Chọn ngày đẹp xuất hành, SV vẫn méo mặt sau Tết

(Dân trí) - Kiêng xuất hành mùng 7, Ngọc (CĐ TM & DL) lên HN ngay từ mùng 4 đi chơi và hi vọng xe vắng khách, ai dè xe giá cao mà lên tới nơi lại đối mặt với giá đồ ăn cao hơn ngày thường.

Mùng 8 Tết là thời điểm mà hầu hết các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn HN bắt đầu cho sinh viên đi học trở lại. Với tâm lý “chớ đi ngày 7, chớ về ngày 3”, nhiều SV ở xa HN chọn ngày mùng 6 xuất hành. Nhưng cũng có những sinh viên sợ cảnh chen chúc đã lên HN từ ngày mùng 4, mùng 5 với hi vọng xe vắng khách.
 
Chọn ngày đẹp xuất hành, SV vẫn méo mặt sau Tết - 1

Những chuyến xe đông là nỗi e dè của SV khi hết kì nghỉ Tết
 
Chọn ngày đẹp, Ngọc (CĐ TM & DL) lên HN từ mùng 4 hẹn bạn đi Văn Miếu đầu năm, ai dè xe giá cao hơn ngày thường. Ngọc yên tâm xe sẽ đi qua đường Xuân Thủy như mọi ngày, không ngờ gần đến nơi, chủ xe nói khéo: “Em thông cảm, hôm nay xe chỉ có một mình em đi qua đường Xuân Thủy, nhà xe đi đường Phạm Hùng. Tới cầu vượt em xuống, chịu khó đi bộ hoặc bắt xe ôm” rồi trả Ngọc… 5000đ nói là thêm tiền cho Ngọc đi xe ôm. Đường phố mùng 4 ướt mưa, vắng vẻ, lại lên chuyến sớm, Ngọc đành lụi hụi kéo đống hành lý nặng trịch về phòng trọ.

Lên HN vào ngày mùng 5, Hoa trọ ở Phú Mỹ, Mỹ Đình lên tới nơi lại đối mặt với việc khó khăn tìm đồ ăn. Chưa kể giá đắt, đồ ăn những ngày này cũng không được tươi ngon như ngày thường. Hầu hết các chủ quán đều tích trữ thực phẩm dài ngày trong tủ lạnh.

Hoa đi tìm mua bánh ngọt mà cả dãy phố mà ai cũng lắc đầu, nói “giờ này thì bói đâu ra bánh ngọt hả em”. Cuối cùng Hoa quay trở lại quán quen trên đường Lê Đức Thọ ăn bún cá.
 
Bát bún cá ngày thường 20.000đ thì hôm nay tăng lên 30.000đ mà chỉ lèo tèo mấy miếng cá. Mặc dù thấy miếng cá rán mùi vị không được tươi nhưng Hoa vẫn chép miệng cho qua. Kết quả là sáng hôm sau Ngọc bị tiêu chảy cấp, đau bụng thừa sống thiếu chết, phải uống oresol bù nước.

Hoa tâm sự: “Biết vậy em ở nhà thêm mấy hôm nữa, bạn em bảo mùng 7 đi cùng ô tô riêng nhà bạn ấy lên trường mà em kiêng ngày xấu, ai dè lên sớm vừa buồn mà mua đồ lại chẳng ra làm sao. Không thì chịu khó mang đồ ăn ở nhà lên cũng được, lúc mẹ gói đồ cho mang đi thì em cứ gạt đi: thôi thôi, trên đó thiếu gì chỗ bán đồ ăn đâu ạ”.

Sáng mùng 5, M.H (ĐH Hà Nội) ăn bát phở bò trên đường Huỳnh Thúc Kháng với bạn. Bát phở lèo tèo vài miếng thịt mà có giá 45.000đ/bát. Hai bạn phải gọi thêm một bát thịt nhỏ, đến lúc thanh toán mới tá hỏa bát thịt “con con” kia có giá 50.000đ, đắt hơn so với việc gọi thêm một bát phở.
 
Chọn ngày đẹp xuất hành, SV vẫn méo mặt sau Tết - 2

Một bát phở bò ngày Tết thường cao hơn ngày thường 20-30.000đ

Thắc mắc thì chủ quán gắt um lên, hỏi có biết thực phẩm ngày Tết đắt thế nào không. Không muốn đôi co, M.H đành bấm bụng trả 140.000 cho hai bát phở và một bát thịt. Với đa phần SV thì giá đồ ăn như thế này là quá sức chi trả.

Thời điểm này chưa nhiều hàng quán mở lại. Khách đông, quán ít, hầu hết các bạn trẻ đi ăn đều phải chấp nhận cảnh chờ đợi dài cổ mới tới lượt. Để chủ động và tiết kiệm chi phí trong những ngày giá cả bất ổn này, các bạn SV, đặc biệt là những SV năm nhất chưa có kinh nghiệm nên mang thêm đồ ăn dự trữ ở nhà.
 
Ngọc kể năm trước bạn mang rất nhiều rau sạch, bánh chưng, trứng từ nhà lên, đủ ăn được trong vòng một tuần, đợi giá cả bình ổn trở lại. Nhưng năm nay chỉ vì ngại tha lôi lỉnh kỉnh mà cuối cùng Ngọc phát sinh bao nhiêu khoản chi tiết đắt đỏ ngày Tết.
 
Nếu được, tốt nhất trong những ngày này bạn nên tự nấu đồ ăn thay vì đi ăn hàng quán đông đúc mà phục vụ và chất lượng không được như ý. Cùng với đó, nên chủ động ngày giờ xuất hành và có thể chọn đi những chuyến sớm trong ngày để đỡ trường hợp quá tải lượng khách. Chọn các xe khách chất lượng và thống nhất lộ trình với chủ xe để nếu trong trường hợp chủ xe thay đổi lộ trình sẽ có biện pháp thay thế, tránh rơi vào hoàn cảnh bị động.

Phương Nhung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm