Con gái bỏ nhà theo bạn trai, bố mẹ “choáng”!

Bố mẹ Hoài Hương choáng váng đọc lá thư con gái để lại, chỉ vỏn vẹn 2 dòng chữ học trò: “Con không thể sống thiếu anh ấy. Bố mẹ tha lỗi cho con, đừng tìm con”. Họ không ngờ cô con gái ngoan ngoãn của mình có thể làm việc động trời là “bỏ nhà theo trai”.

Đi theo tiếng tình gọi

 

Chỉ một quãng chưa đầy trăm mét trên một con phố ở Điện Biên đã có 5 thiếu nữ liên tiếp bỏ nhà đi trong vòng hơn 1 tháng qua. Nhà mất con hoảng hốt nhớn nhác đi tìm. Nhà khác được dịp dạy con bằng bài học sống động: "Còn bé đã yêu đương nhăng nhít, ra vẻ sống chết có nhau. Để xem có đi mãi được không, mươi ngày mà không mò về thì tao cứ đi đầu xuống đất". Tuy chưa đến mức báo động nhưng cứ thỉnh thoảng, phố này phố kia lại có vài ba tuổi hoa biến mất; nguyên do đều là từ chuyện tình yêu tuổi mới lớn.

Chuyện yêu đương của cô học trò Hoài Hương chỉ được bố mẹ phát hiện khi cô bé đã ra đi, chỉ để lại lá thư ngắn và cuốn nhật ký, trong đó có ghi lại cuộc gặp gỡ định mệnh: Một lần Hoài Hương bị một cậu trai sàm sỡ trêu ghẹo, làm cho chết khiếp, ngã từ trên xe xuống đất. Bất ngờ một chàng trai phóng ra, đánh tên kia và dựng xe đỡ cô dậy, ân cần hỏi han, lại đòi đưa cô về. Cô bé hết cả đau và bắt đầu để ý đến anh, mong ngóng gặp lại.

Rồi họ hẹn hò đi uống cà phê. Trong các cuộc gặp, chàng thợ xây đẹp trai trông thật hiền, chẳng giống chút nào với lúc trừng trị tên càn quấy. Và điều đó làm con tim cô bé loạn nhịp: "Giờ này anh đang làm gì? Em ngồi trước trang sách mà những dòng chữ cứ như nhảy múa. Em yêu anh. Dù phải đi cùng trời cuối đất cũng sẽ là người vợ chung thủy của anh... Bố mẹ em biết chuyện của chúng mình rồi. Em bị một trận đòn. Không đau, chỉ ức. Lúc nào họ cũng chỉ nói học, học, làm như ai cũng thành tiến sĩ cả. Hay mình thưa chuyện với bố mẹ? Không. Không được, không đời nào họ cho" - cô bé viết.

Chẳng mấy khó khăn, mẹ Hoài Hương đã nhờ người lần ra tung tích chàng thợ xây ở tỉnh khác. Anh ta đã tích cóp được chút vốn, về quê mở xưởng mộc. Thế là ông cậu và ông chú được cử đi dẫn độ Hoài Hương về. Dù bố mẹ không làm ầm ĩ, chỉ động viên, thuyết phục nhưng cô bé dứt khoát không chịu đi học nữa, một hai sống chết đòi "tự do yêu đương". Đất đã phải chịu giời một phần, người mẹ thở dài: "Thôi đành cho nó nghỉ học một năm để nó nguôi ngoai, sang năm sẽ học tiếp ở trung tâm giáo dục thường xuyên lấy cái bằng cấp 3".

Còn chuyện đi theo tiếng gọi của tình yêu của cô bé Thu Thủy lại hơi khác. Thủy hơi kém nhan sắc, lại con nhà nghèo, không hay đua đòi ăn chơi nên bố mẹ không hề nghĩ con mình yêu sớm. Cô bé mất tích 3 ngày, bố mẹ mới biết vì tưởng con gái về bà ngoại như mọi bận.

