Chuyện đầu mùa mưa
1. Sài Gòn chỉ có hai mùa: Một mùa nóng và một mùa… nóng hơn! Cách đây vài tuần, người Sài Gòn ở trong một mùa nóng hơn như thế. Nóng từ hè phố nóng lên Facebook…
…Nhân viên văn phòng ngáp lên ngáp xuống vì trời quá nóng, mất ngủ. Người già bị cơn nóng hành hạ. Còn sinh viên trong phòng trọ chật chội, bật quạt hết cỡ mà hơi nóng vẫn phả vào mặt. Ngồi giảng đường sao chỉ muốn lao đi, nhảy ùm xuống hồ bơi giải nhiệt.
Bởi vậy, khi ông trời nhỏ những giọt mưa đầu tiên, dân tình vui mừng như đang có hội. Cảm nhận rõ nhất khi lên Facebook, thấy ngập tràn hình ảnh và những dòng cảm xúc sung sướng vì mưa.
Có nàng hot girl đăng trạng thái: “Mưa đầu mùa mát quá!”, cũng nhận được cả triệu “like” và hàng ngàn “comment”. Chuyện mưa đã giúp cô nàng tăng lượng “like” đáng kể sau những ngày đìu hiu Facebook. Bởi mưa là trông đợi kéo dài, dồn nén và vỡ òa trong cảm xúc của quá nhiều người.
2. Tỉnh miền Trung quê tôi được xếp vào hạng ít mưa nhất Việt Nam. Oái oăm thay, đa phần người dân trong vùng lại sống bằng nông nghiệp. Mà nông nghiệp nơi đây lại phụ thuộc phần lớn vào nước trời. Mưa về, cá tôm mới ngược dòng lên những con thác trên vùng núi.
Khi những trận mưa thấm xuống vài tấc đất, người nông dân mới xới đất lên trồng sắn, tỉa bắp, gieo hom mía. Vào ngày mùa, người làm công mới có việc làm. Chợ búa sẽ bán được hàng hơn vì nhu cầu tăng cao hơn.
Thật khó tả khi sống trong cái không khí chờ mưa đầu mùa của người nông dân quê tôi. Khi những bồ hạt giống đã chất đầy góc nhà, những chú bò khỏe được bồi bổ kỹ càng chuẩn bị làm nhiệm vụ thì những trận mưa vẫn chưa chịu đến.
Những ánh mắt đăm chiêu dõi theo đám mây đen lấp ló sau núi. Chiều tưởng chuyển mưa rồi mây lại tan đi, để lại cái nắng gắt gao. Chuyện không biết lúc nào thì mưa là chủ đề được người ta nói hằng ngày, nghe nhiều đâm ra như không nghe thấy gì nữa.
Sự chờ đợi khó khăn luôn mang đến xúc cảm vỡ òa. Và sau trận mưa đầu mùa, những tiếng “tắc, rì, dí, thá” trên cánh đồng, những vạt xanh nhú lên, cành non ra lộc, những vạt sắn, rẫy mía phủ lên màu xanh non, gợi một cảm xúc thật đặc biệt. Trên các ngả đường, người ta ríu rít hỏi nhau năm nay trồng cây gì, bỏ phân gì, trồng bao nhiêu mẫu…
Dù diễn biến thời tiết tiếp theo thế nào, thì sau khoảng hai trận mưa đầu mùa, người ta chỉ nhắc đến hai chữ “mừng ghê” trong câu chuyện của mình. Không mừng sao được khi tất cả nguồn sống của nhiều gia đình trông cậy vào nương rẫy hoa màu. Khi những mầm non nhú lên đều, người nông dân bắt đầu có thể nghĩ đến chiếc xe máy, cái laptop cho những đưa con sinh viên đang học ở thành phố. Nói nghe đơn giản nhưng sống đời nông dân như ba má tôi thì mới thực sự hiểu hết sự đánh cược khắc nghiệt giữa con người với đất và trời.
3. Mấy năm đại học, tôi luôn được nghỉ Hè về quê, đúng khi những trận mưa đầu tiên thấm xuống lớp đất cát nóng bỏng. Về ngồi trên ngọn đồi, có thể hít hà được mùi cỏ non và cảm nhận được sự hồi sinh từ lòng đất. Những trận mưa đầu mùa và hình bóng ba tôi, người nông dân khắc khổ đau đáu mong chờ cơn mưa đầu luôn choán đầy tâm trí tôi.
Nơi mảnh đất cằn cỗi này, những người đàn ông như ba tôi đã đổ mồ hôi, máu và cả nước mắt để duy trì cuộc sống cho gia đình và tương lai của con cái. Tôi nhớ những mùa vui được mùa và cả những nỗi buồn năm thất bát. Mong sao luôn là niềm vui, niềm lạc quan theo những cơn mưa đầu mùa thấm xuống thảo nguyên bao la.
Mỗi khi về quê, anh lớn của tôi thường mở bài nhạc cha hay nghe đúng vào lúc sáng sớm, trước khi lên rẫy. “Người còn đó nhưng lời nói rơi về chân đồi. Người còn đó nhưng trong tim máu tuôn ra ngoài. Nhuộm đất này, nhuộm cho hồng hạt mầm trót vay”… Chuyện đầu mùa mưa, với sinh viên chúng tôi không chỉ là chuyện thời tiết, mùa màng.
Đó là chuyện của niềm hy vọng và đức hy sinh, hết lòng “vun xới” cho tương lai con cái của mẹ cha. Và chúng tôi ở thành phố luôn tự nhắc mình phải học hết sức. Bởi sau những hy sinh của ngày nắng hạn, phải là lúc những niềm hy vọng đâm chồi, kết sinh hoa trái.
Theo Thảo Hương
Sinh viên Việt Nam