“Chuyện lạ” nữ sinh Sân khấu- Điện ảnh làm giúp việc gia đình

Gần 1 năm nay, Nguyễn Ngọc Ánh, sinh viên năm thứ hai khoa Kỹ thuật, công nghệ điện ảnh truyền hình (ĐH Sân khấu Điện ảnh HN) làm giúp việc cho một gia đình ở Mễ Trì Thượng.

Làm giúp việc để trưởng thành

 

Ánh tự nhận không có khiếu nói chuyện với các em nhỏ nên không đi gia sư; vụng giao tiếp nên không chọn bán hàng. Ánh làm giúp việc gia đình vì cho rằng môi trường gia đình an toàn hơn ở các quán cơm, quán giải khát hay nhà hàng.

 

Là con gái út trong gia đình, Ánh được chiều từ nhỏ, không phải làm bất cứ việc gì. “Lên đại học, mình vẫn chưa biết nấu ăn”, Ánh nói. Ở KTX, sinh viên đều phải ăn ngoài nên Ánh không có cơ hội học và thực hành nấu nướng. Cô quyết định đi giúp việc gia đình để “cải thiện” nữ công gia chánh.

 
“Chuyện lạ” nữ sinh Sân khấu- Điện ảnh làm giúp việc gia đình
Nguyễn Ngọc Ánh, sinh viên năm hai khoa Kỹ thuật, công nghệ điện ảnh truyền hình (ĐH Sân khấu Điện ảnh) làm giúp việc gia đình.
 

“Mình nói trước với chủ là không biết nấu ăn và vụng việc nhà. Mình nghĩ sẽ không được nhận, nhưng cô chú vẫn tạo điều kiện”, Ánh cho biết. Chưa thạo việc, thời gian đầu với Ánh rất khó khăn. Cô chủ bận việc vẫn tranh thủ về sớm hướng dẫn Ánh nấu ăn, sử dụng các thiết bị hiện đại trong bếp, trong nhà. Những hôm cô chủ không về được thì “chỉ đạo” từ xa qua điện thoại.

 

Ban đầu, thành quả của những lần học việc không được như ý. “Cô trực tiếp hướng dẫn hoặc chỉ bảo tận tình qua điện thoại nhưng nấu xong đến mình cũng thấy khó nuốt. Cô chú không hài lòng nhưng chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng khiến mình càng áy náy, thất vọng về bản thân”, Ánh nói. Được cô chủ động viên, Ánh lên mạng tìm hiểu, mua sách dạy nấu ăn về học. Tình hình dần được cải thiện.

 

Thời gian giúp việc của Ánh dao động từ 5h30 đến 21h30. Ánh làm các công việc theo trình tự: nấu cơm – dọn dẹp nhà cửa- giặt và phơi quần áo. Lúc chưa quen việc, với quãng thời gian đó, Ánh không hoàn thành hết việc. Cô chủ đi làm về, xắn tay làm cùng. Sau dần, Ánh biết phân bổ thời gian, sắp xếp công việc nên khi các thành viên trong gia đình trở về, mọi việc đã hoàn tất.

 

Ánh nói về công việc làm thêm của mình: “Trải nghiệm từ giúp việc gia đình giúp mình biết sắp xếp công việc, phân bổ thời gian hợp lý. Các kỹ năng nữ công gia chánh được hoàn thiện. Giờ thì mình có thể tự tin tương lai về nhà chồng không bị mắng”.

 
“Chuyện lạ” nữ sinh Sân khấu- Điện ảnh làm giúp việc gia đình
Ánh cho biết, trải nghiệm từ giúp việc gia đình giúp Ánh biết sắp xếp công việc, phân bổ thời gian hợp lý, học thêm được các kỹ năng nữ công gia chánh.
 

Đi làm thêm, Ánh thấu hiểu giá trị của đồng tiền: “Trước, bố mẹ cho tiền, mình chỉ biết tiêu. Đi làm mới hiểu, có được đồng tiền vất vả thế nào. Mình thương bố mẹ nhiều hơn”.

 

Ánh giấu bố mẹ việc đi làm, chỉ đến khi tích đủ tiền mua máy tính mới khoe về công việc. Lo con gái vất vả, đi về muộn, bố mẹ yêu cầu Ánh nghỉ việc.

 

“Đến giờ, bố mẹ vẫn đinh ninh là mình đã nghỉ việc. Mình tiếp tục phải giấu bố mẹ. Mình muốn có tiền tham gia một vài khóa học, mua những vật dụng thiết yếu cho việc học, cuộc sống. Bố mẹ mình đã có tuổi, mình đã lớn, mình muốn tự lập nhiều hơn, không để bố mẹ phải lo lắng”.

 

Đừng gọi là “ô sin”

 

Một ngày của Ánh kết thúc vào lúc 2h sáng. Trở về ký túc xá lúc 10h30, Ánh ngồi vào bàn học lúc 11h. Khoảng thời gian các bạn trong phòng đi ngủ là lúc cô sinh viên ngành kỹ thuật truyền hình “dùi mài kinh sử”. “Có những hôm đi học cả ngày, tối lại đi làm, rất mệt. Những lúc đó mình chỉ muốn nghỉ việc”, Ánh kể.

 

Ý định nghỉ việc của Ánh luôn bị lung lay bởi sự tử tế của chủ nhà. Quen biết nhiều bạn bè đi làm thêm, Ánh nhận ra không phải ai cũng may mắn được chủ nhà tôn trọng như mình. Nhiều bạn bị chủ coi thường, con cái nhà chủ bắt nạt.

 

“Chuyện lạ” nữ sinh Sân khấu- Điện ảnh làm giúp việc gia đình
"Mình không thích bị gọi là ô sin. Mình không thích sự kỳ thị, phân biệt với công việc mình đang làm", Ánh nói.

 

“Mình không thích bị gọi là ô sin. Từ đó thường hàm nghĩa coi thường, thậm chí là khinh miệt. Giúp việc gia đình cũng giống như nhiều công việc khác trong xã hội. Tính chất công việc có thể khác nhau nhưng bản chất đều là kiếm tiền chân chính từ sức lao động. Mình không thích sự kỳ thị, phân biệt với công việc mình đang làm”.

 

Kỷ niệm vui nhất của Ánh là lần sinh nhật con gái cô chủ. Hôm đó, Ánh được mời đến tham dự và có cơ hội gặp mặt tất cả anh em họ hàng nhà chủ. Mọi người đều biết Ánh là người giúp việc. Khi gặp, tất cả đều hồ hởi, thân thiện với Ánh như người thân trong gia đình, khiến Ánh không còn cảm giác e dè, ngại ngùng.

 

Nhiều lần, bạn bè của chủ nhà đến chơi, Ánh được giới thiệu là con gái hoặc cháu trong gia đình.Tết, Ánh được mừng tuổi. Sinh nhật hay các dịp đặc biệt khác, Ánh được nhận quà. Những hôm bận ôn thi, cô chú chủ nhà cho Ánh nghỉ làm để tập trung học. Cô chủ thường xuyên hỏi han Ánh việc học ở trường, gia đình dưới quê.

 

“Đi làm với mình trở thành niềm vui, sự mong mỏi vì mình luôn cảm nhận được sự ấm áp của gia đình. Nỗi nhớ nhà cũng vơi bớt. Cô chú còn nhắc nhở, dạy dỗ mình trong ứng xử, giao tiếp. Mình có cảm giác mình là một thành viên của gia đình, chứ không phải người làm thuê”.

 

Theo Thuý An

Tấm gương/Tiền phong

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm