Cô giáo livestream Thanh Nga mong gặp học sinh trực tiếp tại trường
(Dân trí) - "Em nghĩ đối với một giáo viên trẻ năm nào cũng đi chúc Tết các thầy cô nhưng năm nay lại ngược lại, được các em học sinh đến chúc Tết là một cảm xúc rất thú vị mà khó diễn tả thành lời".
Trần Thanh Nga là cô giáo 9x dạy Vật lý đang được học trò rất mực yêu mến trên mạng xã hội.
Thanh Nga tốt nghiệp bằng giỏi chuyên ngành Sư phạm Vật lý, trở thành giáo viên đã được hai năm. Hiện nay, Nga đang dạy tại học tại trường THPT Việt Nam - Ba Lan và trường THPT Đào Duy Từ, Hà Nội. Cô nổi tiếng nhờ những bài giảng livestream môn Vật lý.
Nhân dịp đầu năm mới, vào thời điểm học sinh cả nước sắp trở lại trường học, phóng viên Dân trí có cuộc trò chuyện với cô giáo Thanh Nga.
Năm vừa qua là năm tên tuổi của cô giáo Thanh Nga được phủ sóng khắp mạng xã hội, trở thành "người nổi tiếng" trong lòng các học trò. Bước đột phá tên tuổi này có tác động gì tới cuộc sống và công việc của cô?
- Năm 2021 là một năm rất đặc biệt đối với em vì nó đã mang đến cho em rất nhiều tình cảm từ mọi người, từ các em học sinh trên khắp cả nước. Ngoài ra, em đã được biết đến và được gọi với cái tên cô giáo Thanh Nga dạy Vật lý. Đó chính là điều mà bất cứ một giáo viên nào cũng đều mong muốn.
Thật ra vì là giáo viên nên nổi tiếng trên mạng hay không cũng không quá quan trọng vì công việc của em vẫn là dạy học, luôn phải dạy thật tốt, chăm chút những bài giảng thật cẩn thận và càng nổi tiếng thì áp lực về bài giảng của mình lại càng cao.
Học sinh mà, mỗi khi nghe thấy cô giáo dạy lớp mình hay chủ nhiệm mình là một cô giáo nổi tiếng thì ai cũng thích, học sinh tập trung trong những tiết dạy của em hơn và đặc biệt trong tiết dạy của em thì gần như không học sinh nào xin nghỉ học. Có lẽ đó cũng chính là điều tuyệt vời mà sự nổi tiếng đã mang đến cho em.
Bí quyết gì khiến cô Nga livestream dạy học hút hàng triệu view?
- Em nghĩ một trong những bí quyết cũng như lợi thế của bản thân mình đó là ngoài vẻ ngoài ưa nhìn và phong cách nói chuyện gần gũi của một giáo viên thế hệ trẻ. Được tiếp xúc với công nghệ thông tin nhiều nên trong những bài giảng của mình em sẽ cố gắng đem đến cho học sinh những bài giảng hay, bắt mắt và đặc biệt không thể thiếu những thí nghiệm vật lý thực tiễn để cho học sinh không bị tình trạng học chay và có những góc nhìn thực tế nhất, gần gũi nhất của môn Vật lý với cuộc sống.
Ngoài dạy học trên mạng, cô Thanh Nga cũng đang dạy học ở trường cấp 3 phải không? Công việc của cô trong năm Tân Sửu vừa qua ra sao?
- Ngoài dạy trên mạng xã hội, hiện tại em đang dạy tại hai trường tại Hà Nội. Công việc giảng dạy tại trường của em trong thời gian qua có rất nhiều cảm xúc. Ban đầu, vì chưa quen với việc dạy và học online, chưa một lần nhìn thấy học sinh lớp mình ra sao, tính cách như thế nào nên em có khá nhiều lúng túng và có phần stress vì việc tương tác với các học sinh. Nhưng sau này, khi dần ổn định, mọi thứ đi vào quỹ đạo thì việc dạy và học đã tốt hơn.
Dịch bệnh buộc giáo viên phải chuyển qua dạy online 100%. Giáo viên khác có thể gặp nhiều khó khăn trong cách thức dạy học mới này nhưng với cô Nga hẳn là sự thuận lợi? Dù vậy, cô có gặp phải các vấn đề tâm lý chung như các giáo viên và học sinh khác không?
- Chắc chắn là phải có những khó khăn chung rồi. Dạy trực tuyến khiến mình tiếp xúc và hiểu học sinh ít hơn, mình không thể cầm tay chỉ việc và giải thích chi tiết như việc học ở trên trường, bình thường học sinh đã rất ngại hỏi và khi học online học sinh còn ngại hỏi hơn nữa, khả năng tiếp thu và tập trung của học sinh khi học online sẽ ít hơn do cũng dễ xao nhãng và nhìn máy tính quá lâu cũng khiến học sinh mệt.
Ngoài ra, việc mất mạng, mất tín hiệu rồi đôi khi máy tính trục trặc, máy tính của học sinh cũng gặp vấn đề sẽ khiến cho công việc dạy và học bị ảnh hưởng phần nào; nhiều khi học sinh cũng sẽ lấy luôn những lí do đó để không làm theo những yêu cầu của giáo viên. Việc dạy học trực tuyến khiến các giáo viên vất vả hơn nhiều so với truyền thống vì cần chuẩn bị không chỉ bài dạy mà cách giảng dạy cũng phải hấp dẫn và hứng thú với học sinh.
