Con gái mê ghi-ta

Gương mặt đầy biểu cảm trong lúc bàn tay thoăn thoắt lướt trên đàn ghi-ta, Thanh Tâm (Nhạc viện TPHCM) làm bạn bè cũ ngạc nhiên bằng một khúc Romance vào buổi họp lớp cuối năm. Rõ ràng, chơi ghi-ta không chỉ là “độc quyền” của cánh mày râu lãng tử.

Hiếm mới quý

 

"Thời cấp 2, mình có người bạn thân chơi ghi-ta rất hay. Khi bạn ấy chuẩn bị đi du học đã gảy tặng mình một đoạn nhạc nhưng lúc đó mình không hiểu gì về nhạc lý nên cứ như "đàn gảy tai trâu". Vậy là mình ức lắm, tự nhủ sau này phải học ghi-ta, ít nhất là để "xóa mù" kiến thức âm nhạc" - Thanh Tâm tiết lộ lý do khiến cô chọn theo đuổi ghi-ta gần 2 năm.

 

Trong khi đó, Thuận An, cô bạn xinh xắn cùng học năm II hệ trung cấp 4 năm tại Nhạc viện TPHCM lại đến với ghi-ta sau khi đã trải qua 3 năm học piano.

 

"Dù nhiều bạn nữ thích học piano hơn nhưng mình cảm thấy không hợp với piano bằng ghi-ta nên đã quyết định chuyển hướng. Biết là con gái học ghi-ta không mấy lợi thế nhưng đã thích thì không nề hà", Thuận An bộc bạch.

 

Thầy Thanh Huy, người "may mắn" có 2 cô học trò trên nhận xét: "Thật ra nhạc cụ nào cũng có cái khó riêng của nó nhưng với ghi-ta, để sử dụng lực từ ngón tay khiến dây đàn bật lên thành tiếng không hề đơn giản vì nếu không quen sẽ rất đau đớn và dễ bỏ cuộc".

 

Trong khi đó, Quang Thuận, cậu bạn cũng đang học ghi-ta bộc bạch: "Mình cứ nghĩ vào đây chỉ toàn nam nhi, nào ngờ lại gặp những bạn nữ xinh xắn học chung lớp. Con gái chơi đàn ghi-ta trông rất hay!".

 

Cũng vì chiếm số lượng ít ỏi nên những "bóng hồng" ở đây  được thầy cô và các bạn nam ưu ái. Trong giờ học, nếu "bóng hồng" nào không may đến trễ hay phạm sai sót thì thầy cô cũng không nỡ nặng tay vì nước mắt con gái là "vũ khí" lợi hại!

 

Không chỉ có đam mê...

 

Đam mê thôi chưa đủ, những cô nàng chọn gắn bó với cây đàn ghi-ta còn phải đổ nhiều công sức để theo kịp cánh "mày râu" trong quá trình học. Khó khăn nhất là giai đoạn khởi đầu với mười đầu ngón tay đau buốt khi tập bấm dây đàn.

 

Chưa kể, mỗi ngày phải dành hàng giờ luyện ngón, tập chạy gamme... mà bài tập "khó nuốt" theo lời Thanh Tâm và Thuận An là chạy gamme với tốc độ 118 nốt đen trong vòng một phút. Bù lại, bằng sự cần cù tỉ mỉ, những cô gái nhanh chóng khắc phục khó khăn ban đầu để theo kịp các nam đồng môn.

 

Chìa mấy đầu ngón tay bị chai, Thanh Tâm nheo mắt: "Ban đầu đau lắm nhưng tập mãi cũng quen, giờ thì là chuyện thường". Khi đã nắm vững kỹ thuật, những bạn nữ này bắt đầu phát huy lợi thế của mình. Điều này được chứng minh qua phong cách biểu diễn của sinh viên Thu Hồng tại quán Phố trên đường Nguyễn Văn Cừ, Q.5. Nhiều vị khách khá thú vị khi thưởng thức những bản tình ca nước ngoài qua âm thanh trầm bổng, mộc mạc từ cây đàn ghi-ta với cách thể hiện đầy nữ tính của cô gái trẻ.

 

Công việc đánh đàn tại quán ngoài giờ học một phần giúp Hồng trang trải phí sinh hoạt, mặt khác cũng là cách giúp cô luyện ngón đàn của mình từ phong cách cổ điển kén người nghe đến phong cách gần gũi, bình dị.

 

Những cô gái như Thanh Tâm, Thuận An bên cạnh niềm đam mê ghi-ta còn đang chuẩn bị những kiến thức khác cho một nghề nghiệp trong tương lai: Thuận An dự định theo học ngành tiếng Trung ở đại học sau khi tốt nghiệp phổ thông còn Thanh Tâm lại đang trau dồi ngoại ngữ theo chương trình học bổng của tổ chức GHS (Nhật).

 

Theo Vân Anh
Thanh Niên