Chuyện tỷ phú bồ câu và chàng trai mê robot

Phạm Lê Việt Anh (SN 1997), sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội và Nguyễn Văn Phúc (SN 1987), tỷ phú nuôi chim bồ câu là 2 trong số 73 gương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2018 được Thành Đoàn Hà Nội vinh danh. Mặc dù, xuất phát điểm, lĩnh vực hoạt động khác nhau nhưng Việt Anh và Văn Phúc đều là những tấm gương tiêu biểu cho sức trẻ tràn đầy nhiệt huyết, sáng tạo.

Không chỉ là một sinh viên xuất sắc chuyên ngành kĩ thuật Cơ điện tử, (trường Đại học Bách khoa Hà Nội), chàng trai Phạm Lê Việt Anh (SN 1997) còn đam mê sáng tạo robot thông minh.

Thời còn học cấp 3, Việt Anh đã tự tìm kiếm các cuộc thi để thử sức. Năm lớp 12, trong lúc bạn bè bận rộn ôn thi đại học, Việt Anh ngày đêm miệt mài sáng tạo ra sản phẩm đầu tiên của mình “Robot tiện ích”.

Robot này như một món quà cậu dành tặng mẹ, nó có thể lau nhà, hút bụi và gắp đồ vật trong gầm tủ, giường, bàn. Đặc biệt, nó được tích hợp camera cho phép người dùng có thể nhìn vào màn hình điều khiển robot di chuyển.

Sản phẩm giành giải Nhất lĩnh vực cơ khí, giải Ba cuộc thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật quốc gia intel isef 2015 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Phần thưởng đó tạo động lực mạnh mẽ cho cậu đi theo con đường nghiên cứu, sáng tạo robot và tiếp tục cho ra đời những sản phẩm hiện đại hơn.


Phạm Lê Việt Anh (thứ 2 từ trái qua) cùng đội BK Galaxy trong một cuộc thi Robocon.

Phạm Lê Việt Anh (thứ 2 từ trái qua) cùng đội BK Galaxy trong một cuộc thi Robocon.

Cuối năm lớp 12, vừa ôn thi đại học, Việt Anh vừa dồn tâm sức cho ra đời Robot điều khiển bằng smart-phone. Đây là một phiên bản thử thách lòng kiên nhẫn của Việt Anh.

“Khi thực hiện Robot này, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Thí nghiệm, thiết bị hỏng, cháy liên tục. Cứ lắp vào tháo ra, thậm chí hoàn thiện sản phẩm rồi lại phải đập ra lắp lại. Dù vậy, bằng niềm đam mê, tôi đã không bỏ cuộc”, Việt Anh chia sẻ.

Cuối cùng, Việt Anh cũng hoàn thiện được sản phẩm. Khác với phiên bản trước, robot này thông minh hơn, điều khiển bằng Bluetooth, di chuyển dễ dàng, quay được camera mọi hướng, phun nước tưới cây hay dập lửa. Sản phẩm cũng có còi báo động cùng một loạt hệ thống cảm biến thông minh và màn hình LCD.

Sự nỗ lực của chàng trai trẻ được đền đáp xứng đáng. Sản phẩm đoạt giải Ba cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc 2016.

Trở thành sinh viên khoa Cơ điện tử, ĐH Bách khoa Hà Nội, với niềm đam mê của mình, Phạm Lê Việt Anh đã thành lập đội tuyển Robocon BK Glaxy. Dưới sự dẫn dắt của đội trưởng Việt Anh, BK Galaxy đã tham gia chinh phục nhiều cuộc thi khác nhau.

Năm 2017, BK Galaxy lọt vào vòng 2 vòng loại phía bắc ROBOCON toàn quốc. Việt Anh chia sẻ, mục đích của đội BK Galaxy là sẽ sáng tạo, thiết kế robot phục vụ ngành công, nông nghiệp sau này.

Tỷ phú chim bồ câu

Tỷ phú nuôi chim bồ câu Nguyễn Văn Phúc (SN 1987, Sóc Sơn, Hà Nội) từng là du học sinh tại Nga. Sau 5 năm học chuyên ngành công nghệ thông tin tại Nga, Phúc về nước làm việc cho một trung tâm máy tính nổi tiếng ở Hà Nội.

Nhưng với đồng lương không đủ cho việc trang trải cuộc sống ở Thủ đô, sau nhiều lần đắn đo, Phúc quyết định trở về nhà phát triển nghề truyền thống gia đình: Nuôi chim bồ câu. Quyết định đó bị gia đình, bạn bè phản đối quyết liệt, cho rằng bỏ công 5 năm du học nước ngoài về làm nông dân “thật hoang phí”. Nhưng Phúc vẫn tin mình sẽ thành công.

Do thiếu kinh nghiệm, lứa chim đầu tiên đổ bệnh chết gần hết, mọi vốn liếng gần như trắng tay. “Lúc đó, tôi bị áp lực đè nặng lên vai, bởi lựa chọn của mình vốn không nhận được sự ủng hộ, lại thất bại mất hết vốn liếng.

Nhiều đêm mất ngủ, tôi tự hỏi, mình đã sai ở đâu và phải làm những gì để thành công. Tôi nghiên cứu sách vở, rồi trực tiếp đi tham quan học hỏi kinh nghiệm từ các trang trại”, Phúc kể lại.

Anh vào Nam, ra Bắc học hỏi các mô hình thành công, tìm hiểu các giống chim. Tự tin với những kiến thức đã có được, Phúc quyết định làm lại từ đầu với số tiền vay 20 triệu đồng, đầu tư 50 đôi chim bồ câu giống nhập khẩu từ Pháp, Mỹ và Nhật. Lần này, Phúc thành công và quyết định mở rộng quy mô phát triển thành trang trại.

Hiện trang trại của anh có 9.000 đôi chim, tổng thu nhập hàng năm đạt 11 tỷ đồng, lợi nhuận thu về hơn 2 tỷ đồng. Đặc biệt, trang trại của anh tạo công ăn việc làm cho 30 thanh niên, người dân trong vùng, với mức thu nhập 7 triệu đồng/tháng. Anh Phúc cho biết, hiện anh đang mua đất để mở rộng quy mô trang trại. D

ự kiến năm 2019 sẽ nâng quy mô đàn chim lên cao hơn. Mô hình của anh được T.Ư Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Định Của, giải thưởng vinh danh nhà nông trẻ giỏi.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Phúc luôn hướng đến cộng đồng. Anh tận tình giúp đỡ, truyền kinh nghiệm cho những người có nhu cầu học hỏi, tìm hiểu về nghề nuôi chim, phát triển kinh tế địa phương. Năm 2012, 2014, anh được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng giấy khen gương người tốt - việc tốt.

Sáng 8/6, Thành Đoàn Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW của BCH T.Ư Đảng (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” và Chỉ thị số 05 CT/TW của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Dự chương trình có Phó Trưởng ban Tuyên giáo Bùi Thế Đức; Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương. Tại chương trình, Thành Đoàn Hà Nội đã trao bằng khen cho 25 tập thể có thành tích trong thực hiện Nghị quyết 25 NQ/TW, 11 mô hình tiêu biểu thực hiện tốt Chỉ thị 05 CT/TW và tuyên dương 73 gương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác.

Đây là những tấm gương có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực học tập, nghiên cứu khoa học, làm kinh tế giỏi, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng… tạo được dấu ấn lớn trong cộng đồng.

Theo Lưu Trinh

Tiền phong