Chơi trội…

Bây giờ, khi một teen nào đó muốn thể hiện bản thân mình thông qua năng khiếu như diễn thuyết, hát, đàn…và đặc biệt hơn là những teen có thể kết hợp một lúc nhiều khả năng thì được xem là “chơi trội” và...“chai mặt”.

Phát biểu ý kiến = chơi trội?

 

Đó là quan niệm của không ít teen thời nay. “Lúc đầu, mình nghĩ, đơn giản chỉ là đóng góp ý kiến, cùng thầy cô xây dựng bài học nhưng sự thật không phải thế. Khi mình đứng dậy phát biểu trong giờ Văn, cả lớp quay lại nhìn mình như… người ngoài hành tinh. Thế là lập tức những lời xì xầm liên tục vang lên. Nào là “con nhỏ đó muốn lấy lòng thầy!” hay “mới vào lớp nên muôn chơi trội đó mà”! Nhiều lần như vậy làm cho mình tịt ngòi luôn, chả muốn phát biểu nữa” - M.Tuyết (12 HHT, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) mở đầu câu chuyện của mình. “Không chỉ giờ Văn đâu mà ngay của giờ Toán cũng vậy. Chỗ đó thầy giảng mình chưa hiểu, giơ tay hỏi thì cũng nghe xì xầm.. mệt lắm. Chả lẽ đến lớp cứ ngồi ì một chỗ hay sao?”.

 

Cũng lâm vào tình cảnh tương tự như Tuyết, L.Minh (10 TCV) cũng bị bạn bè gọi là chơi nổi vì cậu bạn này thường xuyên có ý kiến về tình hình lớp trong giờ sinh hoạt . “Cứ đến giờ chủ nhiệm là nó lại đứng dậy ý kiến này, ý kiến nọ. Lớp trưởng hay Bí thư không đả động đến thì chớ, đằng này…” - X.Hà, bạn cùng lớp của Minh, nói. “Oan cho mình quá! Chả là mình thấy việc quản lý lớp học còn lỏng lẻo, ban cán sự lớp cũng như Đoàn lớp chưa có một biện pháp nào cả nên mới góp ý. Nếu mình không nói thì nề nếp lớp cứ đi xuống vậy, cũng thiệt thòi cho mọi người lắm vì trường mình tính phần trăm hạnh kiểm dựa vào vị trí của lớp mà” - Minh phân bua…

 

Tự tin thể hiện= chơi trội?

 

Nếu việc bày tỏ ý kiến của mình được teen xem là chơi trội ở cấp độ vừa, thì hành động “tự tin thể hiện bản thân” được xếp vào chơi trội ở cấp độ cao.

 

“Sự việc xảy ra vào đầu năm lớp 10. Khi đó, vào phiên lớp mình trực tuần, thế là mình xung phong làm MC. Trong lúc chương trình đang diễn ra thì máy đĩa có trục trặc, tụi bạn hát không được. Thế là mình cầm mic hát luôn. Ngày hôm sau đã nghe thiên hạ đồn là… nhỏ mà chơi trội” - X.Quỳnh (11 TVD) thổ lộ.

 

Nhìn chung, khi một cá nhân nào đó muốn thể hiện bản thân mình thông qua năng khiếu như diễn thuyết, hát, đàn…và đặc biệt hơn là những teen có thể kết hợp một lúc nhiều khả năng thì được xem là “chơi trội” và “chai mặt”….

 

Giải mã hiện tượng

 

“Đây được xem là căn bệnh rõ nhất minh họa cho tính ì của học sinh thời nay. Các em cứ nghĩ rằng, giờ học là nơi để các thầy cô phô diễn hết kiến thức và khả năng truyền thụ của mình nên chỉ biết nghe, chép mà thôi. Các em đã quên rằng, cứ mỗi phút giáo viên chờ đợi một cánh tay phát biểu của học sinh là một phút sự hưng phấn trong chúng tôi giảm dần…và cứ như thế, các em sẽ chả bao giờ có được một tiết học hay đúng nghĩa.” - cô M.Thủy (giáo viên Văn) tâm sự.

 

Nhu cầu thể hiện bản thân của mỗi con người là rất chính đáng và nên khuyến khích, nhất là với teen thời nay, khi mà những show khoe hàng trên blog, web diễn ra hằng ngày. Việc thể hiện cái tôi, màu sắc cá nhân giúp teen mạnh dạn hơn, tự tin hơn trong cuộc sống cũng như trong công việc sau này. Vì thế, đừng để những định kiến, quan niệm sai lầm cản trở mình, teen nhé!

 

Theo Trần Minh

Mực Tím

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm