Cô gái chắp vá ngày buồn thành… niềm tự hào

(Dân trí) - Dân bản Sáu (xã Thuận, Hướng Hóa, Quảng Trị) ai cũng quý và thầm cảm phục về nghị lực của cô gái khuyết tật người Vân Kiều Hồ Thị Nhung (SN 1988).



Cô gái chắp vá ngày buồn thành… niềm tự hào - 1

Nụ cười tỏa rạng trên môi Nhung

 

Tuổi thơ khát khao con chữ      

 

Mỗi lần thấy Nhung tập tễnh lùa đàn bò về chuồng, già bản Sáu lại chép miệng: “Tội nghiệp! Lúc sinh ra nó khỏe mạnh, cứng cáp như búp măng rừng…”. Trận sốt rét ác tính cướp mất đôi chân lành lặn năm Nhung ba tuổi. Pả Hòa (bố Nhung) nghẹn ngào kể: “Sau trận sốt rét, cái chân nó cứ teo lại. Bốn tuổi, cái gì nó cũng biết hết, chỉ không biết đi. Pỉ (mẹ - PV) nó lo lắng, giục mình đem con ra bệnh viện huyện. Sau đó, mình mới biết nó bị liệt…”.   

 

Mất đôi chân, tuổi thơ Nhung chắp vá những ngày buồn. Bao lần em ngây ngô hỏi bố mẹ: “Pỉ ơi! Pả ơi! Sao các bạn đi được, chạy được… mà con lại không?”. Thắc mắc ấy ám ảnh Nhung như chiếc bóng. Lớn thêm 1, 2 tuổi, em mới hiểu: “Bởi em là người khuyết tật”. Từ đó, Nhung hạn chế nhắc đến khiếm khuyết thân thể. Em luôn miệng nói cười, phụ giúp việc nhà…. để bố mẹ vui lòng. Nhưng, ánh mắt trong veo đã thấp thoáng nỗi buồn.      

 

Gia đình có năm anh em. Anh, chị Nhung đều bị cái khổ ngáng trở bước chân đeo đuổi con chữ. Thương Nhung tàn tật, cả nhà dốc sức cho em đến trường. Cái chữ “làm bạn” với Nhung từ đấy. Dẫu đường đến trường vất vả, bạn bè trêu chọc…, nắng mưa, Nhung vẫn miệt mài đến trường. Với em, mỗi ngày đi học là một ngày vui: “Em sợ lủi thủi ở nhà một mình lắm!”.       

 

Niềm vui thắp lửa chưa lâu, Nhung đã phải nghỉ học. “Năm học lớp 8, nhà em mất mùa. Cả nhà nhiều khi không có gì ăn… Bố mẹ bảo em nghỉ học…”, Nhung nén tiếng thở dài kể. Dẫu vậy, em chẳng dám tâm tình cùng bố mẹ. Tự đáy lòng Nhung hiểu rằng, không cho em đi học, bố mẹ khổ tâm nhiều...      

 

Hành trình của đôi chân tàn tật nay lần đường lên rẫy. Ngày ngày, Nhung gieo mồ hôi trên nương cùng mong ước đến trường. Nhung hi vọng: mùa rẫy năm nay bội thu, em sẽ đi học trở lại. Mùa bắp sang, mùa lúa đến, ước mơ ấy càng xa vời.       
 
Cô gái chắp vá ngày buồn thành… niềm tự hào - 2

Pả Hòa và cô con gái cả bản Sáu đều yêu quý

 

Nghị lực đắp xây thành tích      

 

Bấy giờ, dân bản Sáu râm ran chuyện chị Hồ Thị Chiên, Hồ Thị Lành ở các bản bên tham gia giải đấu Thể thao người khuyết tật, đem huy chương về treo khắp nhà. Cái bụng Nhung rộn ràng vô cùng. Em nhận ra: “Người khuyết tật cũng có thể đưa niềm vui về bản…”. Từ đấy, em thầm ao ước sẽ trở thành vận động viên thể thao người khuyết tật.      

