong giới sinh viên ở Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa). Ngay cả nữ sinh khi cháy túi cũng sẵn sàng mang thẻ ra cắm.
Tân, người được giới sinh viên ở Đại học Hồng Đức gọi là “chuyên gia” cắm thẻ. Mới năm học đầu tiên, cậu đã 9 lần cắm thẻ sinh viên.
Lách qua nhiều ngõ nhỏ quanh co, Tân đưa tôi đến một hiệu cầm đồ mà những trí thức trẻ ở đây hay “viếng thăm” khi bị “viêm màng túi”.
Vì đang cắm thẻ, chưa có tiền nhổ nên Tân đứng ngoài. Trong vai chị gái của Tân muốn chuộc thẻ cho cậu em lêu lổng, tôi nói mãi bà chủ mới chịu dẫn vào lục tìm thẻ.
Bà chủ hiệu cầm đồ đưa ra thùng các tông chứa đầy những thẻ sinh viên, bảo khách lục tìm thẻ của mình.
Trong khi còn chưa xong việc thì một đôi sinh viên dựng chiếc xe đạp cũ kỹ ngoài cửa, bước vào. “Cô cho cháu cắm tạm 300.000 đồng”, đưa chiếc thẻ sinh viên kèm theo chứng minh thư cho chủ hiệu, chàng sinh viên cất tiếng.
Tình trạng cắm thẻ sinh viên ở đây diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, tùy thuộc vào “đẳng cấp” của từng khoa sinh viên theo học mà “hàng” có giá trị khác nhau. Với thẻ sinh viên sư phạm, chủ hiệu cầm đồ có thể tin tưởng cho cắm đến cả chục triệu đồng, thậm chí, họ còn cho cầm cả chiếc xe máy.
Còn lại, đa phần thẻ sinh viên các ngành khác chỉ có thể đổi lấy 500.000 đồng, nếu quen biết lắm cũng chỉ cầm được 1 triệu đồng.
Lãi suất cho mỗi ngày cắm thẻ là 5%. Nếu quá hạn mà không thấy “khổ chủ” đến trả lãi thì sẽ có tên “danh dự” trong sổ đen gửi về phòng đào tạo của trường để nhắc nhở.
Số nữ sinh cắm thẻ không nhiều mà đại đa số họ trở thành nạn nhân “dịch” cắm thẻ của bạn trai. Nga, sinh viên Khoa Nông Lâm kể: “Từ ngày đi học đến nay, em chưa lần nào được sử dụng thẻ sinh viên của mình vì 8 lần cho bạn mượn để cầm đồ (4 lần cho ông anh họ và 4 lần cho bạn trai cùng lớp mượn). Không ít lần, do nhà trường kiểm tra đột xuất, em phải bấm bụng lấy tiền của mình đến chuộc thẻ”.
Chẳng những chỉ mượn thẻ của Nga, ông anh họ còn lấy cả thẻ của cô bạn thân học cùng trường cắm để thỏa thú chơi lô đề và trả nợ các môn thi lại.
Vì không xoay ra tiền chuộc thẻ cho bạn, nên anh này cứ trốn biệt tích, chẳng dám nhìn ai. Khi mẹ anh ta biết chuyện, bà đã phải muối mặt hẹn với Nga và các bạn khác rằng “mùa thóc sang năm bác trả”.
Cặp Tùng - Thảo yêu nhau. Thảo yêu cả căn “bệnh cắm thẻ” của người mình yêu. Biết Tùng đánh lô đề hết số tiền cắm thẻ sinh viên, Thảo đã không can ngăn, còn chấp nhận cho người yêu lấy thẻ của mình gửi vào hiệu cầm đồ thế chấp.
Càng thua, càng “khát”, Tùng liền nỉ non Thảo mượn thẻ bạn cùng lớp để cắm tiếp. Cho đến khi bị thua quá đậm, Tùng đành bỏ trốn vào Nam, để lại sau lưng sự nghiệp và cô người yêu từng “chia sẻ hoạn nạn”.
Đối với không ít sinh viên của Đại học Hồng Đức, cắm thẻ lấy tiền ăn chơi đã là chuyện thường ngày ở huyện. Nhiều người còn nói đùa chưa cắm thẻ chưa phải là sinh viên.
Theo Tiền Phong