Chỉ tiếc năm nay học sinh của em đa phần là học sinh lớp 10 nhưng đến giờ vẫn chưa được biết học sinh của mình ở ngoài như thế nào, không biết tình cảm cô trò có vơi đi phần nào không nữa. Còn thuận lợi hơn thì có chăng là sự trẻ trung, sử dụng công nghệ thông tin và cập nhật phần mềm dạy trực quan tốt hơn.
Hãy chia sẻ về cách thức một cô giáo trẻ như Thanh Nga vượt qua áp lực công việc nói chung và áp lực là người giáo viên nổi tiếng.
- Thật buồn cười khi em phải thú nhận điều này, nhưng khi áp lực quá, việc đầu tiên em làm đó là "khóc". Nghe yếu đuối ghê, nhưng khóc là một cách khiến em giải tỏa năng lượng tiêu cực của bản thân mà không ảnh hưởng đến người khác và cũng là cách khiến em bình tĩnh lại hơn để có thể tiếp tục làm việc.
Khi trở thành một giáo viên nổi tiếng, cùng với đó cũng có rất nhiều những comment tiêu cực về mình, sau khi trấn tĩnh bản thân em cũng biết rằng mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, phải tiếp tục học tập tiếp tục trau dồi để xứng đáng với những kì vọng của học sinh và mọi người. Áp lực công việc là điều ai cũng phải trải qua hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, nhưng hãy tìm cách giải quyết từng công việc một để không bị chồng chéo và quá tải.
Điều gì của nghề giáo đã hấp dẫn Nga theo đuổi công việc này?
- Điều khiến em luôn đam mê, cháy hết mình với nghề giáo đó chính là học sinh. Em thích những đứa trẻ, thích được dạy cho học sinh những bài học, những kiến thức không chỉ có trên sách vở mà còn là những bài học mà em đã trải qua.
Một trong số những lợi thế của các giáo viên trẻ đó là sự gần gũi với học sinh; các em học sinh rất tình cảm và luôn tâm sự với em tất thảy mọi điều từ tình yêu đến gia đình và những áp lực mà các em phải trải qua nên em rất hạnh phúc vì mình đã làm được một điều gì đó cho các em.
Cô có thể kể một vài câu chuyện, kỷ niệm thú vị với học trò?
- Kỷ niệm với học sinh thì rất nhiều, nhưng gần đây nhất đó là khi cả lớp đã khoe với em rằng nhờ cô mà lớp con thi Vật lý đạt trong top 5 của toàn trường, điều ấy khiến em còn vui hơn cả học sinh khi được điểm cao nữa. Ngoài ra, học sinh còn làm thơ, còn hát, hay sáng tác riêng cả một bài nhạc tặng em nhân ngày sinh nhật cũng là một kỷ niệm em không thể quên.
Tết của em vẫn như mọi năm, quây quần bên gia đình nhưng năm nay có một điều thú vị và mới mẻ hơn đó là vào ngày mùng 3 "tết thầy", học sinh đã đến nhà em để chúc Tết. Em nghĩ đối với một giáo viên trẻ năm nào cũng đi chúc tết các thầy cô nhưng năm nay lại ngược lại, được các em học sinh đến chúc Tết là một cảm xúc rất thú vị mà khó diễn tả thành lời.
Sau Tết, học sinh sẽ trở lại trường học. Cô Nga và nhà trường đã có sự chuẩn bị như thế nào để đón các em tới lớp?
- Các trường học trước Tết đã dọn dẹp sạch sẽ, phun xịt khử khuẩn để sẵn sàng đón học sinh tới trường. Các thầy cô giáo sau gần một năm dạy online ở nhà cuối cùng đã có thể đến trường gặp học sinh. Chắc chắn mỗi thầy cô đã có sự chuẩn bị về giáo án, kiến thức để giảng dạy cho học sinh của mình.
Thực chất, các giáo viên cũng luôn xác định thời gian học online vừa qua học sinh bỏ lỡ kiến thức nên để chuẩn bị kỹ càng cho việc dạy trực tiếp trở lại. Em cũng đã xác định tâm lý sẽ gần như dạy lại và đảo qua những kiến thức đã học một vài lần nữa để học sinh có thể nắm chắc bài được tốt hơn.
Sau những ngày tháng học online kéo dài, học sinh đã dần quen với nếp sống giờ giấc và sinh hoạt tại nhà, nên trước khi trở lại trường, học sinh cần thiết lập lại một thời gian biểu khoa học hợp lý. Em biết trong khi học online, sẽ có những bạn ăn trong khi học, chơi trong khi học và đôi khi là ngủ trong khi học. Vậy nên, khi quay trở lại học tại trường mà không chuẩn bị một thời gian biểu hợp lý học sinh sẽ rất dễ uể oải và không thể tập trung vào học.
Ngoài ra, điều quan trọng nhất đó là sức khỏe, các em sẽ luôn phải theo dõi tình hình sức khỏe của bản thân mình, tập luyện ăn uống để tăng sức đề kháng và một tinh thần thoải mái trước khi đến trường.
Cảm ơn cô đã chia sẻ, chúc cô năm mới sức khỏe và niềm vui!
Ảnh: NVCC