Chuyện những anh hùng bàn phím Việt "dội bom" facebook IS

(Dân trí) - Núp sau bàn phím, nhiều bạn trẻ đang liều mạng phát ngôn, liều mình lập tài khoản mang tên thành viên phiến quân khủng bố mà không màng tới hậu quả.

Sau vụ thảm sát kinh hoàng xảy ra tại Paris ngày 13/11, nhiều thông tin về tổ chức khủng bố IS được cư dân mạng lan truyền. Đạc biệt, dân mạng Việt đã tìm ra một tài khoản Facebook tự xưng là thành viên của tổ chức khủng bố mang tên Timur Zhunusov. Tài khoản này đăng tải hình ảnh đội quân khủng bố và có nhiều lời lẽ kích động bạo lực viết bằng tiếng Ả Rập.

Trang Facebook mang tên Timur Zhunusov ban đầu được cho là của thành viên quan khủng bố IS bị dân mạng Việt dội bom bình luận, chửi bới tục tĩu.
Trang Facebook mang tên Timur Zhunusov ban đầu được cho là của thành viên quan khủng bố IS bị dân mạng Việt "dội bom" bình luận, chửi bới tục tĩu.

Bằng cách nào đó, đường dẫn trang Facebook của người này lan truyền khắp cộng đồng mạng Việt Nam. Dẫn đến một sự việc không thể ngờ là cư dân mạng Việt đã vào trang này để buông những lời lẽ chửi bới, thóa mạ. Thậm chí, nhiều bạn không e dè tung ra những lời thách thức quân khủng bố IS... tấn công Việt Nam.

Hành vi chửi bới “điên rồ” của một bộ phận cư dân mạng khiến số đông dư luận rất bất bình. Theo một cư dân mạng có tên Đình Tuấn phân tích, hành vi chửi bới của dân mạng Việt thể hiện sự thiếu văn hóa, tính a dua.

Thứ hai là hành vi này làm xấu đi hình ảnh của người Việt Nam. Thứ ba là vì đối tượng bị nhắm tới ở đây có thể là những kẻ giết người máu lạnh, cho nên hậu quả của hành vi “đùa không đúng chỗ” này là không thể lường trước được.

“Sự việc này cũng nhỏ thôi, nhưng với độ “trẻ trâu” và các “anh hùng bàn phím”, cũng như chia sẻ rộng rãi thì không ít thì nhiều IS cũng ấn tượng với cái tên Việt Nam. Cứ tiếp tục nhao nhao lên thì không muốn ai biết cũng sẽ có người biết, đến lúc đó hậu quả ra sao?

Các cụ thường hay nói đúng "tụi bay sống trong thời bình sướng quá rồi, đâu biết cái khổ của chiến tranh và chết chóc đâm ra “hóa rồ”.”, bạn Hùng Tông bình luận.

Dân mạng còn lập nên nhiều trang giả mạo Timur Zhunusov để kích động, đùa giỡn
Dân mạng còn lập nên nhiều trang giả mạo Timur Zhunusov để kích động, đùa giỡn

Hai ngày sau khi vụ “anh hùng bàn phím” Việt oanh kích Facebook mang tên Timur Zhunusov, một số người dùng mạng thông thạo đã nhận ra rằng đây chỉ là Facebook giả mạo thành viên của phiến quân IS do một người nào đó "nổi hứng" lập.

Hiện tại, trang cá nhân Timur này đã bị Facebook khóa nhưng lại xuất hiện thêm rất nhiều tài khoản lấy tên Timur Zhunusov mới ra đời. Vào xem những trang Facebook giả mạo này thì lại thấy các nội dung được viết bằng tiếng Việt.

Rõ ràng, các “anh hùng bàn phím” đã không thể thỏa mãn với vụ scandal bằng lời lẽ mà họ tạo ra trong mấy ngày qua mà còn muốn tiếp tục cuộc võ miệng của mình bằng cách lập ra những tài khoản ảo, kích động bạo lực và thù hằn một cách không mục đích.

Đây không phải lần đầu tiên các “anh hùng bàn phím” gây nên nỗi xấu hổ cho người Việt bằng việc đăng đàn chửi bới, nói tục trên các trang mạng của người nước ngoài.

Trước đó, vào tháng 9/2013, dân mạng Việt cũng đã một lần “đại náo” Facebook của tỷ phú Mỹ Bill Gates. Sự việc xảy ra khi Bill Gates đang tải một status bày tỏ sự quan tâm tới vấn đề quá tải nguồn cung cấp năng lượng điện ở Việt Nam.

Hàng ngàn “anh hùng bàn phím” đã lao vào chỉ trích nhà tỷ phú với lí do rằng “Ông không hiểu gì về đất nước tôi” và dùng rất nhiều lời lẽ khó nghe dành cho Bill Gates.

Dân mạng Việt đã từng nhiều lần làm xấu mặt đất nước vì có những lời lẽ không hay trên trang mạng của người nước ngoài. Trong ảnh là vụ việc dội bom bình luận thiếu văn hóa trên Facebook của Bill Gates
Dân mạng Việt đã từng nhiều lần làm "xấu mặt" đất nước vì có những lời lẽ không hay trên trang mạng của người nước ngoài. Trong ảnh là vụ việc "dội bom" bình luận thiếu văn hóa trên Facebook của Bill Gates

Một lần khác, cũng chính các “anh hùng bàn phím” đã “dội bom” lên Facebook của anh chàng đẹp trai bị trục xuất người Ả Rập - Omar Borkan, khiến anh này bị một phen hốt hoảng, không hiểu mình đã đắc tội gì với đông người Việt như vậy.

Chỉ đến khi truyền thông lên tiếng phê phán những hành động thiếu văn minh này, sự việc mới lắng xuống phần nào. Tuy vậy, các “anh hùng bàn phím” vẫn không ngừng lẩn trốn, ẩn núp chờ những sự việc nóng trên mạng để tha hồ “múa bàn phím”.

Làm cách nào để răn đe, ngăn chặn hành động liều lĩnh điên cuồng của các “anh hùng bàn phím” Việt? Đây vẫn là một câu hỏi khó làm đau đầu các nhà quản lý.

Trong khi đó, những người quan tâm tới sự phát triển của thế hệ trẻ đang lo ngại xu hướng phát triển không lành mạnh của một bộ phận giới trẻ trên mạng ảo.

M.C