Cô sinh viên tạo nên “thương hiệu” Táo Blog

Trong chương trình Táo quân 2007, tiếng động phát ra từ miệng Táo Blog: “Híc híc”, “ặc ặc”, “ke ke” đã gây sốc với Ngọc Hoàng và làm náo loạn ngôn ngữ thiên đình. Người viết kịch bản Táo Blog là một nữ sinh viên 22 tuổi.

“Híc híc”, “ặc ặc”, “ke ke”…

Kịch bản Táo quân 2007 được Thanh Hải (đạo diễn, Hãng phim Truyền hình Việt Nam), Trí Hùng (biên kịch), Thế Anh (đạo diễn và cũng là người đóng vai Thiên Lôi) và Phạm Thu Hiền - nữ sinh trường Sân khấu Điện ảnh viết và dàn dựng.

Năm nay, ngoài Táo Kinh tế, Táo Giáo dục, Táo Thể thao… còn có sự xuất hiện của Táo Quan chức, Táo Cơ chế và đặc biệt là Táo Blog.

Hiền cho biết: “Vào một ngày giữa tháng 1, anh Thanh Hải - người đã giúp đỡ và chỉ bảo cho Hiền rất nhiều trong quá trình tập viết kịch bản đã gọi điện tới hỏi mình có muốn cùng viết kịch bản cho Táo Quân không? Đây quả là dịp may hiếm có nên mình đã đồng ý”. Và vì là người trẻ nhất nên Hiền được giao viết Táo blog.

Để đi tìm cảm hứng và ý tưởng, nhiều ngày Hiền “lang thang” trên các diễn đàn, các trang blog ghi chép lại toàn bộ những câu, từ ấn tượng và những ý tưởng chợt “nẩy” ra trong quá trình tìm kiếm.

Hiện đang là SV năm thứ ba ĐH Sân khấu Điện ảnh, Hiền dành thời gian để viết kịch bản cho chương trình thư giãn của một đài truyền hình.

 

Cô cũng đang xây dựng kế hoạch viết kịch bản về cuộc sống thật của giới 9X hiện nay.

Vốn là một “cư dân” mạng, là chủ nhân một trang blog cá nhân khá độc đáo nhưng để viết được kịch bản được công diễn trong vòng 15 phút, Hiền đã phải mất tới 2 đêm thức trắng bên màn hình vi tính.

Cùng thuộc thế hệ 8X (Hiền sinh năm 1985) “sát sạt” với thế hệ 9X nên Hiền hiểu được phần nào về sở thích, xu thế thời trang, phong cách sống của giới trẻ hiện nay.

Theo Hiền: “Viết về Táo Blog cần phải sử dụng ngôn ngữ hơi hướng “kiếm hiệp”, mà càng nhiều từ “lóng” thì càng gây ấn tượng với giới trẻ. Tuy nhiên, phải kết hợp linh hoạt sao cho lời thoại không quá lộn xộn để đa số người xem đều hiểu. Những từ: “híc híc”, “ặc ặc”, “ke ke”, “mừ”… là những từ “độc quyền” của “cư dân” mạng.

Lần đầu tiên tham gia một chương trình lớn, được sự quan tâm chú ý đông đảo khán giả, Hiền cắp laptop theo làm thư ký cho mọi người từ 9 giờ sáng hôm trước đến 3 giờ sáng hôm sau, chỉ lót dạ bằng mấy cái kẹo hoặc mẩu bánh mỳ nhưng quyết tâm không thể bỏ qua cơ hội “học hỏi và cọ xát là chính”.

“Lúc công diễn mình run lắm, không biết khán giả “đối xử” thế nào với “đứa con tinh thần” của mình. Đến khi nghe khán giả vỗ tay ủng hộ mình mới thở phào…” - Hiền tâm sự.

“Tôi vẫn chỉ là sinh viên thực tập …”

Từ nhỏ Phạm Thu Hiền đã là cô bé mạnh mẽ, cá tính. Từ năm học THPT Hiền bộc lộ năng khiếu của mình khi cô vừa viết kịch bản, đạo diễn kiêm luôn cả diễn viên chính trong tiểu phẩm: Lọ Lem thời hiện đại.

Là con gái út trong gia đình, bố làm kỹ sư, mẹ và chị gái làm tại Bộ Ngoại giao, khi thi vào trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, Hiền đã gặp phải sự phản đối kịch liệt. Nhưng Hiền vẫn quyết tâm thi và cô trở thành thủ khoa trường Sân khấu Điện ảnh khoa Lý luận phê bình biên kịch sân khấu K24.

Cô lớp trưởng xinh đẹp dù đang “mài đũng quần trên giảng đường” nhưng vẫn dành nhiều thời gian cho niềm đam mê sáng tạo nghệ thuật của mình.

Chỉ trong năm thứ hai đời sinh viên, Hiền đã có kha khá thành tích “bỏ túi”: 3 tiểu phẩm Gặp nhau cuối tuần chung và riêng, đồng tác giả Gặp nhau cuối năm với Trí Hùng và Đỗ Gia Chung, đồng tác giả Táo Quân với Trí Hùng, Thanh Hải, Thế Anh cùng một số cộng tác viên khác.

“Mình vẫn chỉ là sinh viên thực tập được các anh chị đi trước ưu ái tạo điều kiện…” - Hiền khiêm tốn. 

Theo Anh Chi
Tiền Phong