Chuyên gia tâm lý giải mã trào lưu “thổ lộ” của bạn trẻ

(Dân trí) - Theo chuyên gia tâm lý Biện Chương Dương đánh giá về trào lưu Confession, “dùng sự dối trá để dẫn dắt dư luận thì thật sự nguy hiểm”.

Đã từng giảng dạy ở nhiều trường đại học, trung học phổ thông nên thấu hiểu tâm lý của giới trẻ, chuyên gia tâm lý Biện Chương Dương đã đưa ra sự nhìn nhận và những cách lý giải thấu đáo về sự nguồn gốc, hệ lụy của trào lưu mới - Confession.

 
Chuyên gia tâm lý Biện Chương Dương.
Chuyên gia tâm lý Biện Chương Dương.
 

Ông có thể đưa ra cách nhìn của mình về trào lưu Confession được không?

 

Chuyên gia tâm lý Biện Chương Dương: Trào lưu Confession nghe có vẻ mới lạ nhưng thực chất chỉ là một dạng bình mới rượu cũ với hình thức mới lạ thôi. Bởi vì trào lưu “thú tội” này giống như một phiên bản tiến hóa của hộp thư góp ý và việc gửi thư nặc danh của các thế hệ trước.

 

Tất cả đều giống nhau ở đảm bảo bí mật thông tin người gửi, nội dung được định hướng trước, thông tin nặc danh có được công khai hay không chính là do người kiểm duyệt và Admin. Khác nhau chính là việc sử dụng Internet hay chính xác hơn là mạng xã hội thay vì dùng hộp thư giấy như ngày xưa.

 

Ngay khi Internet xuất hiện thì ở Việt Nam đã có hình thức dùng gửi nặc danh để tố cáo, tố giác thông qua email cho các tổ chức, cơ quan ban ngành, nhất là tố giác tham nhũng và các vấn đề an ninh, tệ nạn. Hiện nay, các bạn trẻ Việt Nam tham gia Confession không chỉ để “thú tội” mà chia sẻ những bức xúc, để tỏ tình, để lắng nghe, để lên án, để than thở, …

 

Tại sao trào lưu này lại bùng nổ lúc này?

 

Việc phát triển của Internet và các mạng xã hội chính là nền tảng để trào lưu Confession bùng nổ, kết hợp với nhu cầu được nói (trong an toàn, bí mật) và được nghe (những gì bình thường rất khó được nghe) chính là tác nhân chính cho trào lưu này phát triển một cách mạnh mẽ.

 

Tất nhiên là trào lưu này bùng nổ vì nó mới so với các trào lưu cũ, không có trào lưu nào có thể ở đỉnh cao mãi. Các bạn trẻ vì nhu cầu của chính mình luôn phải tìm một trào lưu mới, một cảm giác mới để thỏa mãn chính mình và thế hệ mình, Confession đã đáp ứng điều ấy.

 
Dưới góc nhìn chuyên gia, trào lưu confessions về thực chất không có gì mới.
Dưới góc nhìn chuyên gia, trào lưu confessions về thực chất không có gì mới.
 

Ông có thể phân tích mặt trái của trào lưu này?

 

Như đã phân tích về bản chất của Confession, chính sự “bí mật thông tin người gửi” là sức hút lớn nhất của trào lưu này cũng là mặt trái và khuyết điểm không thể giải quyết đó chính là độ tin cậy của các lời thú tội, tố giác, than thở, ngỏ lời, bộc bạch, chia sẻ … là không cao.

 

Gần như ta không thể xác nhận được những lời trong Confession là thật hay giả. Và nếu những lời thật được mọi người ủng hộ vì giúp chúng ta biết những đánh giá của người khác về mình, giúp ta phải hiện những bí mật chưa từng được “khai quật”, thì chúng ta sẽ đối diện với những thông tin giả xen lẫn, khi ta tin những thông tin đó là thật thì hậu quả cực kỳ đáng sợ.

 

Vậy có những hệ lụy nào phát sinh từ trào lưu Confession này?

 

Hệ lụy lớn nhất là khi những dữ kiện giả được tin là thật và thậm chí là dấy lên một làn sóng “ném đá” theo hướng mà thông tin giả đã chỉ. Trớ trêu thay, Confession một trào lưu theo hướng thú tội và khá nhiều học trò của tôi đã chia sẻ rằng mình đã “thú tội” giả với Confession.

 

Bịa đặt một cô giáo đòi tiền mình, dối trá một thầy giáo có hành vi quấy rối, xuyên tạc một người bạn ngoan hiền, tỏ tình để cho vui, hăm dọa để đối tượng lo lắng, hoảng sợ. Thậm chí nhiều bạn còn đua nhau bịa ra những câu chuyện thú tội đầy cảm động nhắm lấy nước mắt mọi người,….

 

Khi búa rìu dư luận đi theo một sự dối trá thì thật đáng sợ. Và đáng sợ hơn chính là rất khó để xác nhận những lời trong Confession là thật hay giả, ngay cả khi nhiều lời “thú tội” cùng “ném đá” một hướng.

 

Học trò tôi từng “thú tội” đã dùng nhiều văn ngôn khác nhau để giả làm nhiều người nhằm trêu chọc một bạn trong lớp, chưa kể với sự phối hợp của một nhóm nhỏ thì các bạn ấy dư sức tạo ra một nhóm lớn ảo đồng cảnh ngộ. Một trào lưu “viết những điều không dám nói an toàn” bị biến thành trào lưu “dùng sự dối trá để dẫn dắt dư luận” thì thật sự nguy hiểm.
 
Bên cạnh những thổ lộ chân thành, không ít chia sẻ của bạn trẻ có phần bịa đặt

Bên cạnh những thổ lộ chân thành, không ít chia sẻ của bạn trẻ có phần "bịa đặt"

 

Ông có thể đánh giá vai trò của nhà trường, gia đình, Đoàn hội, … đối với các trào lưu Confession cũng như cách dùng mạng xã hội Facebook của giới trẻ hiện nay?

 

Nhà trường, gia đình, Đoàn hội cần giúp cho các bạn trẻ có cơ hội thú tội, đấu tranh, lên án, chia sẻ… ở ngoài đời, ở thực tế nhiều hơn nữa chứ không phải trên một thế giới ảo với sự dấu mặt và ẩn mình.

 

Phụ huynh nếu lắng nghe con mình chân thành, không phải nuôi con bằng sự vô tâm hay bạo lực thì những lời thú tội thực tế và trực tiếp sẽ chính sự gắn kết giữa cha mẹ và con cái. Bởi vì có nhiều đứa con thú tội với Confession được dư luận đồng tình ủng hộ, tiếc rằng chính cha mẹ của họ lại không được nghe thấy.

 

Nhà trường, Đoàn hội cần phát huy phong trào Phê bình và tự phê bình, tất nhiên là việc sau khi góp ý học sinh bị vùi dập hoặc là ý kiến chính đáng bị “chìm xuồng” thì khiến cho phong trào này chỉ còn hình thức mà thôi.

 

Các trào lưu trên trên thế giới ảo nói chung và facebook nói riêng chính là phản ánh thực tế các bạn chưa được thỏa mãn. Và như trào lưu Confession cũng chính là sự thể hiện trong thực tế các bạn không thể nói, không dám nói, không được nói. Vậy hãy tạo môi trường thực đáp ứng nhu cầu của các bạn, lúc đó mọi việc sẽ trong tầm kiểm soát hơn.

 

Cám ơn chuyên gia về những chia sẻ hữu ích này.

 

Hoàng Dung (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm