Con có ngoan "đúng chuẩn"?

Từ bé đến lớn, chúng ta đều được dạy phải cố gắng để làm con ngoan trò giỏi để làm vui lòng cha mẹ thầy cô. Nhưng tôi vẫn cứ thắc mắc mãi, liệu mình đã ngoan đúng chuẩn?

Tôi vẫn còn nhớ như in hồi đi học mẫu giáo, cứ đến chiều thứ Bảy là cả lớp lại háo hức vô cùng, vì sẽ được cô phát phiếu Bé ngoan. Không phải ai cũng được đâu nhé.

 

Bạn nào lười ăn cơm, hay tè dầm, đi ngủ nói chuyện riêng nhiều là tuần đó sẽ không được phát phiếu. Thích lắm. Hãnh diện nữa chứ, vì về khoe bố mẹ, thế nào cũng được thưởng cái gì đó, khi là gói kẹo, khi là con búp bê mới. Và cứ thế, ngay từ tấm bé, tôi đã mang trong mình ý thức "Không ngoan thì không có quà!" và "Phải ngoan thì mới được bố mẹ yêu".

 

Lớn hơn chút nữa, tôi vẫn chỉ biết cặm cụi học hành để bố mẹ yên lòng. Năm tôi học lớp 12, một lần mẹ đi làm về kể chuyện "Con cô bạn mẹ học hành không lo, tí tuổi đầu đã yêu với đương rồi về nhà cãi bố cãi mẹ hư hỗn quá!".

 

Thế đủ để tôi im thin thít về chuyện mình đang cảm nắng một cậu bạn ở lớp bên cạnh. Chẳng dại gì nói ra để bố mẹ lại kêu ca rồi siết vòng quản thúc. Tôi không dám hẹn hò đi chơi hay viết thư từ gì hết, chỉ ở nhà học hành, ôn thi cho thật tốt.

 
Con có ngoan đúng chuẩn?
 

Nhưng rồi khi vào Đại học, tôi nhận ra rằng, ngoan không đồng nghĩa với việc nhất nhất phải nghe theo lời cha mẹ. Quyết định quan trọng đầu tiên và khiến tôi tiếc nuối, day dứt đến tận bây giờ, đó là tôi đã chọn sai ngành để học.

 

Tôi đăng ký khoa Tiếng Pháp của một trường cũng khá nổi, nhưng không phải vì thích thú hay đam mê mà do bố mẹ tôi muốn thế. Vì "bố quen mấy bác làm bên công ty Pháp, có đầu ra sẵn rồi, mày chỉ việc học thôi", vì "mẹ thấy bây giờ ngoại ngữ quan trọng lắm, thêm một ngoại ngữ là thêm một cái đầu". Và thế là tôi đăng ký thi khoa Tiếng Pháp.

 

Ngày nhận kết quả, tôi thừa tận 7 điểm. Cả nhà vui như mở hội. Cũng tự hào lắm chứ. Nhưng khi nhập học, tôi mới biết,  mình đã chọn nhầm. Không phải vì tiếng Pháp không hay, cũng không phải tôi ngu dốt không theo được các bạn. Chỉ đơn giản là tôi thấy mình không hợp.

 

Giá như tôi dám dứt khoát rằng "con không thích", và theo học ngành tôi hằng yêu thích: Design. Tôi ngoan đấy, nghe lời bố mẹ đấy, nhưng tôi lại lỗi hẹn đến tận bốn năm với giấc mơ thực sự của mình.

 
Con có ngoan đúng chuẩn?
 

Rồi, tôi biết nói dối. Biết thừa rằng xin phép đi nghỉ mát với hội bạn đại học, bố mẹ tôi sẽ không đời nào đồng ý, tôi đã nói dối rằng đi với gia đình đứa bạn, có cả bố mẹ, anh chị bạn tôi đi cùng.

 

Và thế là năm đứa con gái dắt díu  hau vào Cửa Lò chơi bốn năm ngày liền. Vui nổ trời. Bố mẹ có lẽ sẽ chẳng bao giờ biết, nhưng tôi chẳng áy náy lắm đâu, vì tôi chẳng làm gì vượt qua giới hạn "ngoan" mà bố mẹ đã đặt sẵn ra cho tôi. Chỉ có một lần duy nhất, tôi đã vượt qua ranh giới ấy. Đó là khi tôi phát hiện ra bố "có vấn đề".

 

Công việc của bố đòi hỏi phải đi công tác rất nhiều. Có đợt cả tháng bố chỉ ở nhà vài ngày. Một lần vô tình mở máy bố ra để chơi điện tử, tôi đọc được tin nhắn từ một số lạ, đại loại là "Anh năng lên đây công tác nhé!".

 

Nói thật là tôi run lên vì sợ và vì giận. Bạn bè tôi, có rất nhiều đứa phải chịu thiệt thòi vì bố mẹ bỏ nhau... Và thế là tôi đã lấy máy bố nhắn lại "Bố cháu đi công tác chứ có phải đi chơi đâu mà muốn lên là lên được!".

 

Sau đó, tôi đã thẳng thắn hỏi bố về tin nhắn đó, thẳng thắn thừa nhận là tôi đã nhắn lại cho người ta như vậy. Bố giận tôi cả tuần trời, rồi mắng tôi trẻ con, bất lịch sự... Tôi chẳng cãi lại nửa câu, chỉ nói rằng "Con thương mẹ". Thế là bố im lặng. Và rất bất ngờ, bố đã xin lỗi tôi.

 

Tôi gần như phát khóc vì tủi thân. Tôi sai, vì đã lén đọc tin nhắn của bố. Tôi không ngoan, vì đã nhắn lại như thế. Nhưng tôi đã làm rất tốt một việc: Bảo vệ gia đình tôi. Đến tận bây giờ, đó vẫn chỉ là bí mật của tôi và bố. Tôi chưa một lần kể với mẹ, vì bây giờ, tôi tin tưởng tuyệt đối bố mình.

 

Có rất nhiều cách để định nghĩa một chữ "ngoan". Với người này có thể là nghe lời bố mẹ răm rắp, với người kia lại là cố gắng sống theo đúng mong muốn, đam mê cũng như sở thích của mình, miễn không làm bố mẹ phiền lòng, lo lắng là được.

 

Một anh bạn của tôi có định nghĩa chữ "ngoan" thế này "Ngoan là không bao giờ gọi bố mẹ mình là ông già, bà già, cụ khốt... Vì nếu thực sự là người con ngoan và có hiếu, em sẽ không bao giờ muốn bố mẹ mình già đi...".

 

Vậy nên, hãy làm một người con ngoan, nhưng đừng ngoan- một-cách-bị-động hay ngoan-giả-tạo để làm màu với bố mẹ, nhé!

 

Theo Hoa học trò