Cô gái Việt đáng yêu vinh dự tham gia Diễn đàn kinh tế thế giới
Là người trẻ thứ hai tham dự diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sĩ), Nguyễn Huyền Châu được biết tới như một người trẻ năng động và tài giỏi, là “lãnh đạo” của một cộng đồng các bạn trẻ nhiều tài năng mang tên Global Shapers.
Nhưng bạn cũng sẽ chẳng mấy ngạc nhiên nếu bắt gặp hình ảnh cô gái này mỗi cuối lại vi vu ở miền hẻo lánh nào đó để tham gia các hoạt động tình nguyện.
Lãnh đạo cộng đồng của “những người lãnh đạo”
Châu đang đảm nhiệm trách nhiệm làm Curator - Ủy viên quản trị của Global Shapers Community - cơ sở tại Hà Nội (curator “đời trước” là Trần Quang Hưng, từng là người trẻ Việt Nam đầu tiên dự Diễn đàn kinh tế thế giới).
Cô gái trẻ năng động Nguyễn Huyền Châu.
Thành viên của Globals shapers community - được gọi “shapers”, là các bạn trẻ năng động trong độ tuổi từ 20-30, đã có nhiều đóng góp cho xã hội hoặc có các ý tưởng có tác động tích cực đến các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống.
Các shapers trên thế giới được kết nối với nhau thông qua một giao diện điện tử chung để trao đổi ý tưởng và cùng phát triển các mô hình dự án, đồng thời có cơ hội được tham gia các sự kiện của cộng đồng shapers nói riêng cũng như của Diễn đàn kinh tế thế giới nói chung.
Hiện nay Global shapers community Hà Nội có 21 thành viên và đã có những dự án gây được dấu ấn quan trọng như “Tour de Job” – là dự án hỗ trợ các bạn trẻ nâng cao kỹ năng xin việc, nâng cao cơ hội cho các bạn trẻ có được những công việc như mong muốn, giảm thiểu tỉ lệ thất nghiệp.
Ngoài ra nhóm đang nghiên cứu thực hiện ý tưởng phát triển mô hình hỗ trợ các dự án cộng đồng và các tổ chức xã hội trong việc tiếp cận với nguồn quỹ tài trợ. Một dự án khác là nhóm đang phối hợp cùng Bộ Ngoại giao trong việc thực hiện dự án phát triển hình ảnh quốc gia, đẩy mạnh hình ảnh của đất nước Việt Nam trên thế giới.
Đặc biệt, cộng đồng của Huyền Châu cũng đang tìm kiếm những bạn trẻ tài năng, mong mỏi đóng góp cho xã hội và cùng chung chí hướng trên khắp Việt Nam.
Ước mơ tạo cú hích cho giáo dục
Ngay từ khi còn học tại trường ĐH, Huyền Châu đã có rất nhiều suy nghĩ về nền giáo dục mà mình đang thụ hưởng. Thời điểm trước khi bước chân vào học ĐH, Châu là một học sinh khá tự ti, sống khép kin và không mấy hòa đồng. Trong những buổi đầu theo học tại một môi trường hoàn toàn khác biệt, Châu thu mình và không dám phát biểu hay hỏi gì vì e ngại sẽ bị đánh giá là không hiểu bài hay nói sai.
Người đầu tiên đã thay đổi nhận thức của cô bạn là một giáo viên người Úc, có nụ cười nhân hậu. Khi Châu rụt rè kéo cô ra một góc để hỏi một vấn đề chưa hiểu, cô đã hỏi: “Câu hỏi của em rất thú vị, sao lúc nãy em không hỏi để các bạn cùng được nghe?”. Khi nhận được câu trả lời của Châu: “Em sợ em nói sai”, cô đã ôm Châu vào lòng và nói: “Tại sao em lại sợ làm sai? Ở trường là nơi duy nhất em được phép làm sai và còn có cơ hội để sửa. Vì vậy thời gian này em hãy cố gắng sai thật nhiều để học hỏi được nhiều hơn nhé!”.
Đây chính là điều đã động viên Châu trong suốt quá trình học tập. Trút bỏ hình ảnh cô nàng nhút nhát, cô bạn tự tin hơn, giành liền hai giải Kế hoạch kinh doanh xuất sắc và giải thưởng Kỹ năng lãnh đạo của trường.
