Chứng chỉ quốc tế bạn có chưa?
Không chỉ là IELTS mấy “chấm” hay TOEFL mấy trăm. Đã có nhiều người Việt trẻ mang về cho đất nước mình những danh hiệu quốc tế, những chứng chỉ toàn cầu từ hoạt động nghề nghiệp mang tính chuyên nghiệp cao của họ. Một số người gọi đó là “tinh thần hội nhập sớm”.
Chứng chỉ quốc tế: Thước đo đẳng cấp và sự chuyên nghiệp
Khi anh chàng Lê Đình An, kỹ sư công ty ISP đạt được chứng chỉ CCIE (Cisco Certified Internetwork Experts) thì giới công nghệ thông tin ở Việt Nam bắt đầu "tập đếm": "Đây là người Việt Nam thứ 3 nhận được chứng chỉ nghề nghiệp quan trọng này". Hai người đầu tiên là Hứa Văn Thế Phúc (Trung tâm đào tạo và phát triên nguồn nhân lực CNTT EIS) và Trần Tiên Phong (FPT).
Ai đã từng theo đuổi lĩnh vực công nghệ thông tin hẳn đã hơn 1 lần mơ ước đến những chỉ quốc tế này. Bởi chứng chỉ không chỉ khẳng định đẳng cấp và sự chuyên nghiệp của cá nhân ai đó mà còn góp phần cho sự trưởng thành của quốc gia anh ta. Khi ấy đẳng cấp được đánh giá bằng thước đo toàn cầu.
Giờ thì Việt Nam đã có hơn 10 tiến sĩ Cisco. Nhưng con số ấy vẫn là "hẻo lánh" so với hơn 11.000 CCIE trên toàn thế giới. Nhiều tập đoàn đã quen đánh giá trình độ công nghệ thông tin của quốc gia bằng số lượng các tiến sĩ Cisco. Những công ty làm việc trong lĩnh vực mạng của Việt Nam hiểu được rằng chứng chỉ đó quan trọng như thế nào và có được nó khó khăn ra sao. Nhưng sự thật là nhiều người trẻ đã làm được, đã có được. Khi là tiến sĩ Cisco, Lê Đình An 25 tuổi và Trần Tiên Phong 24 tuổi.
Khi các doanh nghiệp, công ty Việt Nam chưa thể sánh ngang với những tên tuổi lớn trên thế giới thì một số cá nhân trẻ tuổi đã làm được điều này. Khi nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng phía cuối ở nhiều bảng xếp hạng thế giới thì một số cá nhân trẻ tuổi đã có những bứt phá ngoạn mục. Trong rất nhiều ngành nghề trên thế giới, những gương mặt sáng giá nhất đã có những cái tên hoàn toàn Việt Nam.
Đơn cử một lĩnh vực khác: nghề kiểm toán. Việt Nam hiện đã có khoảng 100 kiểm toán viên được cấp chứng chỉ quốc tế. Phần lớn các chứng chỉ này do Hiệp hội kế toán công chứng Anh (ACCA) cấp, một số khác là chứng chỉ đóng dấu Mỹ, Hồng Kông, Malaysia, Singapore... Những người sở hữu các chứng chỉ này hoàn toàn có thể làm việc ở những công ty kiểm toán hàng đầu trên thế giới và ở nhiều quốc gia khác nhau.
Trong các giờ học kỹ thuật chế biến món ăn, sinh viên trường Cao đẳng du lịch Hà Nội vẫn thích được nghe câu chuyện về Thomas Keller, người đã từng nhận được giải thưởng đầu bếp giỏi nhất thế giới trong cuộc thi World Master of Culinary Art.
Sinh viên theo học ở lĩnh vực kinh doanh hẳn vẫn còn ngưỡng mộ nhân vật được MarketWatch, tờ báo của tập đoàn Dow Jones chọn là Giám đốc điều hành tốt nhất năm qua. Nhân vật này là Michael Johnson, giám đốc điều hành của công ty dược Herbalife Ltd...
Vừa qua, hướng dẫn viên trẻ tuổi Vũ Minh Thọ cũng đã xuất hiện trong danh sách 11 "Hướng dẫn viên du lịch giỏi nhất thế giới" do tạp chí du lịch của Anh Wanderlust với độc giả từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ bình chọn. Đây là người Việt Nam đầu tiên có mặt ở danh sách này.
Thọ tourguide và “Hướng dẫn viên du lịch giỏi nhất thế giới”
Vũ Minh Thọ trong vai trò hướng dẫn viên du lịch. (Ảnh: VNN) |
Trò chuyện với phóng viên, Vũ Minh Thọ nhắc đến từ "may mắn" khi cậu ta nhận được sự đề cử quan trọng này. Nhưng nhiều người nói rằng: may mắn không đi lạc đường đến những nơi không có sự nỗ lực và phấn đấu.
