Cô dâu Việt kể về kỳ trăng mật... đạp xe từ Âu sang Á
(Dân trí) - Thay vì đi du lịch, nghỉ dưỡng thông thường, nữ thạc sĩ Đồng Thị Hương Linh cùng chồng là người Hungary đã chọn kỳ nghỉ trăng mật "hành xác" kéo dài gần một năm trời bằng cách đạp xe từ châu Âu sang châu Á.
Đạp xe hơn 11.000 km từ nhà anh sang nhà em
Hành trình đạp xe nghỉ trăng mật của Linh và chồng là Sas Péter đã từng gây xôn xao nhiều diễn đàn, nhất là diễn đàn cho du học sinh.
Cả hai xuất phát vào ngày 14/8/2016 - đúng ngày kỷ niệm 1 năm ngày cưới. Sau gần 12 tháng, họ đã đạp xe gần 11.000 km, ghé thăm 12 quốc gia trải dài từ châu Âu sang châu Á: Hungary - Croatia - Bosnia và Herzegovina - Montenegro - Albania - Hy Lạp - Iran - Sri Lanka - Ấn Độ - Nepal - Thái Lan - Trung Quốc.
Hương Linh kể, hai vợ chồng cùng điểm chung là ham mê du lịch, khám phá những vùng đất mới, những nền văn hóa đa dạng trên thế giới. Họ nảy ra ý tưởng đi xe đạp "từ nhà anh về nhà em" xem đây là kỳ nghỉ trăng mật cũng như để thực hiện điều thật đặc biệt đáng nhớ trong đời.
Tuy nhiên, không phải chỉ đơn thuần là đi, Hương Linh và chồng còn muốn thử thách sự nhẫn nại, cách hợp tác cùng nhau vượt qua những khó khăn, trở ngại cũng như bên nhau, cùng chia sẻ những giây phút hạnh phúc nên quyết định bỏ việc và bán hết tài sản để lên đường.
Du lịch bằng xe đạp cũng là một trong những cách khám phá thế giới ít tốn kém nhất, đồng thời rèn luyện sức khỏe và tính kiên nhẫn và dần dần, những mặt tính cách khác nhau của hai người cũng được thể hiện rõ rệt nhất cho đối phương.
Ban đầu, khi mới tiết lộ thông tin về chuyến đi mạo hiểm và có phần điên rồ cho gia đình 2 bên, họ đã gặp phải nhiều sự lo ngại và phản đối vì tự nhiên lại chọn con đường khó khăn, chông gai khi mọi thứ đang rất tốt đẹp. Cả hai đã phải mất một thời gian khá dài để thuyết phục gia đình.
Trong suốt chuyển đi, mỗi ngày cả hai đều ghi lại nhật ký hành trình để lưu giữ những kỷ niệm. Lựa chọn cách đi du lịch giảm thiểu chi phí và tương tác với người dân địa phương, do đó, cách Hương Linh và chồng nghỉ qua đêm thường là cắm trại trong sân nhà của người dân hoặc xin họ cho ngủ nhờ.
Trên hành trình này, họ không chỉ đặt chân qua nhiều nước mà còn trải nghiệm rất nhiều câu chuyện, tình huống mà nếu không đi sẽ không bao giờ biết.
Đi để thấy trái tim mình thổn thức
Hương Linh kể, có lần ở Albania, họ dừng chân ở một ngôi làng rất nghèo vùng ngoại ô lúc trời đã gần tối. Loay hoay chưa tìm được chỗ nghỉ đêm thì một thanh niên tiến lại gần và hỏi hai người (bằng tiếng Đức) xem có cần anh giúp đỡ gì không.
Anh cùng vợ và con gái chỉ mới hơn 1 tuổi xin tị nạn sang Đức gần hai năm nay, không có việc làm và rất khó khăn. Vậy mà khi thấy 2 người xa lạ, người đàn ông này đã đưa về nhà ngay và mang hết tất cả những đồ ăn trong nhà ra để mời khách.
Hay như 2 tháng trời đạp xe ở Iran – đất nước được xem là không an toàn, họ không phải tiêu một xu nào cho chốn ăn ngủ. Đi đến đâu, người dân cũng chủ động lại gần và mời chúng tôi về nhà họ. Có người còn cố gắng thuyết phục chúng tôi ở lại thật lâu vì họ rất biết ơn những người khách nước ngoài đã lặn lội đạp xe đến thăm đất nước của họ.
Cũng có những trải nghiệm không vui như khi một trong hai người ốm hoặc phải nhập viện hoặc khi gặp phải những người dân địa phương thờ ơ, vô cảm, không muốn phiền hà nên tránh tiếp xúc và từ chối giúp đỡ người nước ngoài. Tuy nhiên, vợ chồng Hương Linh xem đó là những thử thách để cùng vượt qua và hiểu nhau hơn.
Có không ít người nói rằng, chuyến đi của hai vợ chồng Hương Linh là vô bổ, lãng phí thời gian, sức khỏe lẫn tiền bạc. Quan điểm của vợ chồng Linh lại khác, họ xác định từ đầu đây sẽ là một năm sống chậm của hai người, vừa học hỏi thêm về cuộc sống bên ngoài bằng chính những gì mắt thấy tai nghe, vừa tận hưởng từng ngày trôi qua đáng nhớ và ý nghĩa.
“Những chuyến đi đã thay đổi cách nghĩ của chúng tôi rất nhiều, đặc biệt là về chính đồng loại của mình. Con người ở đâu cũng vậy, dù không cùng chung màu da, không chung ngôn ngữ hay quan điểm về cuộc sống, vẫn có một giá trị cốt lõi nhất, đó là tình người, Hương Linh nói.
Hương Linh từng nghe có người nói "Đi đến thăm một quốc gia là để chứng minh rằng tất cả những gì mà người ta nói về quốc gia ấy đều là sai cả" là hoàn toàn chính xác. Cô gái cho rằng, nếu có điều kiện, hãy đi thật nhiều và nhìn tận mắt, tự mình đưa ra những nhận xét của riêng mình chứ đừng chỉ ngồi nhà đọc sách báo, xem tivi và nghĩ là mình đã biết rất rõ về một đất nước nào đó.
Nếu chỉ ngồi ở nhà, họ sẽ không thể hiểu được nổi đau mà chiến tranh đã để lại cho những gia đình ở các quốc gia thuộc Liên bang Nam Tư cũ. Sẽ chẳng thấy được mức độ tàn phá khủng khiếp của trận sóng thần năm 2004 ở Sri Lanka. Hay trận động đất kinh hoàng năm 2015 ở đất nước nghèo Nepal, những trận lụt hàng năm từ sông Trường Giang ở các tỉnh miền Trung của Trung Quốc.
Với cô dâu trẻ người Việt: “Chúng tôi trưởng thành lên từng ngày và cũng dần bỏ đi thói quen đánh giá một sự việc một cách phiến diện và tiêu cực”.
Đồng Thị Hương Linh 28 tuổi, quê ở Thái Nguyên, Linh tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Môi trường tại ĐH Công Nghệ Lappeenranta, Phần Lan. Chồng Linh, anh Sas Péter (31 tuổi), tốt nghiệp ThS chuyên ngành Cơ khí tại Đại học Kinh Tế và Công nghệ Budapest, Hungary. Dự kiến, đầu tháng 8, cả hai sẽ đặt chân tới biên giới Trung Quốc - Việt Nam và kết thúc hành trình đạp xe tại Thái Nguyên sau đúng 11 tháng 20 ngày. |
Hoài Nam
(Ảnh: NVCC)