Cô giáo - Thủ khoa ĐH Sư phạm: “Đi dạy rồi mới thấy thấm thía lời thầy cô”
(Dân trí) - "Nếu như khi học cấp 3, các thầy cô thúc giục học đi nhưng vì mải chơi nên chưa hiểu hết những lời dặn đó thì giờ đây, khi mình là một giáo viên đứng trên bục giảng, trước các em học sinh, với tâm huyết của một nhà giáo, những chia sẻ của mình chính là lời từ đáy lòng, luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất tới các em”, Hằng Nga tâm sự.
Đó là chia sẻ của nữ thủ khoa trường ĐH Sư Phạm Hà Nội 2 năm 2018 Lê Hằng Nga. Từ trải nghiệm của một người học sinh và giờ đây là một cô giáo trẻ giảng dạy cho các em học sinh, Nga nhận thấy lời thầy cô dặn đều là những tâm huyết và từ đáy lòng.
Lê Hằng Nga (sinh năm 1996, Bắc Ninh) là sinh viên ngành Sư phạm Ngữ Văn của trường ĐH Sư Phạm Hà Nội 2. Nga chia sẻ theo học trường sư phạm theo truyền thống của gia đình và đây cũng là ước mơ của Nga ngay từ khi còn nhỏ: “Nghề giáo là một nghề cao quý và góp ích rất nhiều cho xã hội”.
Sau 4 năm đại học, Hằng Nga đạt số điểm học tập gần tuyệt đối 3.92/4, kết quả rèn luyện loại xuất sắc. Nga bộc bạch dù kết quả không quá cao so với nhiều bạn nhưng cũng có một chút tự hào. Để có được thành tích này là nhờ vào sự giúp đỡ của các thầy cô, nhà trường và gia đình. Đó như một bước đà để Nga phát triển.
Bên cạnh đó, thành tích này còn có được nhờ việc Nga hăng hái tham gia các hoạt động. Trong 4 năm đại học, Hằng Nga cũng tích lũy được những kinh nghiệm, có cơ hội được tham gia các cuộc nghiên cứu khoa học và đạt được những thành tích ấn tượng.
Đến với ngành Sư phạm Văn, Nga chia sẻ là một cơ duyên. Trước đó Nga cũng từng là thành viên đội tuyển Văn của trường cấp 3 và là học sinh giỏi Văn của tỉnh Bắc Ninh, cũng từ đó tình yêu với môn Văn trong Nga được nhen nhóm.
Chia sẻ về cảm xúc của lần đầu tiên đứng trên bục giảng với cương vị là một cô giáo, Nga nói: “Được các em học sinh chào là cô giáo cảm xúc của mình rất bồi hồi, tự hào và có một chút vui khi được các em học sinh gọi như vậy. Khi đó mình cảm thấy bản thân có trọng trách nặng nề hơn, ý thức được nghề nghiệp mình sẽ theo trong suốt cuộc đời sau này”.
Trải qua 2 kì thực tập khi còn là sinh viên cũng là 2 lần Nga được chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam. Khi đó Nga giữ vai trò là một giáo viên thực tập kiêm phó đoàn thực tập tại trường THPT Xuân Hòa (Vĩnh Phúc).
Trong quá trình thực tập tại trường Nga kể có rất nhiều kỉ niệm nhưng điều cô giáo trẻ nhớ nhất là được đứng ra tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh về ngày 20/11, 20/10.
“Khi trực tiếp tổ chức hoạt động mới nhận ra các em học sinh bây giờ rất khác với mình những năm trước, các em năng động, nhiệt tình và vô cùng sáng tạo”, Nga chia sẻ.
“Lần đầu tiên mình nhận lời chúc từ học sinh nhân ngày 20/11, dù mới chỉ là thực tập nhưng cảm giác bản thân đã như một cô giáo thực sự, lớn hơn, trưởng thành hơn và thấy rằng bản thân phải có trách nhiệm với những học sinh đầu đời đó của mình.
Giờ đây khi đang đứng trên cương vị của một người giáo viên nghĩ về thời điểm còn là một học sinh, mình thấy rằng tất cả những lời thầy cô nói đều đúng, không có một câu nào sai cả.
Nếu như khi học cấp 3, các thầy cô thúc giục học đi nhưng vì mải chơi nên chưa hiểu hết những lời dặn đó thì giờ đây, khi mình là một giáo viên đứng trên bục giảng, trước các em học sinh, với tâm huyết của một nhà giáo, những chia sẻ của mình chính là lời từ đáy lòng, luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất tới các em”, Hằng Nga tâm sự.
Thành tích của Hằng Nga:
Có bài báo đăng trên Tạp chí Giáo dục và Xã hội; Có bài báo đăng trên Tạp chí Giáo chức Việt Nam; Tham gia viết bài và được chứng nhận Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka (Ban chấp hành Thành phố Hồ Chí Minh); Tham gia học bổng KOVA hạng mục Sinh viên triển vọng.
Là Lớp Phó văn thể chi đoàn K40C- Sư phạm Ngữ, thành viên CLB Kỹ năng mềm, câu lạc bộ Văn học nghệ thuật.
Tham gia “Hội sinh viên tình nguyện tuổi trẻ Bắc Ninh”; chương trình “Áo ấm cho em” tại Hà Giang năm 2016.
Bằng khen sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc năm 2018 quỹ khuyến học, khuyến tài Phạm Văn Trà.
Kim Bảo Ngân
Ảnh: NVCC