Cô bé tật nguyền với “Ước mơ đôi chân thiên thần”

(Dân trí) - Khao khát được đi trên đôi chân của mình, được nói ra những điều mình nghĩ đã thôi thúc em viết. Giờ đây, Trà Mi đang hồi hộp chờ đợi lần ra mắt tập truyện ngắn đầu tay của mình có tên “Ước mơ đôi chân thiên thần”.

Sau một cuộc phẫu thuật chân để giành giật lại sự sống, bé Trà My khi ấy mới vài tháng tuổi đã bị liệt hoàn toàn đôi chân. Lớn lên một chút, những tiếng phát âm của em cũng không được tròn vành. Không thể đến lớp, vậy mà em đã tự học chữ, tự học toán và tự học máy tính…

Không được đi học vẫn giải toán giúp em

Nhân dịp Trần Thị Trà My ra Hà Nội nhận giải khuyến khích cuộc thi “Biết chữ cho cuộc sống tốt đẹp hơn” do Bộ GD- ĐT kết hợp cùng Liên minh Chiến dịch Toàn cầu vì giáo dục tổ chức, tôi mới có dịp gặp và trò chuyện cùng cô bé tật nguyền có nghị lực phi thường này.

Trà My sinh năm 1986, theo đúng tuổi thì giờ em đang là một thiếu nữ đang độ tuổi trăng tròn. Trà My sinh ra và lớn lên tại Đông Hà, Quảng Trị và là con cả trong một gia đình có 4 anh chị em. Khi mới được vài tháng tuổi, trong một trận ốm bất ngờ, Trà My bị sốt cao rồi dẫn đến bị co giật. Em nhanh chóng được gia đình chuyển đến bệnh viện và thực hiện gấp một ca mổ. Nhưng đã quá muộn, sau ca phẫu thuật, khi lớn lên, Trà My bị liệt cả hai chân, tay cử động hết sức khó khăn và ngay cả giọng nói cũng không dễ dàng tròn trịa như các bạn cùng trang lứa.
 
Cô bé tật nguyền với “Ước mơ đôi chân thiên thần” - 1
 Trà My vẫn phải tự bước đi bằng chính đôi chân của mình. (Ảnh: Thế Cường)
 
Trong suốt những năm tháng tuổi thơ rồi lớn lên, Trà My là một em bé thiệt thòi. Nhìn bạn bè của mình tung tăng đến trường mà trong lòng em không khỏi tủi thân và chạnh lòng. Mọi việc di chuyển, Trà My phải dùng một khung sắt. Bất cứ lúc nào, khao khát lớn nhất của Trà My là được đi học, được đến lớp và được học chữ. Nhưng cả tuổi thơ em không thực hiện được ước mơ ấy. Thấy em trai của mình đi học về, ê a cầm sách đọc bài, Trà My cứ nán nghe me đọc. Và thế rồi một ý nghĩ táo bạo nảy ra trong đầu em: “Tại sao mình không tự học chữ nhỉ?”. Niềm tin được thắp lên từ câu hỏi táo bạo ấy.

Chăm chú lắng nghe em trai học bài vậy mà Trà My đã thuộc lòng từ bao giờ. Cứ đến khi em trai bỏ sách đấy đi chơi, Trà My lại lân la đến cầm cuốn sách mà không biết thế nào là xuôi là ngược. Lặng lẽ quan sát, lặng lẽ học, thế rồi em cũng dần biết đọc, rồi đọc thông thạo. Kì diệu ở chỗ ngay cả bố mẹ Trà My cũng không hề biết là em đã tự học để biết chữ.

Chỉ đến một lần, có một đứa em làm bài tập ở nhà gặp một bài toán khó quá mà không giải được, Trà My xem rồi ra hiệu hướng dẫn giải giúp cho em. Đứa em nghe thấy hiểu nhanh chóng giải xong bài toán. Cả nhà sửng sốt, đến khi ấy mới biết Trà My đã biết đọc, biết làm toán từ bao giờ.

Sống một cuộc sống thiệt thòi trong giao tiếp, Trà My luôn khao khát được nói, được đi xa, muốn vươn ra khỏi thị xã nhỏ bé của mình. Và Trà My bắt đầu viết văn từ đó.

Viết văn để thỏa mãn khao khát được nói

Mười bốn tuổi, Trà My bắt đầu việc viết của mình. Ngay sau đó, truyện ngắn đầu tiên của em đã được đăng trên tạp chí của hội văn học nghệ thuật tỉnh nhà. Trà My tâm sự: “Khi biết đọc, biết viết, biết cộng trừ, nhân chia, tôi bắt đầu đọc sách. Nhất là những truyện cổ tích, tôi say mê và luôn ước giá mà trong cuộc sống cũng có phép màu như trong truyện cổ tích để sau này lớn lên tôi sẽ làm một con người có ích cho xã hội, được đi đây đi đó và có nhiều bạn bè ở khắp nơi… 14 tuổi tôi bắt đầu sáng tác thơ”.
Cô bé tật nguyền với “Ước mơ đôi chân thiên thần” - 2

 
Ngoài đam mê văn chương, Trà My rất đam mê vi tính, nhưng hoàn cảnh gia đình lúc đó thực sự không dư giả gì. May mắn thay, có một cặp vợ chồng người Hà Nội và Quảng Trị công tác biết được hoàn cảnh và niềm đam mê của Trà My đã gửi tặng em một bộ máy vi tính cũ. Trà My bắt đầu học. Đến năm 19 tuổi, em đã được nhận vào làm cộng tác viên cho một chương trình của đài phát thanh ở tỉnh.

Kỉ niệm sâu sắc mà Trà My sẽ không bao giờ quên được là lần tham dự cuộc thi viết truyện ngắn do trường Cao đẳng sư phạm Quảng Trị tổ chức. Thật tình cờ, một người bạn rủ Trà My tham gia. Trà My được giải ba và anh bạn kia đạt giải khuyến khích. Tất cả mọi người vô cùng bất ngờ trong buổi nhận giải. Ngay cả tấm bằng khen cũng ghi tên: “Sinh viên Trần Trà My”. Chính điều đó góp phần thắp lên trong Trà My một niềm khao khát cháy bỏng và một niềm tin mãnh liệt.

Giờ đây, Trà My đã là một thiếu nữ. “Gia tài” văn chương của em đã có đến vài chục truyện ngắn.

Trà My chia sẻ rất háo hức chờ đón một niềm vui đang đến với em là tập truyện ngắn: “Ước mơ đôi chân thiên thần” gồm 22 truyện ngắn là những ước mơ, những khát vọng và những chia sẻ của Trà My với cuộc sống do NXB Thanh Niên ấn hành sắp ra mắt bạn đọc.

Nói về dự định tương lai của mình. Trà My hết sức cởi mở. Em rụt rè chia sẻ hai ước mơ bình dị của mình. Ước mơ cho tương lai gần là có cơ hội được học tập tại khoa Sáng tác và lý luận - phê bình văn học, trường đại học Văn Hóa Hà Nội (tiền thân là trường viết Văn Nguyễn Du). Về một mơ ước thầm lặng cho cuộc sống, Trà My cũng ao ước có một gia đình hạnh phúc, có một người con trai yêu thương, chia sẻ và cảm thông với em.

 Nhìn vào đôi mắt em, tôi tìm thấy niềm tin trong ấy. Và tôi cũng có một niềm tin chắc chắn rằng em sẽ vững vàng trong cuộc sống để giành lấy những niềm hạnh phúc cho mình.
 
Thế Cường