 

Năm 2004, Chi hội thể thao người khuyết tật huyện Hướng Hóa mời Nhung tham gia tập luyện. Dẫu chưa mường tượng con đường phía trước, Nhung vẫn gật đầu. “Em muốn vui vẻ, khỏe mạnh… như chị Chiên, Chị Lành. Với lại, em muốn đem huy chương về tặng bố mẹ…”, Nhung chia sẻ.      

 

Tham gia Chi hội thể thao người khuyết tật, Nhung làm quen các môn thể thao mới. Tập luyện không hề đơn giản. Những buổi đầu hai vai Nhung mỏi nhừ, đôi tay phồng rộp… Em lo lắng: “Lúc đầu, em sợ mình không theo nổi nên hay khóc lắm. Nhờ thầy và các bạn động viên, em mới yên tâm…”. Dần quen, vất vả vơi phân nửa. Thầy Hải, thầy Hưng (Huấn luyện viên) vẫn nhắc đến hình ảnh cô gái Vân Kiều nhỏ bé hôm nào cũng lục đục dậy tập luyện từ tờ mờ sáng, hay những ngày trời đổ lửa, Nhung vẫn tập đều….      

 

Sau những giọt mồ hôi, mong ước của Nhung thành sự thật. Nhung luôn “nhanh tay” đoạt huy chương tại các Hội thi thể thao người khuyết tật tỉnh Quảng Trị. Giải đấu đầu tiên (năm 2004) Nhung đạt huy chương đồng (100m xe lăn). Năm 2005, Nhung tiếp tục đoạt 1 huy chương bạc (200m xe lăn) và 2 huy chương đồng (100m và 400m xe lăn). Tại Hội thi thể thao người khuyết tật tỉnh Quảng Trị năm 2006, Nhung đem về 1 huy chương vàng (400m xe lăn), 1 huy chương bạc (200m xe lăn) và 1 huy chương đồng (100m xe lăn). Sau khi đoạt 1 huy chương vàng (100m xe lăn), 1 huy chương bạc (400m xe lăn) toàn tỉnh năm 2007, Nhung vinh dự tham gia Hội thi thể thao người khuyết tật toàn quốc lần thứ III tại Huế. Em vinh dự đoạt 1 huy chương bạc (100m xe lăn).      

 

Mới đây, Đoàn thể thao người khuyết tật huyện Hướng Hóa tham dự Giải thể thao người khuyết tật tỉnh Quảng trị mở rộng và Hội thi văn nghệ - thể thao trẻ khuyết tật đoạt: 12 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 7 huy chương đồng. Nhung “góp sức” với 1 huy chương vàng (800m xe lăn), 1 huy chương bạc (200m xe lắc) và 1 huy chương đồng (100m xe lắc)…      

 

Những ngày sống cùng các vận động viên khác, những tấm huy chương, kỉ lục… phần nào làm mờ phai chiếc bóng mặc cảm trong Nhung. Nhung không giấu giếm khi kể chuyện lần thi đấu “Hăng đến độ trật tay ngã trên đường đua”, kỉ niệm về tình bạn giữa Nhung và Hồ Thị Lành - vận động viên khuyết tật cùng đội…
 
Cô gái chắp vá ngày buồn thành… niềm tự hào - 3

Đôi bạn chung cảnh ngộ: Hồ Thị Nhung và Hồ Thị Lành

 

Vẫn một ước mơ      

 

Từ khi tham gia Chi hội thể thao người khuyết tật, Nhung thêm thấm thía: chỉ học cái chữ, người khuyết tật như Nhung mới chiến thắng số phận. Mong muốn đến trường từ bé trỗi dậy. Em thủ thỉ: “Nếu cho em một điều ước, em ước mình lại được đến trường…”       

 

Con đường học tập gián đoạn khá lâu. Gia đình vẫn chưa thoát cảnh no đói… Đến bao giờ, ước mơ của Nhung sẽ thành sự thật? Rời bản Sáu (xã Thuận, Hướng Hóa, Quảng Trị) câu hỏi ấy vẫn khắc khoải trong tôi…   

 

Trương Quang Hiệp