Cô giáo dạy Sử 9X: Không có học trò hư mà chỉ là do bồng bột
(Dân trí) - Nói về chủ đề nóng trong học đường hiện nay là bạo lực, sự thay đổi trong mối quan hệ thầy – trò, cô giáo dạy Sử nổi tiếng trên mạng Nguyễn Thúy Loan có quan điểm khoa học và nhân văn.
Cô giáo dạy Sử xinh như “hot girl” nổi tiếng trên mạng
Cô giáo Nguyễn Thúy Loan
Giữa năm 2014, những bức ảnh của cô giáo Nguyễn Thị Thúy Loan, giáo viên dạy môn Lịch sử trường quốc tế Việt – Úc, TP.HCM được nhiều người chú ý trên mạng xã hội.
Từ một giáo viên trẻ, mới bước vào nghề chưa đầy 3 năm, cô Loan trở nên nổi tiếng trong cộng đồng học sinh cả nước nhờ gương mặt xinh đẹp tựa như búp bê. Cô được nhiều bạn trẻ khen ngợi rằng không thua kém bất cứ “hot girl” nào.
Được quan tâm quá bất ngờ, cô Loan vội từ chối các cuộc phỏng vấn, gặp gỡ giới truyền thông để chuyên tâm vào giảng dạy. Do vậy, những người yêu mến cô giáo trẻ có khá ít thông tin về cô.
Ít ai biết rằng cô giáo dạy Sử này là một người con mảnh đất Hải Dương. Cô tốt nghiệp chuyên ngành Lịch sử, ĐH Sư phạm TP.HCM với tấm bằng loại khá.
Mẹ của cô giáo xinh đẹp cũng là một giáo viên mầm non. Từ bé, cô Loan theo mẹ đến lớp, ngắm nhìn những đứa trẻ chơi đùa, cô đã rất thích được trở thành người dìu dắt, dạy dỗ chúng nên người giống như mẹ của mình.
Học sinh không hề ghét môn Sử như người ta vẫn nói
Lớp của cô Loan chủ nhiệm cũng như nhiều lớp khác cô tham gia giảng dạy, học trò không phải ai cũng yêu thích môn Lịch sử, tuy nhiên, nếu nói là ghét thì không hề. Nhất là khi cô giáo rất chịu khó tìm tòi để kích thích sự ham học của các em.
Cô Loan và học trò của mình
“Ngày xưa tôi cũng là học trò, tôi cũng thấy học Sử rất khô khan. Vì vậy nên tôi phải tìm hiểu sở thích, suy nghĩ của học sinh để xem các em quan tâm tới vấn đề nào liên quan đến bộ môn của mình mà lôi kéo sự quan tâm của các em.
Ở tuổi cấp 2 các em rất thích những câu chuyện về các vị anh hùng nên tôi tìm thêm để kể cho các em, sử dụng nhiều hình ảnh, phim tư liệu để thu hút sự chú ý, làm phong phú bài giảng… Nhờ vậy, giờ Sử hấp dẫn các em hơn”, cô Loan cho biết.
Nhiều học trò còn tìm tới cô giáo để mượn sách về các nhân vật lịch sử Việt Nam. Bởi cô giáo trẻ thân thiện, gần gũi nên trò càng dễ dàng hơn trong việc trao đổi các vấn đề học tập.
Học trò thích gần gũi với cô giáo trẻ
Cô Loan hiện đang là giáo viên chủ nhiệm một lớp 20 học sinh. Cô nhận xét rằng việc mỗi lớp có số lượng học sinh vừa phải như vậy giúp cho giáo viên chủ nhiệm sát sao hơn, có điều kiện tâm sự với từng em. Cô là người rất thích trò chuyện cùng học trò. Có lẽ đây cũng là lí do cô được học sinh yêu mến.
Trước đây, trong lớp cô có một học sinh học rất giỏi Anh văn, đứng đầu toàn khối nhưng lại lười học tiếng Việt, dẫn đến các bộ môn khác của em cũng đi xuống. Lo lắng cho tình hình học tập của trò, cô giáo đã đến tận nhà thăm và tâm sự cùng em. Từ sau lần cô trò nói chuyện, học sinh của cô đã cố gắng hơn nhiều, đến nay đã trở thành học sinh giỏi toàn diện.
Lại có trường hợp khác, cô Loan kể rằng: “Một cô bé có điều kiện gia đình khá tốt nhưng ba mẹ bận đi làm, không có thời gian quan tâm con. Có lần mẹ em gọi điện đến cho tôi than thở rằng dạo này em hay đi chơi, ăn diện đua đòi với đám bạn mà không nghe lời mẹ. Tôi đã khuyên chị dành nhiều thời gian cho cô bé hơn, hai mẹ con rủ nhau đi siêu thị, đi nhà sách… dần dần cô bé đã thân thiết với mẹ hơn. Cuối năm đó cô bé đã học khá hẳn lên và đạt học sinh giỏi”.
Không có học trò hư mà chỉ là do bồng bột
Được yêu mến không chỉ trong trường mà còn trên mạng xã hội, cô giáo Loan cho rằng đây là một lợi thế vì “trò có yêu quỳ thầy cô thì mới dễ nói chuyện và tâm sự với mình”.
“Ở tuổi này các em học sinh chưa định hình được tính cách, sớm nắng chiều mưa, ham chơi nên giáo viên và gia đình cần phải quan tâm nhiều. Tôi thấy học sinh bây giờ so với trước đây khác rất nheièu. Thời của tôi thầy cô luôn được kính trọng và trò có phần sợ giáo viên. Nay các em gần gũi hơn, thẳng thắn với với thầy cô. Có em còn viết giấy nhắn gửi cho tôi nữa”, cô Loan kể chuyện học trò mình.
Cô Loan cùng học trò tham gia hoạt động ngoại khóa
Nói về học trò, cô có hàng trăm chuyện để kể, không bao giờ hết chuyện bởi cô rất yêu học sinh. Tuy nhiên, cũng có lúc học trò ương bướng khiến cô giáo buồn. Cô thường tìm gặp riêng trò để hỏi han, chỉ bảo chứ không trách phạt trước lớp vì cô cho rằng “học sinh có tự trọng, tự ái riêng, giáo viên phải hiểu điều đó”.
Đối với hiện tượng xã hội nhức nhối hiện nay là bạo lực học đường, học trò thiếu tôn trọng thầy cô giáo, cô giáo xinh xắn cho rằng: “Không thể vơ đũa cả nắm nói rằng học trò ngày nay hư. Mỗi trò có môi trường sống, điều kiện sống khác nhau nên phải hiểu trò để có biện pháp sư phạm hợp lý. Không có học trò hư không thể dạy được mà đó là cách cư xử sai do tâm lý bồng bột, chưa ổn định của các em. Những học trò này càng cần người thầy phải quan tâm nhiều hơn các bạn khác để giúp đỡ các em, xây dựng tình cảm thầy trò nhất định”.
Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, cô giáo Thúy Loan đã nhận được những tấm thiệp rất ý nghĩa từ học trò của mình, cô cho rằng đó là món quà giá trị nhất với người làm nghề giáo.
Cô giáo dạy Sử xinh đẹp của trường Việt - Úc
(Ảnh: NVCC)