Cô gái tốt nghiệp Harvard và ước mơ xóa nghèo cho quê Việt

Tốt nghiệp cao học ở Harvard, thành thạo 3 ngoại ngữ (Anh, Pháp, Tây Ban Nha); từng làm việc tại Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ với mức lương cao nhưng Đỗ Lê Thu Ngọc vẫn quyết định trở về Việt Nam.

Năm 1995, vừa tốt nghiệp PTTH chuyên ngữ Amsterdam, Ngọc vinh dự là một trong số học sinh đầu tiên tại Hà Nội được nhận học bổng sang du học Mỹ.

Ngọc kể: “Lúc ấy, cả nhà mừng quýnh, không biết phải bắt đầu các thủ tục từ đâu. May nhờ có Bộ GD-ĐT giới thiệu, thế là vai khoác balô, với lỉnh kỉnh vô số giấy tờ, một mình Ngọc sang Thái Lan để xin visa du học Mỹ” (vì khi đó tại Việt Nam mình chưa có Đại sứ quán Mỹ ).

Lúc vào Đại sứ quán Mỹ bên Thái, những người làm việc ở đấy cứ ngạc nhiên khi thấy một cô bé Việt Nam bé nhỏ vẻ mặt ngơ ngác đến chờ phỏng vấn.

Sang đến Mỹ, khi nghe giới thiệu về ngành học kinh tế phát triển, nhận thấy ngành này rất hứa hẹn và có thể áp dụng cho các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) Ngọc chọn luôn.

Tốt nghiệp đại học, để “lọt” vào Harvard, cô gái Việt duy nhất của kỳ thi cao học năm đó đã trải qua kỳ đua tranh khốc liệt với hình thức thi: viết 5 bài luận văn với 5 chủ đề khác nhau; kèm theo là viết một cuốn sách phân tích khả năng lãnh đạo.

Vào được trường với điểm số rất cao, trong suốt thời gian học tại Harvard, như các sinh viên ngành kinh tế khác, Ngọc học rất nhiều mô hình, phân tích tác biến đến sự tăng trưởng của nền kinh tế của những nước nghèo.

Thấm thoát cũng hết 6 năm, cô ra trường rồi vào làm việc tại một tổ chức phi chính phủ ở Mỹ. Một thời gian sau lại chuyển sang làm việc tại Bộ Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ.

Cho đến một ngày, sau khi suy nghĩ “chín muồi” những cuộc trò chuyện với bố, một cựu sỹ quan quân đội, ông đã khuyên Ngọc: “Con gái nên đem những kiến thức đã học về giúp nước nhà, bởi đất nước vẫn còn nghèo lắm”,  Ngọc quyết định sẽ về sống và làm việc hẳn trên mảnh đất đã nuôi lớn mình. 

“Sinh ra khi nước nhà đã thống nhất, mình chỉ mong mình làm được một việc có ích dù là nhỏ bé góp phần xây dựng quê hương” - Cô nói.

Trở về nước sau 9 năm du học, bởi chưa tiếp xúc nhiều với thực tế nên Ngọc ao ước nếu có thể sẽ đi khắp các làng nghề của Việt Nam để nghiên cứu sâu về mô hình nông nghiệp hộ gia đình. Đây cũng chính là sở trường trong chuyên ngành học của Ngọc và cô mong mỏi làm được một cái gì đó cho bớt đi cái nghèo ở những làng quê Việt.

Vốn ham học nên Ngọc chẳng nghỉ chút nào, chỉ ít ngày về nhà cô đã trở thành “ma xó”. Ngoài vai trò là một trong những người cầm trịch tổ chức của diễn đàn các nhà kinh tế trẻ, Ngọc có mặt tại khá nhiều hội thảo kinh tế, ấp ủ, giới thiệu những ý tưởng có thể khả thi.

Còn một chuyện nhỏ và hay nữa về Ngọc: Trong những tháng ngày chưa tìm được chỗ làm ưng ý, Ngọc và Minh (bạn cùng học ở Mỹ về) đã nảy ra ý định mở một quán cà phê để những ai vốn là lưu học sinh có thể tìm thấy một không gian quen thuộc.

Thế là Cà phê sách đầu tiên của Hà thành nằm ngay trên quãng ngắn con đường Văn Miếu, cách trường đại học đầu tiên của nước Việt chỉ có vài bước chân với tên gọi “Intello” ra đời. Đặt tên Intello với nghĩa chơi chữ là “tri thức”, Ngọc  bảo: “Mình chỉ muốn ai đến với quán về cũng đều cảm thấy gần gũi, yêu sách hơn”.

Intello có không gian ấm áp, phong cách phương Tây với bài trí nội thất sang trọng không phô trương; tiếng nhạc cổ điển dịu êm, cộng thêm với vẻ ngăn nắp kiểu thư viện với những dãy giá sách chạy dài sát tường. Trong không gian yên tĩnh, khách tìm đến quán đa phần là những bạn trẻ đã từng đi du học muốn tìm thấy cảm giác gợi nhớ những quán cà phê sách bên trời Tây.

Với 3 tầng nhà: Tầng 1 tập trung sách về lịch sử, văn hoá, du lịch bằng các tiếng Anh, Pháp; Tầng 2 toàn sách kinh tế; có những quyển theo Ngọc đắt tới cả ngàn đôla nên buộc phải photo để vừa nhiều người đọc, vừa giữ được sách. Còn tầng 3, Ngọc và Minh tính toán: sẽ sắm thêm một tủ sách văn học!

Theo Thu Huyền
Tiền Phong