Chuyện tình cô giáo Hàn Cơ

Bà con dân tộc Xê Đăng chẳng thể nào tưởng tượng, có một ngày, những đứa con sớm tối lên nương, lên rẫy lại được một cô giáo xinh đẹp người xuôi chỉ dạy đánh vần, tập viết...

“Cõng chữ” lên ngàn mây

 

Trên sườn dốc chênh vênh, 3 phòng học đơn sơ, tuềnh toàng tranh tre nứa lá. Học sinh 3 lớp mầm non và tiểu học, là con em bà con dân tộc Xê Đăng ở nóc Măng Lùng (Quảng Nam), nhỏ thó và đen đúa, cùng nhau đứng dậy, khoanh tay chào khách lạ. Nhiều người hóm hỉnh gọi lớp học của cô giáo Trần Nữ Hàn Cơ là “lớp học 3 trong 1”, bởi Cơ phải đứng 3 lớp cùng một buổi.

 

Dù tiếng Kinh còn lõm bõm, nhưng các em luôn miệng “thưa cô giáo Cơ”. Đến giờ giải lao, cô trò ùa ra bên sườn núi, từng bóng người hoà tan trong sương, một cảnh đẹp mà có lẽ tôi không bao giờ quên trên đỉnh Ngọc Linh ngàn năm.

 

Hàn Cơ tâm sự: “Trong 7 năm lên Trà Linh thì em cắm ở nóc này được 4 năm rồi. Lúc đầu, dạy các em nói tiếng Kinh rất vất vả, nhưng bây giờ thì ổn rồi. Cô trò vừa nói chuyện với nhau bằng tiếng Kinh, lại có thể trao đổi ngay bằng tiếng Xê Đăng”.

 

Ngày ngày, lớp học của cô Cơ có 3 lớp, từ mầm non đến lớp 4. Tuy vậy, cô giáo Cơ vẫn buồn: “Cả nóc có tới 40 cháu độ tuổi đi học mà lớp sĩ số 3 lớp học lúc nào cũng chỉ chưa đầy 20. Người dân muốn con lên rẫy hơn là đến lớp, nhiều lúc em nản ghê lắm. Muốn bỏ về cho xong. Nhưng nhìn những em vui đùa, chăm chút viết chính tả, say mê làm con tính, lại không nỡ”.

 

Trưởng nóc Trần Xuân Đoàn nói: “Từ khi cô Cơ về đây đứng lớp, bà con được nhờ vì không phải cõng con lên nương. Hiện nay, tui cũng ngày ngày vận động, nhưng để bỏ được tập tục ngàn năm của người Xê Đăng không phải dễ”.

 

Ông Đoàn cũng là người Xê Đăng, nhưng thời gian làm cán bộ y tế huyện Trà My (cũ) giúp ông hiểu được tầm quan trọng của giáo dục. Ông chắc nịch: “Phải thay đổi thôi, trẻ em ở đâu cũng phải được học hành. Bây giờ chứ không như ngày xưa nữa”.

 

Anh địa chính tình nguyện và chuyện tình đẹp của Hàn Cơ

 

Buổi trưa, khi tan lớp, các em ùa ra về nhà, cô Cơ lại miệt mài soạn giáo án, chuẩn bị cho mấy lớp buổi chiều. Thế nhưng, trên đỉnh núi mù sương, nơi Măng Lùng quanh năm lạnh lẽo, cô giáo Cơ vẫn không cô đơn.

 

Trong căn nhà nhỏ bên lớp học, chàng thanh niên lặng lẽ nhìn khách lạ, chốc chốc lại hướng mắt về cô Cơ, trìu mến, dịu dàng. Anh là Nguyễn Việt Hồng - chồng cô. Câu chuyện tình giữa Hồng và cô giáo Cơ được cả xã Trà Linh truyền tai nhau, đẹp như một giai thoại.

 

Năm 2000, cô sinh viên Trần Nữ Hàn Cơ quê ở huyện Thăng Bình (Quảng Nam) tốt nghiệp trường CĐ Sư phạm Quảng Nam, xung phong lên xã miền núi Trà Linh dạy học. Gia đình, bạn bè ai cũng khuyên can, thậm chí bà Đoàn Thị Thăng - mẹ cô còn doạ “từ mặt” nếu cô không từ bỏ ý định. Nhưng cuối cùng, sau nhiều lần thuyết phục, gia đình cũng đồng ý.

 

Năm 2001, khi đang cắm ở nóc Tắc Ngo (thôn 2), cô gặp anh Trần Việt Hồng, là cán bộ địa chính dưới xuôi lên đo đạc. Chẳng biết thế nào, nhưng sau đó 1 năm, anh Hồng bỏ luôn nghề địa chính, lên Tắc Ngo giúp cô làm nhà, sửa sang vườn tược.

 

Cô giáo Cơ cười hóm hỉnh: “Anh ấy làm nghề đo đạc, lên bản gặp cô giáo người xuôi nên “đo” luôn, em nói nếu muốn lấy em thì phải ở trên này, liệu anh có chịu không. Tưởng nói đùa vậy thôi, ai ngờ anh bỏ nghề địa chính, làm xe ôm chạy chở khách lên Trà Linh. Sau 2 năm thì chúng em cưới. Bây giờ anh chỉ được làm xe ôm của riêng em thôi”.

 

Anh Hồng quê ở Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng. Năm 2004, đám cưới Hồng - Cơ diễn ra trong sự phản đối kịch liệt của bố mẹ Hồng, bởi “không dưng mất thằng con trai về nhà vợ, mà nó lại lên núi, xa thăm thẳm”.

 

Bỏ qua tất cả, anh tình nguyện lên tận Măng Lùng, nuôi gà heo, buôn bán lặt vặt và... nấu cơm cho vợ đi dạy. Anh Hồng tâm sự: “Vợ chồng tui chẳng ước muốn gì nhiều, chỉ mong lúc nào cũng được bên nhau. Dù ở đỉnh Ngọc Linh mà hạnh phúc thì khác gì sống giữa phố phường tấp nập”.

 

Theo Nam Cường
Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm