Cô gái Vũng Tàu lên ngôi Thủ lĩnh tân sinh viên Học viện Ngoại giao
(Dân trí) - Xuất sắc vượt qua Top 5 để vào vòng tranh biện, phản đối thành công quan điểm “Người thủ lĩnh là người quyết định cho mọi người thay vì quyết định theo mọi người”, nữ sinh đến từ Vũng Tàu Lê Thị Nga đã trở thành Thủ lĩnh của tân sinh viên Học viện Ngoại giao.
Vừa mới nhập học hơn 1 tháng nhưng tân SV Học viện Ngoại giao đã thể hiện sự tự tin và tài năng của mình qua Chung kết Thủ lĩnh Sinh viên Ngoại giao lần thứ 6 – DAV Leaders ’16.
Chương trình tranh cử khóa trưởng K43 “DAV Leaders” là hoạt động thường niên dành cho các tân sinh viên Học viện Ngoại giao với mục đích chính là tuyển chọn ra gương mặt có khả năng đảm nhận vị trí Khóa trưởng, đại diện cho sinh viên khóa 43 .
Các ứng cử viên phải trải qua ba vòng thi: sơ tuyển, vận động tranh cử, tranh biện theo nhóm, cá nhân và chung kết. Lấy cảm hứng từ cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ, các bạn tân sinh viên đã có một khoảng thời gian vô cùng thú vị để áp dụng những kiến thức mình đã được tiếp xúc về ngành Ngoại giao, tìm hiểu thêm về những cách lãnh đạo, quản lý, học hỏi và rèn luyện các kỹ năng để trở thành một nhà ngoại giao tương lai.
Không những vậy, DAV Leaders 2016 còn góp phần thúc đẩy phong trào hoạt động sinh viên đầu năm, xây dựng bộ máy cán sự nòng cốt và bồi dưỡng những sinh viên ưu tú có tiềm năng trở thành cán bộ Đoàn-Hội trong tương lai.
Quan trọng hơn, chương trình là một cách thú vị để giúp các tân sinh viên có sự hướng nghiệp rõ ràng, giúp các bạn không bỡ ngỡ với những đặc trưng nghề nghiệp mình theo đuổi sau khi ra trường và có phương hướng phát triển lối tư duy mở, chủ động và toàn diện.
Chàng trai duy nhất của Top 5 Nguyễn Tùng Văn – đại diện Khoa Truyền thông và Văn hóa Đối ngoại gửi thông điệp “Sinh viên Ngoại giao tri ân thầy cô mỗi ngày, chứ không riêng gì ngày 20/11” qua đề án Mùa tri ân của mình.
Trong đêm thi chung kết, 5 thí sinh được lựa chọn từ 15 thí sinh phải trình bày đề án hoạt động của mình để phát triển phong trào học tập và hoạt động của sinh viên, đề án nào có khả năng hiện thực hóa cao nhất sẽ được chọn và đưa vào thực tế. Các ứng cử viên đều chuẩn bị rất kỹ càng và đưa ra những ý tưởng hết sức sáng tạo để phát triển hoạt động của trường trong những năm tới.
Cả năm đề án của các ứng viên đều mang tính sáng tạo và thuyết phục như: Đề án Trại thủ lĩnh của Nguyễn Phương Hồng Ngọc – Khối trưởng Khoa Chính trị Quốc tế và Ngoại giao, Đề án Phóng sự DAV của Lê Thị Nga – Khoa Kinh tế Quốc tế, Xây dựng cộng đồng đa dạng văn hóa vùng miền của Nguyễn Thúy Hiền – Khoa Luật Quốc tế, Vũ Minh Hằng – trưởng Khoa Tiếng Anh với đề án CLB ngôn ngữ Tiếng Anh và đề án Mùa tri ân của Nguyễn Tùng Văn – đại diện Khoa Truyền thông và Văn hóa Đối ngoại.
Sau khi thuyết trình về đề án của mình, các thí sinh phải phản biện những câu hỏi hóc búa từ phía ban giám khảo, chính là những thầy cô trong trường – những người luôn hoạt động gần gũi, sát sao nhất với phong trào sinh viên.
Vòng thi tranh biện của 2 thí sinh có đề án được đánh giá cao nhất Lê thị Nga và Nguyễn Phương Hồng Ngọc
Hai cái tên Lê Thị Nga và Nguyễn Phương Hồng Ngọc đã được xướng lên cho phần thi tranh biện. Trước đề tài “Người thủ lĩnh là người quyết định cho mọi người thay vì quyết định theo mọi người”, Nga và Ngọc đã bốc thăm để biết mình sẽ bảo vệ quan điểm “Đồng ý” hay “Phản đối”.
Nữ sinh Lê Thị Nga đã đưa ra những quan điểm phản đối “đanh thép”: “Mình đưa ra 2 luận điểm: Trong một tập thể, người lãnh đạo tốt phải là người có năng lực và biết ghi nhận, đánh giá, phân tích những ý kiến của tập thể, từ đó đưa ra quyết định cho mọi người.
Và người thủ lĩnh giỏi phải là người thấu hiểu mong muốn của những người đồng hành của mình, chứ không phải là người độc đoán, cho rằng ý kiến cá nhân của mình là đúng; và số đông chưa chắc đã đúng, nhưng nếu trong tập thể, số đông có cùng một ý kiến thì chắc chắn họ có lý do riêng để đưa ra quyết định, và người thủ lĩnh phải là người cân nhắc tất cả những điều này.
Theo mình, người thủ lĩnh giỏi phải là người biết kết nối mọi người, thấu hiểu những suy nghĩ, mong muốn của người đồng hành. Một chương trình, một dự án hay bất kỳ công việc gì chỉ có thể thành công khi có sự đồng lòng của người thủ lĩnh và người đồng hành”.
Lê Thị Nga bảo vệ quan điểm của mình. Cô cho rằng “Thành công của một tập thể dựa trên sự đồng lòng của thủ lĩnh và những người đồng hành”
Sau 2 vòng thi hồi hộp và gay cấn, cùng sự cân nhắc kĩ lưỡng của Ban giám khảo, gương mặt của tân khóa trưởng đã được hé lộ. Đó chính là tân sinh viên đến từ địa phương xa nhất trong Top 5 năm nay, thí sinh Lê Thị Nga.
Tại bài phát biểu “nhậm chức” của mình, nữ sinh khoa Kinh tế Quốc tế xúc động cho biết: “Khi nhận được giấy báo đỗ Học viện Ngoại giao, mình đã cảm thấy rất bơ vơ, vì mình đi từ một tỉnh xa đến Thủ đô để học, không có bạn bè, không quen ai. DAV Leader là cuộc thi đầu tiên mà mình tham gia khi trở thành sinh viên của Học viện, và cũng là “gia đình” đầu tiên của mình tại Hà Nội.
Mình xin hứa sẽ luôn cố gắng làm hết mình, làm những gì tốt nhất cho phong trào sinh viên của chúng ta và như đã nói, mình sẽ luôn tôn trọng ý kiến của tập thể”.
Gây ấn tượng với Ban giám khảo bằng sự tự tin, bản lĩnh, những luận điểm “đanh thép” của mình, Lê Thị Nga đã trở thành Thủ lĩnh của các sinh viên khóa 43 Học viện Ngoại giao.
Hồng Minh