Luôn trăn trở với những vấn đề giáo dục, Huyền Châu luôn tự hỏi về khả năng của người trẻ trong việc thay đổi chính nền giáo dục mà mình đang thụ hưởng. Lấy ví dụ như các môn học về lịch sử, địa lý, hoàn toàn có thể cuốn hút học sinh nếu được trau dồi nhiều về kỹ năng phân tích, thu hoạch thay vì các bài học thuộc nhàm chán.
Đó cũng là lý do mà Châu đăng ký tham gia và giành một suất trong số 50 người trẻ sẽ tham gia diễn đàn tại Davos, Thụy Sĩ. Chỉ có 50 ứng viên được chọn từ 277 cơ sở trên toàn thế giới, thông qua đơn đăng ký và một đoạn clip ngắn trong 2 phút.
Vì vậy khi nhận được thư mời dự cuộc họp thường niên này. Châu đã vui mừng âm ỉ suốt hai tuần liền. Sau đó, Châu được đăng ký vào khu vực riêng dành cho khách mời tại Diễn đàn. Kể cả khi đọc qua hồ sơ về những người sẽ cùng tham dự, Châu thấy hơi mất tự tin vì họ đều là những người có vị trí quan trọng trong những tổ chức tên tuổi và có cả những bạn rất trẻ nhưng đã là giám đốc của một công ty tư vấn doanh nghiệp xã hội lớn.
Chính vì lẽ đó, Châu quyết định sẽ phải chuẩn bị thật kỹ để gây dựng được dấu ấn của Việt Nam tại diễn đàn lần này. Châu kỳ vọng sẽ có thể trao đổi và học hỏi thêm các ý tưởng về các mô hình và phương pháp giáo dục thực tế, cũng như tham khảo những quan điểm từ các nhà giáo dục nổi tiếng nhất.
Hiện nay có rất nhiều vấn nạn trong xã hội liên quan đến nhận thức, hành vi cư xử của con người mà Châu tin rằng điều này có thể thay đổi được nhờ sự giáo dục phù hợp và thiết thực. Huyền Châu đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục nhận thức và kỹ năng xã hội từ độ tuổi mẫu giáo cho tới THCS, đề từ đó người trẻ Việt Nam sẽ có những định hướng tốt hơn cho mình.
Theo cô bạn, các bạn trẻ hiện nay có rất nhiều điều điều kiện thuận lợi trong cuộc sống, đặc biệt các phát triển về công nghệ thông tin đã mang tới nhiều cơ hội được phát triển và thể hiện bản thân.
Việc nhiều lựa chọn cũng là thách thức cho các bạn trong việc định vị được chính xác bản thân mình, tận dụng thật tốt những cơ hội và những công cụ mình có, để từ đó có được chiến lược phát triển trong cuộc sống.
Thông tin cá nhân
Họ và tên: Nguyễn Huyền Châu
Sinh ngày 27/10, cung Thần Nông.
Chuyên viên Ban quản lý vốn đầu tư 1, tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước.
Tốt nghiệp cử nhân thương mại, trường ĐH RMIT Việt Nam năm 2008.
Sở thích: Tổ chức các hoạt động xã hội, thích nghe nhạc, đọc sách phiêu lưu mạo hiểm, thích đi du lịch và khám phá các nền văn hóa.
9/2013: Là một trong 50 người trẻ trên thế giới được chọn tham dự cuộc họp thường niên của Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos (Klobster, Thụy Sĩ)
5/2013: Là một trong 11 đại diện cho Việt Nam tham dự chương trình giao lưu hữu nghị thanh niên các nước tiểu vùng sông Mekong lần thứ 8.
10/2011: Giải thưởng xuất sắc trong cuộc thi Kế hoạch kinh doanh của ĐH RMIT Melbourne cho bản kế hoạch kinh doanh của Trung tâm vũ đạo 808.
7/2011: Thành lập Trung tâm vũ đạo 808 và cộng đồng vũ đạo 808.
2007: Giải thưởng kỹ năng lãnh đạo dành cho SV trường ĐH RMIT. |
Theo Việt Anh
Sinh viên Việt Nam