"Cô ơi, chỉ con cách... chọn chồng!"
(Dân trí) - Có cần giáo dục các bạn gái cách chọn chồng? Có cần giáo dục những người vợ biết cách "dạy" chồng để có được sự bình đẳng? Tiêu chí khi chọn chồng như thế nào?...Đó là những câu hỏi được khá nhiều bạn gái quan tâm.
Vấn đề được nhiều bạn gái đặt ra tại buổi giao lưu "Công Dung Ngôn Hạnh thời nay" với GS.TS Thái Kim Lan (GS triết học Phương Đông ở trường Đại học Thành phố Munich, Đức) diễn ra ở TPHCM đúng ngày Quốc tế phụ nữ 8/3.
Bất bình đẳng từ... đôi đũa, cái chén
Là một người mẹ, chị Trần Ngân Hà, ở TPHCM cho biết, chị đọc được nhiều ý kiến cho rằng không cần phải đòi quyền bình đẳng giới nhưng thực tế việc bất bình đẳng trong gia đình diễn ra rất nhiều.
Phụ nữ đi làm về mệt đến mấy vẫn phải vào bếp nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp cho cả nhà, trong khi đó có thể người đàn ông... nằm khểnh không làm gì.
Ở không ít gia đình, việc người đàn ông rửa bát là chuyện không bao giờ có, dù nếu họ làm một lần, người phụ nữ hạnh phúc vô cùng.
Rồi chính nhiều người phụ nữ cho rằng điều này là bình thường. Và nhiều đàn ông Việt cho rằng rửa chén bát không phải là việc của mình, làm việc đó là hạ thấp mình. Đó chính là sự bất bình đẳng giới.
Trước những chia sẻ về "bi kịch" của bất bình đẳng giới trong hôn nhân, Ngọc Thu, một bạn gái trẻ đặt câu hỏi với TS Thái Kim Lan rằng cô nhắn nhủ gì với các bạn gái trẻ hiện nay về 4 chữ "công dung ngôn hạnh" cũng như cách chọn người bạn đời như thế nào?
Cô Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ. TPHCM đặt câu hỏi thực tế liệu chăng chúng ta nên giáo dục các bạn gái các chọn chồng? Và nếu đã không chọn được thì chính những người vợ cần được giáo dục cách để "dạy" chồng để tạo ra sự bình đẳng trong gia đình.
Công dung ngôn hạnh: Đàn ông cũng cần!
Ở Việt Nam, TS Thái Kim Lan đồng tình, sự bất bình đẳng giới còn rất lớn. Nhưng nếu so với những năm trước năm 70, 80 của thế kỷ 20 thì hiện nay các bạn nữ đã có nhiều cơ hội để trau dồi về tri thức, học tập phát triển bản thân tốt hơn rất nhiều.
Người trẻ bây giờ giỏi và có khả năng, họ phát triển rất tốt nếu biết chọn lọc, tìm đúng hướng đi cho mình.
GS.TS Thái Kim Lan
Về 4 từ Công - Dung - Ngôn - Hạnh, cụm từ mọi người hiểu là tiêu chí dành cho phụ nữ, TS Thái Kim Lan thừa nhận trước đây chính bản thân bà cũng từng "cười" các tiêu chí này. Nhưng càng về sau, bà càng thấy những điều này có giá trị.
Theo TS Thái Kim Lan, 4 từ này thật ra không tách biệt ra từng tiêu chí một như mọi người vẫn phân tích. Công việc - dung nhan qua thị giác - lời ăn tiếng nói - và phẩm hạnh là bốn nhưng giá trị chung là để nói về con người có nhân cách, có đạo đức, có cách cư xử nhân văn... cần được hình thành, hoàn thiện từ bé cho đến khi trưởng thành.
Tiêu chí về người đàn ông, TS Lan cho rằng cũng chính là Công - Dung - Ngôn - Hạnh, không chỉ dành riêng cho phụ nữ mà đàn ông cũng phải có. Để có sự bình đẳng giới thì chính các bé trai, cánh đàn ông cần được giáo dục để biết cảm thông, chia sẻ với những khó khăn của phụ nữ.
Riêng với phái nữ và với người trẻ, TS Triết học nổi tiếng ở Đức nhấn mạnh, bà muốn gửi gắm "Công - Dung - Ngôn - Hạnh" nhưng trong sự tự chủ. Chứ không phải là nhìn xung quanh rồi chạy theo những tiêu chí, bắt chước người khác mà đánh mất tự chủ.
"Bạn trẻ chạy theo quá nhiều thứ, nhìn theo người này người khác làm mình già đi trước tuổi, sớm đánh mất tuổi thanh xuân của chính mình một cách rất đáng tiếc", TS Lan chia sẻ.
Hoài Nam