Cô gái chuyên “nhát” người trên blog
DiLi, tên thật Nguyễn Diệu Linh (SN 1978), vừa ra mắt hai tập truyện kinh dị “Tầng thứ nhất” và “Điệu Valse địa ngục” trong năm 2007, chưa kể tiểu thuyết trinh thám “Trang trại” gồm 10 chương, được post lên blog.
Mới đoạt giải 3 Tạp chí Văn nghệ Quân đội cho truyện ngắn “Cocktail”, DiLi xuất hiện trên văn đàn khá “trái nghề” - cô là giảng viên tiếng Anh. Vừa viết văn, vừa dạy học, cô cũng làm giám đốc quảng cáo cho một công ty du lịch.
Chín chắn, chỉn chu của nghề giáo, đam mê nghiệp viết - chị làm tròn cả hai?
Tôi đang cố gắng, còn có thật “tròn” hay không thì phải để đồng nghiệp đánh giá. Dù sao thì ở mỗi lĩnh vực tôi cũng đã có một chút giải thưởng.
Chị viết truyện ma để hù mình hay dọa người?
Tất nhiên là để dọa độc giả rồi. Thú thật, việc nhiều người đọc xong truyện của tôi rồi trách móc rằng đúng hôm đọc truyện đó họ lại đang phải trực đêm ở cơ quan hay ở nhà trông con một mình làm tôi thấy rất thú vị.
Một năm mấy cuốn, sức viết của chị cũng khá?
“Trang trại” mà tôi đang viết có khoảng 10 chương. Dự định hai tuần hoàn thành một chương và như vậy mỗi năm có thể xong một cuốn trinh thám kinh dị để nhiều năm sau sẽ có được một serie.
Tôi viết nhanh nhưng rất khó sắp xếp được thời gian ngồi vào máy tính. Hiện tôi đang là giám đốc quảng cáo truyền thông của Công ty Du lịch & Thương mại Châu Á Thái Bình Dương. Công việc bộn bề nên nhiều khi tự thất hứa với chính mình và độc giả.
Dẫu sao, “Trang trại” đã đăng ký dự thi cuộc thi tiểu thuyết 2007 - 2010 do Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, và đã được đăng ký với NXB Công an Nhân dân để in vào năm sau, cũng như post công khai trên blog. Thành ra tôi cứ phải hoàn thành đúng thời hạn.
Di Li có ảnh hưởng hay ám ảnh chi tiết của nhà văn kinh dị nào rồi vô thức “áp” vào các tác phẩm của mình không?
Tôi cho rằng, việc vô thức ảnh hưởng những người đi trước trong sáng tạo là bình thường. Tuy nhiên tôi hết sức tránh điều này. Tôi luôn hỏi các độc giả, cả trong giới và ngoài giới, xem liệu họ có thấy một tác phẩm nào đó của tôi “quen quen” hay không. Rất may cho đến giờ chưa thấy ai trả lời “có”.
Tự tôi cũng rất cẩn thận trong việc đề phòng trùng hợp. Ví dụ có lần tôi đã hình dung một cốt truyện sẵn sàng trong đầu rồi, chỉ việc viết, nhưng sau đó ít lâu, lại xem một bộ phim ngẫu nhiên có vài điều trùng hợp. Thế là bỏ.
Người ta hay bảo điều “ghê sợ” nhất về tôi là trông mặt mũi tôi hiền lành vậy mà lại đi viết những điều rất “quái dị”. Có điều là độc giả gặp tôi không thấy tác giả có nét gì tương đồng với nhân vật.
Truyện của Di Li viết có vẻ “dễ dàng - thảnh thơi - hiệu quả”, cố gắn tí ma quỉ - quái dị vào, thế gọi là truyện ma?
Tôi không gọi đó là truyện ma (truyện ma là mọi người đọc truyện tôi tự đặt ra thế), mà là truyện kinh dị hoặc trinh thám kinh dị. Truyện ma không có nghĩa là phải sợ vì tôi đọc hầu hết truyện ma của ta và cả Liêu trai chí dị đều không thấy nhiều yếu tố gây sợ hãi. Nhưng nhiều khi không có “con ma” nào trong truyện mà độc giả vẫn cứ bị ám ảnh. Đó chính là thể loại kinh dị.
Alfred Hitchcock và Stephen King là bậc thầy của thể loại này. Họ chỉ cần tả cái mũ ở chân cầu thang hay cái rèm cửa là độc giả đã sợ chết khiếp. Đặc biệt, tiểu thuyết “Trang trại” mà tôi đang viết là thể loại trinh thám kinh dị thuần tuý.