Cô gái tàn tật trở thành tỷ phú như thế nào?

(Dân trí) - Một cô gái nông thôn bị tàn tật là bà chủ của một công ty may tư nhân xuất khẩu có vốn đầu tư ba triệu nhân dân tệ (gần 7,8 tỷ đồng) với 200 công nhân. Công ty sản xuất một triệu sản phẩm may mặc mỗi năm và xuất sang hơn mười nước.

Bà chủ đặc biệt này là Vương Thái Hạ, 31 tuổi, ở hạt Đông Hải (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc).

 

Thái Hạ sinh ra trong một gia đình nông dân. Khi còn nhỏ, Hạ có tham vọng học tập rất lớn. Học kỳ nào cô cũng được trao nhiều bằng khen, cô thích nổi bật trong lớp và luôn được điểm cao ở trường.
 
Gia đình Hạ sống cuộc sống nghèo nhưng hạnh phúc. Cho đến khi Hạ 12 tuổi thì tai họa kéo đến: cô bị nhiễm trùng huyết nặng. Bệnh tật bất ngờ của Hạ như một tiếng sét nổ xuống gia đình nghèo của cô. Bố mẹ phải vay mượn tiền nong để chữa trị cho Hạ. Nhờ ý chí vượt lên bệnh tật, Hạ đã bình phục một cách kỳ diệu sau bảy cuộc phẫu thuật. Cô khỏi bệnh nhưng nhiễm trùng kéo dài đã làm hỏng vĩnh viễn chân bên trái của cô.
 
Cô gái tàn tật trở thành tỷ phú như thế nào? - 1

Công nhân trong nhà máy may của Vương Thái Hạ. ( Ảnh: CRI)

Còn một chân, vẫn quyết tâm theo học nghề may  

Từ khi trở thành người tàn tật, Hạ ít khi ra khỏi nhà vì cô không thể đi lại một cách bình thường. Cô bị áp lực tâm lý nặng nề, đặc biệt là khi chơi với những bạn nhỏ khác. Cô không thể thắng cuộc vì chỉ còn một chân.

 

Nhưng Hạ không bỏ cuộc. Cô tin rằng miễn là cô cố gắng hơn, cô sẽ vẫn có thể nổi trội trong những lĩnh vực nhất định. Năm 1995, sau khi tốt nghiệp trường cấp II với kết quả xuất sắc, Hạ quyết định không học tiếp và rời nhà đến học may ở làng bên cạnh. Hạ nghĩ rằng chân cô bị tàn tật, nhưng đôi tay cô khỏe mạnh, do vậy nghề may sẽ thích hợp với cô. Hạ học nghề trong bốn tháng và nhanh chóng nắm bắt được kỹ năng nghề. 

 

Đầu năm 1996, Hạ theo anh trai tới Tô Châu vào làm tại một xưởng may. Nhưng rồi hai anh em Hạ phải trở về nhà do nhà máy gặp khủng hoảng. Họ kiếm sống bằng cách mở tạm một cửa hàng may. Hạ nóng lòng đợi một cơ hội kiếm tiền tiếp theo để có thể đền bù cho bố mẹ càng sớm càng tốt và không muốn trở thành gánh nặng cho bố mẹ thêm nữa.

 

Cuối cùng thì năm 1998, một cơ hội đã đến. Một nhà máy may ở TP Trương Gia Cảng (tỉnh Giang Tô) tuyển công nhân may. Hạ nộp đơn và là người đầu tiên lọt vào vòng chung kết. Khi nhà máy yêu cầu khám sức khỏe cho công nhân, Hạ rất lo lắng. Thật may là giám đốc xưởng may không nhận ra cái chân tàn tật của Hạ. Bà giám đốc kiểm tra kỹ năng may của Hạ và cô thực hiện quá xuất sắc nên được miễn kiểm tra sức khỏe.

 

Từ đó Hạ càng thêm yêu nghề. Cô tận dụng tất cả các cơ hội để học hỏi những kỹ năng mới. Để tiết kiệm tiền, cô không bao giờ ăn sáng. Khi những công nhân khác nghỉ ăn trưa, Hạ vẫn làm việc. Cô còn làm quá giờ để có thêm tiền. Dần dần, Hạ có mức lương cao nhất so với các đồng nghiệp. Vì làm việc chăm chỉ và có tay nghề giỏi, Hạ được chọn đi đào tạo làm quản lý và cuối cùng được đề bạt làm quản đốc. Khi làm quản đốc, Hạ bao giờ cũng là người đến nhà máy đầu tiên và ra về cuối cùng. Cô không chỉ giành được sự tin tưởng của sếp mà còn học được nhiều quy trình vận hành của nhà máy. 

 

Làm chủ doanh nghiệp có vốn đầu tư 3 triệu NDT

 

Năm 2003, Hạ nghĩ đã đến lúc lập công ty riêng vì cô đã tiết kiệm được một khoản tiền và quen biết nhiều khách hàng sau nhiều năm làm việc. 

 

Với 100.000 NDT (gần 260 triệu đồng) tiền đầu tư, Hạ thuê một nhà xưởng rộng 50 m2 ở TP Trương Gia Cảng và thuê sáu công nhân làm áo len. Với chất lượng tuyệt hảo, sản phẩm của cô bắt đầu thu hút khách hàng. Nhà xưởng nhỏ nhanh chóng trở nên quá chật hẹp so với quy mô phát triển kinh doanh. 

 

Năm 2005, Hạ lập công ty May Thiên Tân với vốn đầu tư 500.000 NDT (gần 1,3 tỷ đồng) và thuê một nhà xưởng lớn hơn rộng tới 1.500 m2. 

 

Khi làm ăn thành công, Hạ trở về quê nhà ở hạt Đông Hải năm 2006. Với khoản đầu tư ba triệu NDT cùng với 200 máy may, Hạ xây dựng một nhà máy lớn trên diện tích bốn ngàn m2 đất và thuê 200 công nhân địa phương.

 

Bây giờ mức sống của gia đình Hạ sống tốt hơn nhiều so với trước đây. Nhưng bố mẹ Hạ vẫn không hết lo lắng cho cô vì cô con gái 31 tuổi của họ vẫn độc thân.

 

Khi việc kinh doanh ngày càng phát đạt, Hạ càng bận rộn hơn và không có thời giờ tìm bạn trai. Nhưng cô tin rằng đó là một sự hy sinh có ý nghĩa nếu công ty của cô có thể giúp thêm nhiều người khác có cuộc sống tốt đẹp hơn. 

 

Hạ tâm sự rằng hồi làm ở TP Trương Gia Cảng, cô không bao giờ ăn sáng để tiết kiệm tiền và đó là một lối sống không lành mạnh. Giờ đây, cô cho công nhân ăn mỗi ngày ba bữa và khuyến khích họ làm việc theo kinh nghiệm vươn lên của chính cô.

 

Xuân Vũ

Theo CRI