Chuyện về chàng trai “bỏ phố lên rừng”

(Dân trí) - Sau khi xuất ngũ trở về, thay vì cùng gia đình ở lại thành phố Kon Tum làm việc, chàng trai trẻ Huỳnh Đỗ Trung Hòa (24 tuổi) lại chọn cho mình con đường khác: lên rừng lập nghiệp. Hiện, anh là một trong số ít chủ trang trại trẻ tuổi ở tỉnh Kon Tum!

Từ  thành phố Kon Tum theo đường Hồ Chí Minh ngược lên hướng Bắc chừng 15km thì rẽ tay trái. Từ đây (phải có người ra dẫn đường) chúng tôi theo con đường đất quanh co thêm 4km nữa mới đến được trang trại của Hòa.

 

Tiếp chúng tôi trong căn nhà ngói xây khang trang, Hòa cho hay, Hòa là con trai út trong một gia đình có 8 anh chị em hiện đang sinh sống và buôn bán lớn ở  trung tâm thành phố Kon Tum. Năm 2003, Hòa tốt nghiệp THPT nhưng do không thi đỗ vào đại học nên năm 2004 Hòa lên đường nhập ngũ, được phiên về đơn vị tăng thiết giáp (thuộc Tỉnh Đội Kon Tum), đến cuối năm 2005 ra quân.

 

Sau khi xuất ngũ trở về, thay vì cùng với gia đình tiếp tục công việc buôn bán ở ngay thành phố Kon Tum thì Huỳnh Đỗ Trung Hòa (24 tuổi) lại chọn cho mình con đường khác: lên rừng lập nghiệp!

 

Nhớ  lại những ngày đầu xa thành phố “lên núi”  dựng trại, bà Đỗ Thị Cúc vì thương con nên cũng đành theo con mà lòng xót xa. Để an ủi mẹ, Hòa nói cứng: “Đây là ước nguyện của bố! Vả  lại 18 tháng quân ngũ đã cho con nhiều bài học về cuộc sống rồi, mẹ yên tâm”.
 
 
Chuyện về chàng trai “bỏ phố lên rừng” - 1

Hòa với vườn cao su mới trồng, phía xa là vườn cao su chuẩn bị cho thu hoạch

 

Thế  rồi, từ cơ sở ban đầu khoảng vài héc-ta mua lại của người địa phương (tại thôn 6, xã Đăk La, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum), nhờ sự hỗ  trợ của gia đình và vay vốn ngân hàng, Hòa  đã từng bước mở rộng “lãnh thổ”, thiết kế mô hình trang trại theo kiểu Vườn-Ao-Chuồng-Rừng. Quả thật, nếu không có niềm đam mê làm vườn cùng với một ý chí quyết tâm thì khó mà có được cơ ngơi như ngày hôm nay.

 

Sau gần 4 năm chí thú làm ăn, chàng trai trẻ Huỳnh Đỗ Trung Hòa đã tạo dựng được một trang trại thuộc loại “tương đối” trong làng trang trại ở Kon Tum. Tổng diện tích toàn trang trại của Hòa hiện có trên 27ha, trong đó diện tích cây cao su có 20ha (trong đó có 17ha đang ở năm thứ 6, nghĩa là qua sang năm sẽ cho thu hoạch mủ đầu tiên); khoảng 4ha vườn rừng với các loại cây có giá trị cao như bời lời (2ha, sang năm thu hoạch), xà cừ, hông…

 

Ở trang trại của Hòa hàng ngày thường xuyên có 5 lao động làm việc, còn vào mùa vụ phải huy động vài ba chục lao động người địa phương.
 
Chuyện về chàng trai “bỏ phố lên rừng” - 2

Không chỉ trồng cây, Hòa còn tập trung đầu tư kỹ thuật và công sức vào việc nuôi cá  
 

Theo tính toán sơ bộ của Hòa, sau khi trừ hết các khoản chi phí mỗi năm trang trại thu nhập khoảng 100 triệu đồng (như 50 triệu từ lúa nước 2 vụ, 30 triệu từ bán cá, mỳ…). Sang năm 2010, ngoài số tiền thu từ lúa, cá, mỳ thì với 17ha cao su cho thu hoạch năm đầu tiên, bình quân khoảng 30 triệu/ha, tính thấp nhất Hòa thu về số tiền trên 500 triệu đồng.

 

“Là thanh niên trẻ  xa thành phố lên đây lập nghiệp rất lam lũ, cực nhọc. Tuy nhiên được sống và làm việc giữa thiên nhiên trong lành đó là ước mơ của em ngày còn ở quân ngũ. Khi cao su đã vào thu hoạch, em sẽ tạo điều kiện để những bạn trẻ khác sau khi xuất ngũ đến đây cùng làm việc”, Hòa tâm sự.

 

Bài và ảnh: Đại Hòa