Chuyện chàng trai “đặc biệt” với sở thích “kỳ quặc”

(Dân trí) - 26 năm qua Hà Văn Chương chưa được một lần nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Nhưng với nhạc sỹ trẻ khiếm thị này niềm yêu đời, yêu cuộc sống rất lấp lánh, Chương bảo sở thích của anh rất nhiều, thậm chí đôi khi còn bị xem là kỳ quặc...

Khi chơi nhạc, hình như Chương cũng không còn để ý gì đến không gian xung quanh: căn phòng trọ khá bừa bộn, thậm chí hơi nhếch nhác mà anh được bố trí ở miễn phí tại KTX Học viện Âm nhạc Quốc gia.

Con đường để trở thành sinh viên cúa khoa Nhạc cụ truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam với Chương không hề dễ dàng chút nào. Từ năm 2 tuổi, cậu bé Chương ngày ấy đã sớm “làm quen” với bóng tối khi đôi mắt từ cận thị chuyển hẳn sang… khiếm thị. “Bị mù từ sớm, nên mình cũng không phải bứt rứt, khổ đau với hoàn cảnh lắm. Thế mà cũng dễ sống”, Chương cười bảo.

Chàng trai “siêu” ngoại ngữ

Tuy bị khiếm thị, nhưng sở thích của Chương thì vẫn như bạn bè cùng trang lứa, đặc biệt thích được đến trường. Ở huyện Bình Sơn hồi ấy vẫn chưa có trường lớp dành cho học sinh khiếm thị, vì vậy năm 12 tuổi Chương đã phải xa gia đình ra Đà Nẵng học ở Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Năm 7 tuổi, Chương cũng đã bắt đầu làm quen với nốt nhạc trên cây đàn ghi ta của người chị gái.

Bảng thành tích của Chương thật đáng nể: 12 năm liền là học sinh giỏi, giải nhì toàn quốc cuộc thi viết về môi trường “Hành tinh xanh mãi mãi”, giải ba học sinh giỏi văn, giải nhất thuyết trình văn học, giải nhì hùng biện tiếng Anh và giải ba học sinh giỏi tiếng Anh của thành phố Đà Nẵng. Không những giỏi văn hóa, Chương còn rất giỏi ngoại ngữ và từng đạt giải trong cuộc thi quốc tế “Viết thư cho UPU”. Hàng ngày, cậu vẫn tự cập nhật kiến thức cho mình bằng việc lên mạng internet thông qua phần mềm dành cho người khiếm thị hoàn toàn bằng tiếng Anh.

“Nghe, hiểu được tiếng Anh lợi lắm, vì mọi kiến thức trên thế giới đều được chuẩn hóa qua tiếng Anh. Cũng nhờ vốn ngoại ngữ này mà mình học trở nên dễ dàng hơn”, Chương nói. Chương luôn mang theo bên mình một cái radio nhỏ để “cập nhật” thông tin, thi thoảng lại giải trí bằng những bài hát tiếng Anh yêu thích.

Chương kể, có lần đến một quán ven đường mua hàng, tình cờ gặp ông Tây cũng mua hàng mà bà chủ quán lại không biết tiếng Anh. Vậy là cậu đứng ra phiên dịch giúp luôn. Cậu nói tiếng Anh lưu loát đến nỗi ông Tây không nghĩ cậu là một người khiếm thị, vì lúc đó cậu đeo kính đen giống như người bình thường đeo kính râm vậy. Mãi đến khi thấy cậu bước đi chập chững, lần mò thì ông Tây mới hiểu ra, rồi chạy lại giúp cậu và còn kêu hẳn xe ôm để Chương về nhà.

Chuyện chàng trai “đặc biệt” với sở thích “kỳ quặc” - 1

Chỉ có nỗ lực học tập mới giúp mình thành công (Ảnh: Sông Lam)

Bạn bè học một, mình phải học mười

Năm 2004, từ cậu học sinh Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu - Đà Nẵng, Chương làm mọi người bất ngờ khi đỗ thủ khoa chuyên ngành đàn bầu hệ trung cấp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Với sự giúp đỡ tận tình của NSND Tường Vi, NSND Thanh Tâm và nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, năm 2006, Chương tiếp tục thi đỗ vào hệ đại học của Học viện ANQGVN với điểm số khá cao.

Học âm nhạc đòi hỏi một sự khổ luyện, với người khiếm thị như Chương càng khổ luyện gấp nhiều lần. Ở lớp Chương không nhìn thấy những gì thấy viết trên bảng thì nhờ bạn đọc thành lời để chép lại bằng ký hiệu nổi Braille, hoặc thu băng nội dung sách giáo khoa rồi về mày mò tự nghiên cứu. Bài tập thầy giao, các bạn trong lớp chỉ về tự tập, Chương phải nhờ thầy đánh đàn rồi ghi âm lại mới tập được.                                   

