Cô bé mồ côi nghèo khó đỗ hai trường ĐH

(Dân trí) - Mồ côi cha mẹ từ lúc mới 3 tháng tuổi, mấy anh em Nhung phải chia nhau đến ở cùng gia đình người bác ruột. Nhà bác nghèo, đông con, nhưng đó lại là điểm tựa cho cô bé Nhung luôn học giỏi cố gắng bước vào giảng đường ĐH.

Cô bé mồ côi nghèo khó đỗ hai trường ĐH - 1

Vượt lên hoàn cảnh, cô bạn mồ côi, nghèo khó Đỗ Thị Nhung đã đỗ một lúc 2 trường ĐH, và 1 trường CĐ 
 

Người dân thôn An Mô, xã triệu Long(Triệu Phong-Quảng Trị) không hết lời khen ngợi tấm gương vượt khó học giỏi của cô bé Đỗ Thị Nhung, cô bé mồ côi phải sống cùng gia đình bác ruột. Nhung vừa thi đỗ hai trường ĐH  là ĐH kinh tế Đà Nẵng, ĐH Y Huế, và CĐSP Quảng Trị.

 

Tình thương trong cảnh nghèo khó

 

Cả  thôn An Mô, ai cũng thương cho hoàn cảnh của mấy anh em Nhung và cảm phục tấm lòng của ông Đỗ Sừng. 18 năm trước, người An mô bàng hoàng khi nghe tin anh Đỗ Út, bố của Nhung trong lúc đi rừng đã bị lũ quét cuốn trôi không tìm được thi hài. Nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai thì tai họa một lại giáng xuống gia đình Nhung. Cha mất chưa được bao lâu thì mẹ của Nhung do quá đau thương trước cái chết của chồng cũng đã từ giã cõi đời. Bốn anh em Nhung trở thành trẻ mồ côi cha mẹ chỉ trong vòng hai tháng. Lúc đó, anh trai đầu được 12 tuổi, còn Nhung mới 3 tháng tuổi. Vậy là, anh em Nhung phải chia nhau về ở với gia đình hai bác ruột. Nhung cùng với anh đầu Đỗ Minh Nhật về ở với bác Đỗ Sừng, còn hai người anh khác của Nhung về với gia đình một người bác ruột khác.

 

Nhà  Bác Sừng rất nghèo, lại đông con nên anh em Nhung vô tình làm nặng thêm nỗi lo cơm áo cho hai vợ chồng bác. “Em tôi xấu số mất đi làm chúng nó  côi cút rất đáng thương. Vợ chồng tôi lúc  ấy nghèo lắm, đem anh em nó về thêm mỗi đứa bát cháo, cọng rau mà đau đến xé lòng. Thà mình giàu có thì không đến nỗi, chứ nghèo mà nuôi bọn nó lại thương chúng hơn...”, ông Sừng xúc động nhắc lại chuyện cũ. Vợ chồng ông Sừng có đến 8 người con, thêm hai anh em Nhung nữa là thành mười đứa cả con lẫn cháu. Hồi đó, cả ông Sừng và bà Tam cứ ngỡ không thể nào vượt qua được khó khăn. Hai vợ chồng ông Sừng chỉ làm 5 sào ruộng, nuôi 10 đứa con trạc tuổi nhau nên cuộc sống ngày càng kham khổ.

 

Để nuôi con, nuôi cháu, ngoài việc đồng áng vợ chồng còn phải đưa nhau bôn ba khắp nơi làm thuê cuốc mướn kiếm thêm từng bát gạo, củ khoai. Bữa ăn nào cũng khoai sắn độn cơm, họa hoằn lắm mới có vài con cá tươi cải thiện.

 

“Con Nhung mới ba tháng tuổi ngày đêm khóc ngặt vì đói sữa. Tôi phải bồng nó đến các chị mới sinh xin bú nhờ, khi thì hầm nhừ cơm chắt nước cho cháu uống. Lớn hơn một chút thì nó bị sài đẹn, ghẻ lở do thiếu hơi ấm của mẹ từ nhỏ. Tôi vô tình thành người mẹ thứ hai của nó. Bác trai nó thì vẫn gọi bác, còn tôi nó gọi là mẹ”, người bác gái tốt bụng Ngô Thị Tam kể lại.

