“Chuyện nhỏ” như... con thỏ!?

“Đồ “đàn bà”… đã chơi phải chơi cho tẹt ga. Thi cử, chuyện nhỏ như con thỏ! Đời có mấy mà lo cho mệt, nào zdô đi anh em...” Không ai có thể ngờ rằng câu nói sặc mùi dân chơi cất lên giữa quán bar ở đường Đống Đa, TP Huế lại là của một sinh viên có gia cảnh chẳng khá giả gì.

Đua đòi cho... sành điệu

 

Lối sống đua đòi của sinh viên con nhà khá giả vốn là “chuyện thường ngày ở... thành phố”, điều đáng ngạc nhiên là, không ít sinh viên là con nhà nghèo thuộc diện chính sách cũng bày đặt đua đòi.

 

Chỉ vì một chút sĩ diện, một chút tự ái từ những lời khích bác của bạn bè mà không ít sinh viên đã bất chấp cả hoàn cảnh gia đình, để chạy theo một lối sống mới mà theo họ là “sành điệu”.

 

Để được “sành điệu” không những phải có tiền mà còn phải biết tiêu tiền một cách phung phí và “chịu chơi”. Cuộc sống của họ mỗi ngày bắt đầu với cafe buổi sáng và kết thúc bằng các cuộc “nhậu nhẹt tẹt ga” ở những quán bar, nhà hàng và karaoke. Còn học hành thì chỉ là “một phần... rất nhỏ của cuộc sống”.

 

Trâm - một sinh viên năm ba, Trường ĐH Huế, đã làm cho cả lớp phải sững sờ đến...  hoảng trước sự thay đổi bất thường của mình. Trâm trở nên sành điệu với những bộ quần áo hàng xịn ở những shop nổi tiếng, với kiểu tóc xuăn tít nhuộm vàng hoe mà Trâm gọi là “mốt độc” không đụng hàng, với chiếc di động đời mới mà Trâm mới “khẩn cầu” mẹ mua cho, mặc dù gia đình Trâm không khá giả gì.

 

Ngoài Trâm, rất nhiều sinh viên dù là con nhà nghèo nhưng cũng cố chạy theo lối sống “thời thượng” này. Những nữ sinh viên này suốt ngày chỉ quan tâm đến những mốt quần áo mới, những kiểu tóc “độc”, những loại mỹ phẩm mới... Nói chung họ chỉ thích làm đẹp, chỉ thích ca tụng, tán dương, đặc biệt thích được những chàng trai “chịu chơi” săn đón, theo đuổi.

 

Để duy trì được sự săn đón của các chàng trai, những sinh viên này luôn tìm mọi cách để làm mới mình. Phổ biến là thay đổi các kiểu tóc xoành xoạch, quần áo mua về mặc mấy bữa lại xếp xó để diện những mốt mới toe vừa săn tìm được ở các shop loại xịn...

 

Để là chàng trai “ga- lăng”, “chịu chơi”, mà không bị bạn bè chọc ghẹo là “đàn bà”, là “mọt sách”, không ít bạn nam đã khoác lên mình cái vỏ bọc hào nhoáng giả tạo bằng sự chi tiêu phóng khoáng. Họ đã “vung tay quá trán” khi hàng đêm cứ rủ nhau ra các quán bar nhậu nhẹt “xả láng”, mỗi lần mất  dăm, bảy trăm ngàn là chuyện thường.

 

Số tiền ấy đối với sinh viên là cả một vấn đề, nhưng vì “sỹ diện” mà như N.Lâm nói là “thà nhịn đói mấy ngày chứ không chịu mất mặt”(?!) .Cứ thế người này theo người khác, đêm nay người này mời đêm khác người khác lại mời lại cho đúng lễ và họ gọi như thế là “chơi đẹp”.

 

Chơi sộp mau… xẹp

 

Không ít sinh viên đã rơi vào thảm kịch khi cố khoác lên mình cái vỏ bọc hào nhoáng, giả tạo để xác lập cho mình được một “thương hiệu” trong mắt người khác.

 

Có lẽ ai mới gặp Trâm cũng nghĩ Trâm là con nhà giàu có, ấy nhưng, bên trong cái vỏ bọc ấy chỉ là sự rỗng tuyếch. Một triệu đồng mà bố mẹ Trâm phải dành dụm, chạy vạy mới có được, Trâm chỉ “quẳng” nó trong chốc lát, để rồi, những ngày còn lại sống trong sự vật vả với cái đói vì thiếu tiền... ăn cơm.

 

Đói thì đầu gối phải bò, Trâm phải chạy vạy vay hết người này đến người khác, xuất hết chiêu khẩn khoản đến cầu xin. Lúc đầu mọi người cũng thông cảm, nhưng rồi những người cho Trâm vay đều không lấy lại được nên cũng ngoảnh mặt làm ngơ.

 

Từ một sinh viên được học bổng trong hai năm liền, giờ đây học hành của Trâm sút hẳn, tổng kết cả hai học kỳ của năm nay Trâm đã phải thi lại 3 môn liền.

 

Các sinh viên nam thì thê thảm hơn, để “sành điệu” không ít người sống trong nợ nần chồng chất. Ấy nhưng “chơi cũng phải chơi”, mỗi lần không có tiền họ lại đem thẻ sinh viên, giấy chứng minh nhân dân ra cầm ở các quán bar rồi khi nào có lại chuộc, chuộc rồi lại cầm.

 

Trong lúc một số sinh viên đang cố làm ra mình “sành điệu” thì ở nhà, bố mẹ đang nai lưng để kiếm những đồng tiền còm cõi đặng nuôi con ăn học thành người. Những đồng tiền đó có cả vị mặn của mồ hôi, nước mắt, mùi tanh của đồng đất chua phèn và chất chứa cả một niềm hy vọng của cả gia đình.

 

Khi cầm được nó trong tay, hãy nghĩ đến điều đó. Nếu nghĩ được, bạn mới là người thực sự sành điệu trong mắt mọi người. Chuyện đó không hề “nhỏ như con thỏ”!

 

Theo Quỳnh Lưu - Huệ Anh
Thanh Niên