“Mình bị khiếm thị nên thời gian rỗi nhiều hơn với bạn bè. Trong lúc bạn bè có thể vui chơi giải trí thì mình lại học, học đêm, học ngày, mà với mình thì ngày cũng như đêm thôi”, Chương nói rất thật lòng. Nói về bản thân mình, Chương vẫn nói nhẹ như không: “Mình không phải là người tàn tật, chỉ là một sự khiếm khuyết… nhỏ”.

Nhạc sỹ cũng phải có nền tảng văn hóa

Chương bảo sở thích của anh rất nhiều, thậm chí đôi khi còn bị xem là kỳ quặc. Mặc dù bị khiếm thị nhưng anh rất thích lang thang giữa Hà Nội, ngồi uống cốc trà nóng bên vệ đường để trò chuyện với cậu bạn thân hoặc ra hồ Tây nghe… cây cối thở. “Để khẳng định mình là một nhạc sỹ có tài thực sự không đơn giản chút nào. Nhạc sỹ không chỉ là người có kiến thức về âm nhạc mà còn phải có nền tảng về văn hóa, về vốn sống”, Chương chia sẻ với tôi về những dòng nhạc “sến”, nhạc “thị hiếu, thị trường” đang làm nhiều nhạc sỹ trẻ ngộ nhận về chính mình hiện nay.

Bản thân Chương hiện cũng đã có hơn 100 ca khúc của mình, đặc biệt anh đã cho ra 2 album được đông đảo bạn trẻ yêu thích là “Món quà của sóng” và “Khúc ca 20”. Điều dễ nhận thấy các ca khúc anh viết luôn sôi nổi, mạnh mẽ và lạc quan như chính con người anh. “Mình chưa bao giờ bi quan, và lại càng không yếu đuối. Ai cũng chỉ có mấy mươi năm để sống, nên phải sống cho có ý nghĩa, hữu ích”, Chương bảo.

Trong các ca khúc, Chương đặc biệt dành nhiều bài viết về tình yêu. Trong sâu thẳm tâm hồn của anh vẫn khát khao về tình yêu đôi lứa như anh đã thú nhận: “Mình đã từng yêu và được yêu, cũng đã có lúc vui, lúc buồn. Phải chăng đó cũng là những trải nghiệm thú vị để ca khúc của mình đến được với nhiều bạn trẻ hơn”.

Ngoài đề tài tình yêu, Chương còn dành nhiều bài để viết về những vấn đề xã hội như ma túy, mại dâm, về những con người có hoàn cảnh thiệt thòi… Em không thấy trời xanh, em không thấy biển xanh, mà chỉ nghe lời ru buồn của bà… à ơi, à ơi…, không ít người đã rơi lệ khi nghe ca khúc “Ánh sáng đời tôi”, một tự sự của chính người có cùng hoàn cảnh.

Chuyện chàng trai “đặc biệt” với sở thích “kỳ quặc” - 2

Mình chỉ đi hát chứ không... xin hát bao giờ (Ảnh: Sông Lam)

Mình chỉ đi hát chứ không đi… xin hát

Xa gia đình từ năm 12 tuổi, nên Chương phải tự lập tất cả mọi thứ. Thậm chí, để có thể học ở Hà Nội cậu cũng phải bươn chải tự kiếm sống vì gia đình cậu rất nghèo. Ngoài giờ học, cậu tranh thủ đến hát và chơi đàn tại các phòng trà, sân khấu ca nhạc, bằng niềm đam mê cháy bỏng và khát vọng vươn lên không ngừng.
 
Dù rất cần tiền để trang trải cuộc sống, nhưng không phải chương trình nào, người nào mời là Chương cũng nhận. “Có nhiều người mời mình hát để kinh doanh bằng lòng thương hại của công chúng, mình thẳng thừng từ chối ngay. Mình đi hát chứ chưa bao giờ đi… xin hát”, Chương nói. Theo cậu thì những gì cậu học được ở trường, ở cuộc sống phải phục vụ cho những mục đích tốt đẹp. Và đó cũng là cách để cậu chứng tỏ là người khiếm thị vẫn có thể sống và vươn lên như bao người bình thường khác.

Cho đến nay, Chương là ca sĩ, nhạc sĩ khiếm thị đầu tiên ở Việt Nam phát hành album riêng. Anh cũng đã nhận được rất nhiều huy chương cho những nỗ lực phấn đấu của mình: 8 huy chương vàng trong các cuộc thi đơn ca và đàn bầu; được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Thể dục-Thể thao; tham dự trại Nghệ thuật “Art fỏ All” tại Thái Lan 2007 và là 1 trong 13 cá nhân xuất sắc vinh dự nhận giải thưởng Mãi mãi tuổi 20 năm 2008.

Sông Lam