Cô bé viết văn nơi phố núi
Mới ở lớp 11, Nguyễn Thiên Ngân tự nhận mình là người đã xem “chuyện viết lách như một phần việc trong cuộc sống của mình. Mỗi ngày đều đặn em bỏ ra ba tiếng đồng hồ ngồi viết cái gì đó. Có những hôm trong người khỏe khoắn, em ngồi lì viết hơn bốn tiếng một ngày...”.
Có một tuổi thơ trôi dài qua những trang sách, và cô bé Thiên Ngân ngày nào nơi phố núi Buôn Ma Thuột bây giờ đã là cây bút đoạt giải nhất văn xuôi cuộc thi văn học “Chân dung tuổi mới lớn” do báo Mực Tím tổ chức với chùm truyện ngắn thật dễ thương.
Cô bé học lớp 11 Trường chuyên Nguyễn Du của Buôn Ma Thuột kể rằng cớ sự văn chương đến với em từ những năm đầu của bậc tiểu học: “Từ lớp 1, em đã xa nhà 30km lên ở nhà người bác để học trường trên thành phố Buôn Ma Thuột".
Quê nhà ở Krông Pach, hành trình đi học của Ngân là cấp I học ở thành phố, cấp II học ở quê và cấp III lại học ở thành phố. Tuy nhiên điều ấn tượng của những năm tháng đầu đời biết mặt chữ của Ngân là “nhà bác em có nhiều sách lắm, toàn sách văn thơ cổ và các sách về Phật giáo.
Trong nhà không có anh chị nào cùng tuổi nên em chỉ có thú vui là đọc sách và tưởng tượng tiếp tục sau khi hết sách. Đến năm lớp 3 em đã đọc nhiều sách lắm rồi, em cứ nghĩ: mình mà tưởng tượng ra để viết văn thì chắc cũng nhiều thứ bay bổng lắm".
Theo lời kể của Thiên Ngân thì tuổi thơ Ngân toàn những sách là sách. “Em là người theo đạo Thiên Chúa, nhưng đọc các sách của bác em về Phật giáo, em thấy hay lắm. Nhất là những quyển truyện của thầy Nhất Hạnh, những quyển viết về các nhân vật Bưởi, Hồng (tập truyện Bưởi, Tố) với giọng văn nhẹ nhàng làm sao; những câu chuyện về Bụt, tập sách Thả một bè lau... cũng rất hay.
Em thích lắm câu chuyện Tốttô Chan - cô bé bên cửa sổ của Nhật Bản. Câu chuyện thật hay, ngôi trường tiểu học trong truyện mới đáng yêu làm sao và thật là đáng mơ ước. Em đọc quyển truyện này khi hết học cấp I rồi, và em thấy nhớ ngôi trường tiểu học dân lập nho nhỏ, có ông thầy hiệu trưởng cũng thường xuyên đi gặp gỡ và nói chuyện với các em học sinh.
Tập sách đầu tay do NXB Kim Đồng in quí 2/2005. |
Em nhớ lại vào năm học lớp 2, có lần trường tổ chức thi văn cho những bạn có năng khiếu, sẵn khi em học đến câu thơ trong sách tập đọc Anh em ơi, ta tới trăng rồi/ trăng sao cũng hóa xứ người từ đây, em đã viết một bài về những tưởng tượng của mình, về con tàu vũ trụ, về thế giới trăng sao trên chín tầng mây... Lúc ấy thấy nhiều người chuyền tay đọc bài viết của em, nhưng em không biết tại sao”.
Thiên Ngân có cách nói chuyện theo chiều sâu, những vấn đề quan trọng được cô kể lại rất bình thường, nhưng qua câu chuyện tuổi thơ kia, người nghe vẫn hình dung một thiên hướng văn chương bộc lộ từ rất sớm trong cô bé này.
Thế rồi Thiên Ngân viết văn xuôi vào hè năm lớp 9 khi chuẩn bị lên cấp III. “Truyện ngắn đầu tiên em gửi cho Mực Tím có tên Một câu chuyện lãng mạn, đăng vào đầu năm em học lớp 10.
Từ đó, em thường cộng tác với báo Mực Tím, viết văn và làm thơ, gặp được nhiều anh chị trong bút nhóm Vòm Me Xanh, có được những mối quan hệ thật dễ thương và thật có ích để mình nuôi dưỡng cảm hứng và sáng tác”.
Câu chuyện với Ngân còn dài lắm, những suy tư về sách, những “bộ khung” đã thiết kế xong cho một tập truyện dài sắp sửa bắt tay vào viết, những quyển sách ngoại văn của Milan Kundera đã được em “lên danh sách” sẽ đọc trong hè này...
Nhưng có lẽ câu chuyện về Ngân nên dừng ở đây, để chúng ta chờ xem sự vươn lên của một mầm văn nơi phố núi. Niềm tin ấy có cơ sở, như lời nhà văn Hồ Anh Thái nói trong buổi trao giải: “Phố núi Buôn Ma Thuột lại thêm một người viết văn nữa đấy!”.
Theo Lam Điền
Tuổi Trẻ