Từ bé, Thủy đã mơ làm ca sĩ, đã 2 lần đơn ca ở sân khấu trường. Năm ngoái, trường Nghệ thuật Tây Bắc qua tuyển sinh, cô chỉ qua vòng sơ tuyển. Kết quả khiêm tốn ấy đã chắp thêm đôi cánh cho ước mơ của Thủy; cô vẫn ôm mộng trở thành ngôi sao ca nhạc. Rủi thay, Thủy chẳng có ai để mà chia sẻ. Bạn bè chẳng có năng khiếu nên không mê, Thủy tự cho mình là "con công giữa bầy gà", đành hát cho nồi niêu bát đĩa nghe.

Rồi Thủy cũng tìm được tri âm. Đó là một anh chàng không biết từ đâu đến, hát karaoke tuyệt vời, chơi đàn ngọt lịm. Thủy yêu anh ta lúc nào không biết nữa. Hàng phố biết chuyện trước bố mẹ. Những đêm bố mẹ đi bốc hàng thuê ngoài bến xe, bên nhà Thủy có tiếng đàn, tiếng hát, cả tiếng cấu chí nhau. Yêu vào, Thủy trông xinh ra, quần áo mới mua thêm một bộ, son phấn đều đều, đi đường hát thành tiếng. Mấy cô mấy bác ái ngại: "Không có người kèm thì gay". Quả đúng thế, Thủy mất tăm cùng người yêu. Bố mẹ bỏ việc, nhà như có tang, điện thoại một lô một lốc đi các nơi hết hàng trăm nghìn mà vẫn không tìm ra "chiếc tổ tình yêu".

Rất may, một ông giáo cấp 3 sống gần đấy biết sơ sơ về mối quan hệ yêu đương của Thủy qua mấy đứa học trò. Khi mẹ Thủy sang hỏi, ông nhanh chóng tìm ra cái anh chàng mà cô bé chết mê chết mệt. Chẳng phải ai xa lạ, đó chính là học trò cũ của ông, bỏ học từ giữa lớp 11; thông minh nhưng chơi bời phóng đãng. Thầy vẫn gặp cậu ta để tóc dài, phóng xe máy vèo vèo chở các cô gái ngoài đường. Ông giáo khuyên bố mẹ cứ bình tĩnh, chờ hết tiền bọn trẻ sẽ tự về. Quả nhiên một tuần sau, Thủy về với dung mạo nhếch nhác, sợ sệt.

Cần một liều thuốc cho cả cha mẹ và con cái

Đoạn kết của những cuộc ra đi theo tiếng gọi của con tim bé bỏng là gì? Các cô bé không thể tránh khỏi những vết thương cả về tinh thần lẫn thể xác. Thời gian có thể làm sẹo nhưng không thể nào xóa phẳng những dấu ấn của lần vấp ngã đầu đời. Sự hòa nhập trở lại cuộc sống của những em gái này sẽ gặp không ít khó khăn, gượng ép. Nhiều em suốt đời mặc cảm vì đã mang tiếng con gái hư hỏng, bỏ đi. Các ông bố bà mẹ vì đau đớn mà đánh mắng con, càng đẩy con cái sâu hơn vào sự cô đơn, mặc cảm.

Liệu pháp hiệu nghiệm nhất cần được sử dụng từ rất sớm. Đó là cha mẹ phải theo sát sự phát triển tâm sinh lý của con, có hiểu biết và kiến thức đầy đủ về giới tính của trẻ để có sự trợ giúp và ứng xử hợp lý với con cái. Đi vào đời sống tinh thần của con, trở thành người bạn thân thiết, cùng con chia sẻ những vướng mắc, khó khăn chúng thường gặp phải ở tuổi mới lớn; đó chính là liều thuốc bổ tác dụng lâu dài trong đường đời không đơn giản phẳng phiu của con trẻ thời nay.

Theo Vnexpress/Phụ Nữ