Chuyện “cổ tích” chàng trai tìm lại được tiền về quê ăn Tết nhờ mạng xã hội
(Dân trí) - Nhờ lòng tốt của một phụ nữ sống ở xóm trọ, cùng với sức mạnh của cộng đồng mạng, em Phạm Văn Sang (quê Thanh Hoá) tìm lại được số tiền 17,5 triệu đồng dành dụm về quê ăn Tết. Số tiền này bị Sang đánh rơi ở Tân Thành, Vũng Tàu.
Sáng ngày 5/2, em Phạm Văn Sang (SN 1992, quê ở Thanh Hoá) đánh mất ví tiền tại xã Mỹ Xuân, Tân Thành, Vũng Tàu. Trước khi mất, trong ví gồm có số tiền hơn 17,5 triệu đồng cùng một số giấy tờ mang tên Sang.
Số tiền nói trên là toàn bộ những gì Sang tích cóp được sau một năm làm việc vất vả cộng với tiền thưởng Tết. Em đang trên đường về quê nghỉ Tết thì bị nhỡ xe, phải trọ lại tại nhà nghỉ Thanh Thảo.
Lo lắng vì mất của, chàng trai trẻ này đã bật khóc. Chứng kiến hoàn cảnh khó khăn của Sang, chị Đào Thị Thảo - chủ nhà nghỉ đã giúp em chia sẻ thông tin tìm đồ đánh rơi lên mạng xã hội.
“Thấy cháu mất đồ, cả nhà chúng tôi đều buồn theo. Tôi đăng lên mạng với hi vọng phép màu xảy ra, tìm lại được chiếc ví, ít nhất có thể lấy lại được giấy tờ tùy thân cho cháu”, chị Thảo chia sẻ.
Trên mạng xã hội, chị Thảo viết: “Sáng ra là chuyện thế này mong mọi người nhủ lòng thương cho em ý nhé. Đêm qua em về quê Hà Trung, Thanh hóa bị trễ xe nên ghé nhà tôi nghỉ, 7h em trả phòng, tôi trả lại CMND cho em. Em nhận rồi đi thẳng ra Quốc lộ 51 đón xe. Em ghé quán phở ăn sáng, khi xong lôi bóp trả tiền thì bị mất. Em chạy lại đi tìm nhưng không thấy đã vào nhà tôi hỏi. Thấy em khóc cả nhà buồn theo em. Em nói giờ không có tiền trả tô bún, không còn gì cả.
Cả năm em đi làm dành dụm được 17.500.000 trong ví và một biên bản xử phạt bằng lái ô tô A2 1 CMND mang tên Phạm Văn Sang, quê quán Hà Trung, Thanh Hóa. Ai nhặt được trả lại cho em. Sẽ nhận lại được gấp ngàn lần nhé mọi người.
Hãy vì tình người biết rằng 17.500.000 không phải số tiền nhỏ của người đi làm công ăn lương. Nhưng tấm lòng không tham của người nhặt được trả lại còn tốt gấp ngàn lần nhé mọi người. Thương em nhưng gia đình chỉ giúp em được tiền xe về quê”.
Gia đình chủ nhà nghỉ giúp đỡ Sang ổn định tâm lý, cho em một số tiền để em bắt xe về quê nhưng em không nhận.
May sao trong lúc chờ chuyến xe kế tiếp để về quê, Sang nhận được thông tin có người nhặt được chiếc ví như trong miêu tả trên mạng.
Hai người đàn ông đến nhà nghỉ Thanh Thảo xác nhận thông tin chính xác rằng Sang là chủ nhân chiếc ví, sau đó mới đưa em tới gặp người nhặt được của rơi.
Nhặt được của rơi là một phụ nữ trung niên, sống tại xóm trọ, cách nhà nghỉ nơi Sang đang trọ chỉ vài trăm mét.
Người phụ nữ nhặt được chiếc ví của Sang cho hay, chị nhặt được của rơi từ sáng nhưng vì bận đi làm nên tạm cất, chờ tìm cách trả lại. Mãi tới giờ tan tầm chị mới có thời gian lên mạng. Biết được người đánh mất là Sang nên đã nhờ người quen đến để xác nhận thông tin, trả lại chiếc ví cho Sang.
Nhận lại được chiếc ví có đầy đủ giấy tờ và số tiền 17.526.000 đồng, Phạm Văn Sang rất xúc động: “Em không ngờ có thể tìm lại được số tiền đã mất vì rằng em đã xác định là mất rồi nhưng mong tìm được giấy tờ. Em cảm ơn cô, cảm ơn tất cả cộng đồng mạng đã chia sẻ, giúp đỡ em rất nhiều”.
Sang cho biết, nhiều người gọi điện cho em, an ủi, động viên. Một số người còn muốn gửi tiền giúp đỡ cho Sang nhưng em từ chối vì không muốn bị người khác nghĩ mình lợi dụng hoặc bịa ra câu chuyện mất tiền để kiếm tiền.
Như vậy là, chỉ từ sáng cho tới chiều muộn ngày 5/2, em Phạm Văn Sang đã nhận tìm lại được chiếc ví đánh rơi, nhờ sự giúp đỡ của những người có tấm lòng nhân ái và cộng đồng mạng.
Người phụ nữ trả lại chiếc ví cho em Sang (hiện chưa rõ danh tính - PV) chia sẻ với chị Thảo chủ nhà nghỉ rằng khi nhặt được chiếc ví có nhiều tiền như vậy chị rất “run” và lo lắng cho người mất của, may mắn đã trả được nên lòng chị cảm thấy rất thoải mái. Chị là một người làm công, hoàn cảnh nghèo khó nhưng không tham của rơi.
Khép lại câu chuyện mất ví rồi lại tìm được của em Phạm Văn Sang, cộng đồng mạng hết lời ca ngợi hành động trả lại của rơi của người phụ nữ sống ở xóm trọ nghèo, cũng như sự giúp đỡ của những người xung quanh. Đồng thời dân mạng cũng gọi câu chuyện này là một “phép màu”, một câu chuyện “cổ tích” nho nhỏ giữa đời thực.
Mai Châm
Ảnh: Đào Thị Thảo