 

Ở với bác nghèo khổ là vậy nhưng Nhung trở thành cô công chúa trong cái gia đình nghèo khổ ấy. Dù là cơm độn khoai sắn hay cơm rau nhưng Nhung luôn được dành phần “cơm trắng”. Cô bé rất thích ăn khoai, ăn sắn mà lại ít khi được ăn dù gia đình bác lúc nào cũng đầy khoai sắn.

 

Cả  mười anh em thì chỉ có Nhung được “ưu tiên” nhất. Cô bé siêng năng xin ra đồng làm ruộng với các anh luôn bị bắt phải ở nhà học bài. Mười tám năm khó khăn, Nhung cùng với gia đình bác Sừng chống chọi đến tận bây giờ.
 
Cô bé mồ côi nghèo khó đỗ hai trường ĐH - 2
Vì tình thương của gia đình bác Sừng, Nhung đã cố gắng không chỉ trong học tập mà còn rất chăm chỉ giúp đỡ thêm việc nhà cho hai bác và các anh... (Ảnh: Nhung đang phụ giúp bác Sừng năm nay 75 tuổi thu dọn sắn đã phơi khô vào cất)
 

Niềm tự hào xen lẫn lo âu

 

Nhung thi đỗ một lúc hai trường Đại học và một trường Cao Đẳng. Cả ba trường Nhung thi đều đạt số điểm cao. Nhung thích nghành kế toán, thi khối A được 24 điểm vào Đại học kinh tế Đà Nẵng. Thi thêm khối B “cho vui” Nhung được 21,5 điểm đỗ vào trường Đại học Y Huế, nghành Điều dưỡng. Nhung suýt đạt thủ khoa trường CĐSP Quảng Trị với số điểm thi đứng thứ nhì toàn trường, 26 điểm. Đạt được kết quả của ngày hôm nay, Nhung đã trải qua những ngày tháng rèn luyện phấn đấu học tập không biết mệt mỏi.

 

Từ  nhỏ, Nhung đã rất chăm học, chăm học nổi tiếng cả  làng. Mười hai năm học trò, Nhung luôn là học sinh giỏi. Cả ba cấp học Nhung đều đạt học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Lớp 5, Nhung được giải khuyến khích toàn tỉnh cả Văn lẫn Toán. Năm lớp 9, Nhung đạt giải nhì thi kiến thức Vật Lý và giải nhất thực hành Vật lý toàn tỉnh. Đến lớp 12, Nhung lại thi được giải 3 môn Vật lý toàn tỉnh. “Cái thành tích nhỏ xíu ấy kể ra ngại lắm”, Nhung bẽn lẽn. Học lớp nào, cấp nào các thầy cô cũng đều thương cô học trò mồ côi nghèo.

 

Ở một nhà mười anh em, Nhung luôn cố gắng giành chút công để các anh đỡ vất vả. Cả nhà bác không có ai được học qua lớp 9, chỉ có Nhung được học lên cấp 3 và thi vào Đại học. Nhung là niềm tự hào, là niềm tin của cả nhà. “Hồi lớp 10, trường THPT Quảng Trị(TX Quảng Trị), em sợ vào học lớp chọn không có bạn định xin chuyển lớp khác. Anh Dũng (anh con bác Sừng) mắng cho một trận nhớ đời. Anh Dũng nói, thiếu cái gì mấy anh đi làm mua cho, phải học giỏi để sau này có tương lai. Em bỏ luôn ý định ấy, cắm đầu cắm cổ học đến giờ”, Nhung kể.

 

Những ngày này, khi sắp bước chân vào giảng đường ĐH, cô bé mồ côi không khỏi cạnh lòng. Mười tám tuổi, trán Nhung ẩn hiện đầy những nếp nhăn âu lo, trăn trở, vì cô bé biết 2 bác đang quá vất vả, khó khăn, lấy đâu dư dả để nuôi Nhung trong những năm dài theo học ĐH.

 

    Văn  Được

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm