Clip "thầy trò đánh nhau trên bục giảng" khiến dư luận phẫn nộ

(Dân trí) - Vụ việc thầy đánh trò, trò đánh lại tại trường THPT Nguyễn Huệ, Bình Định đang gây xôn xao dư luận và nhận xét của chuyên gia xã hội học.

Thầy trò đánh nhau trên bục giảng

Clip quay cảnh thầy trò đánh nhau trong lớp được đăng tải trên Youtube đang lan truyền với tốc độ chóng mặt. Clip được cho là quay tại một trường THPT ở Bình Định.

Đoạn clip dài hơn 1 phút cho thấy cảnh một thầy giáo mặc áo trắng la mắng một nam sinh, sau đó, thầy giáo ra tay tát tới tấp vào mặt trò. Tiếp đó, thầy giáo gọi thêm một nam sinh khác lên bục giảng và tiếp tục tát như với học trò trước đó.

Trước hành động của thầy giáo, một trong hai nam sinh đã vung tay đánh lại thầy. Sự việc xảy ra bất ngờ khiến cả lớp học hỗn loạn, nhốn nháo. Nhiều học trò nhào lên ngăn cản nam sinh.

Clip ngắn với nội dung bạo lực học đường này đang được rất nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội, đồng thời cũng thu hút không ít bình luận. Không ít người bị "sốc" khi chứng kiến cảnh bạo lực giữ thầy và trò ngay trong lớp học. Có những ý kiến trái chiều về cách giáo dục của thầy giáo cũng như việc học trò ra tay đánh lại thầy.

Hình ảnh trong clip

Hình ảnh trong clip

"Nói gì thì nói chứ, đúng là học sinh mà bật cả thầy thì nghe không được. Nhưng mà thầy giáo có nghề sư phạm đoàng hoàng mà lại cư xử như thế với học sinh. Chuyện chẳng ra sao", bạn có nickname "Cho Đi Hạnh Phúc" chia sẻ trên Facebook.

"Học sinh cũng lớn cả rồi, cũng có lòng tự trọng, thầy giáo tát liên tục vào mặt trước mặt rất nhiều người như thế thì  khó mà kiềm chế", bạn Nguyễn Tùng Lâm bình luận về vụ việc trên một diễn đàn Facebook.

"Có nhiều lúc thầy cô làm học sinh bị ức chế nhưng làm như thế thì còn đâu là đạo đức của người học sinh. Clip vừa rồi cho chúng ta thấy rằng học sinh cũng như thầy giáo, đặt cương vị mình vào chỗ thầy giáo chúng ta mới cảm nhận được", bạn Vũ Duy Tùng bày tỏ.

"Không biết là vì lí do gì bạn học sinh kia bị đánh nhưng không thể vì vậy mà ứng xử một cách vô học như vậy đối với học sinh. Cá nhân thầy giáo này đã làm mất đi phẩm giá của một người thầy trước nên không lí gì trách sự phản kháng của học sinh được", bạn Calvin Tống nhận xét.

"Không hiểu trình độ giáo dục - đào tạo của giáo viên hiện nay như thế nào mà để xảy ra những chuyện như thế này?", bạn Huỳnh Quốc Huy đặt câu hỏi.

"Nghĩ sao học sinh lớn cỡ này mà thầy giáo đánh như mẫu giáo vậy?", bạn Hà Khểnh, TP.HCM thắc mắc.

Chuyên gia nhận định

Tiến sĩ Xã hội học Đỗ Thị Vân Anh

Tiến sĩ Xã hội học Đỗ Thị Vân Anh

Sau rất nhiều ý kiến trái chiều của dư luận, phóng viên Dân trí  liên hệ với chuyên gia - Tiến sĩ xã hội học Đỗ Thị Vân Anh để tìm lời giải cho sự việc đáng buồn nói trên. Tiến sĩ Vân Anh cho rằng:

Hiện tượng này không mới, không lạ mà điều lạ là tại sao vẫn tồn tại những người thầy như vậy trong một xã hội hiện đại. Không rõ nguyên nhân do bực bội trong lòng hay vì điều gì khác mà trong những phút căng thẳng thầy đã lấy học trò làm nơi trút tức giận, và vô tình biến cả lớp học thành những khán giả bất đắc dĩ.

Từ xa xưa, chúng ta đã quen với hình ảnh người thầy ngồi trên chõng tre cầm một cái thước rất dài để gõ vào đầu lũ trẻ ngồi học phía dưới với tâm thế đường hoàng, còn trò thì ngoan ngoãn, nghiêm túc. Đó là một hình ảnh quy chuẩn, một hệ giá trị truyền thống không có gì phải bàn cãi, thể hiện tính tôn ti trật tự và tổ chức xã hội: quân, sư, phụ.

Nhưng vẫn hệ giá trị đó mà mang vào áp dụng trong xã hội hiện đại bây giờ thì không còn phù hợp, nhất là trong một thời đại mà trẻ em luôn là trung tâm trong gia đình, khi mà số lượng con trong gia đình ngày càng ít đi và khi mà tính nhân quyền đang ngày càng được coi trọng.

Xã hội bây giờ chỉ đồng ý với cách giáo dục không đòn roi, là những biện pháp giao tiếp nhẹ nhàng, lời lẽ giảng dạy phải tâm lý, thuyết phục… Và trên thực tế chúng ta cũng đã thấy xã hội phẫn nộ như thế nào với những clip bảo mẫu đánh đập, hành hạ học sinh. Đến nay, những hành vi phản cảm, không có đạo đức nghề nghiệp đó đều phải bị pháp luật trừng trị.

Dù nam sinh trong clip có hành động phản kháng nhưng tôi vẫn cho rằng học sinh của lớp này ngoan, còn có sự tôn trọng nhất định với thầy giáo. Các bạn ngồi ở dưới không dám thể hiện gì khi thầy đánh bạn mình.
 
Khi cậu học sinh thứ hai phản ứng đánh lại thầy, cả lớp đều ngăn cản và nhắc nhở bạn học sinh đó là không được hành động như vậy. Điều này cho thấy thế hệ tương lai không phải là thế hệ bạo lực, vô giáo dục.
 
Tuy nhiên, nếu cứ có những người thầy giáo như thế này trong hệ thống giáo dục nước nhà thì quả thật sẽ rất chông chênh và nguy hiểm cho thế hệ trẻ.

Người thầy có hành vi lệch chuẩn khi đánh trò. Và việc bạn học sinh đánh lại thầy là thái độ bất bình của một thanh niên đang tuổi lớn, đang ở lứa tuổi mà tâm sinh lý phát triển mạnh, lòng tự trọng cao, tính tự ái cao và thích thể hiện khẳng định mình.

Điều cần nói ở đây là phải cảnh báo lại đạo đức nghề nghiệp của những người thầy giáo. Cách giáo dục bằng đòn roi của họ sẽ vô tình tạo ra cho xã hội một nhóm người quen với bạo lực, quen với sự mạt sát và điều này sẽ cực kỳ nguy hiểm khi các em học sinh bước ra ngoài xã hội.

Mai Châm