Thời còn là cậu sinh viên K44 khoa Du lịch, ĐH KHXH&NV, Thọ phải chấp nhận thi lại vài môn để có được những tour thực tế, những chuyến đi mềm nhũn chân trên bậc đá Chùa Hương. Và tính từ thời sinh viên đến giờ Thọ không thể nhớ nổi mình đã có bao nhiêu tour với bao nhiêu công ty du lịch lữ hành: Kim Cafe Travel, Trecking Travel, Saigontourism, Bến Thành, Exotisimo, Asian Trail of Indochia...
Nhưng sau ngần ấy những công ty đã qua Thọ ví von mình như một "tên hát rong". Mọi việc dần đổi khác khi Thọ được đề cử vào chức CSM (Customer Service Manager) của Buffatotous và nhận thấy vai trò của sự chuyên nghiệp. Và ở Công ty du lịch quốc tế Interpid bây giờ Thọ càng có đất để tìm kiếm sự chuyên nghiệp cho mình.
"Mình bắt đầu học cách quan sát ngay chính khách hàng của mình. Đó có thể là những cô cậu người nước ngoài bằng tuổi cũng có thể là những vị đại sứ từ Anh, Úc, Canada... Mình tìm những điều họ thực sự cần trong mỗi chuyến đi. Mình quan sát các Tour Leader người nước ngoài để học họ đơn giản là một nét mặt biểu cảm, một cử chỉ hoà đồng. Sự chuyên nghiệp với mình là những điều rất cụ thể: chính xác về lịch trình, cầu kỳ về tổ chức và hiệu quả tốt nhất có thể trên từng phút...".
"Với nghề của mình, những pha xử lý tình huống sẽ quyết định đến sự thành bại của tour. Mình đã từng đưa khách đi vịnh Hạ Long vào những hôm trời mưa, mà bạn biết đấy, thăm vịnh mà mưa thì bể tour là chắc rồi. Mình đã kiếm được một gương mặt tự nhiên nhất có thể để thông báo với khách về chuyện thời tiết xấu và thu hút mọi người bằng một chương trình khác: cắt tóc tập thể ngay tại sảnh khách sạn. Trước khi xuống Hạ Long mình đã biết một anh chàng người Ý có biệt tài cắt tóc đẹp mà".
Những người trở về từ chuyến đi đã nói rằng: chưa bao giờ họ có được một buổi cắt tóc vui như thế, không ai quan tâm đến trận bão ngoài vịnh, họ hoàn toàn bị lôi cuốn bởi anh chàng hướng dẫn viên có tài tổ chức và lôi kéo mọi người. Và chính những người khách trong tour hôm ấy đã đề cử Thọ vào danh hiệu này.
"Mình làm ở Intrepid, cũng là một mô hình du lịch trẻ của Úc. Mình có những tour mà mọi hoạt động đều là optional: không chương trình, không ai biết trước kịch bản... Và ngày nào cũng là một bất ngờ thú vị. Tuỳ từng đối tượng khách, mình thay đổi và nhào nặn chương trình: thay vì đi tham quan bảo tàng mình đề xuất chuyến Mekong 1 ngày hay đạp xe ở Huế về những vùng nông thôn. Một chương trình karaoke vui nhộn cũng hấp dẫn những du khách trẻ trong một đợt suýt bể tour...".
Hãy thử tưởng xem, lần đầu tiên có một cái tên Việt Nam đặt cạnh các tài năng du lịch đến từ Peru, Nepal, Ấn Độ, Myanmar, Sri Lanka... Chat với Minh Thọ khi cậu ta đang rong ruổi ở Nha Trang, Thọ bảo: "Hơn tất cả mọi lần, lần này máu tự tôn dân tộc sôi lên ở trong cơ thể mình nhiều nhất. Nếu như ngày trước mình nỗ lực để hoàn thành công việc cho bản thân thì bây giờ mình hiểu: mình đang làm nhiệm vụ tiếp thị chính đất nước và con người Việt Nam cho bạn bè thế giới".
Những người trẻ thường thích tự khẳng định mình, đi đầu trong quá trình hội nhập vậy chẳng phải những chứng chỉ quốc tế, những thước đo toàn cầu, những danh hiệu "giỏi nhất" này không phải là cách để khẳng định mình tốt nhất hay sao? Bạn đã sẵn sàng cho cuộc chinh phục này chưa?
Theo Phạm Thu Hà
Sinh Viên Việt Nam