“Choáng” với mật ngữ và Anh ngữ 9X

Bất cứ ai xem qua mật mã và cách “giải mật” của teen cũng chép miệng: “Bó tay, chỉ có teen mới hiểu nổi. Chẳng biết các bạn tuổi teen học ở đâu ra!”.

Càng đi vào thế giới ngôn ngữ teen, chúng tôi nhận thấy cấp độ “quái” không chỉ đơn giản theo kiểu thay thế các nguyên âm và phụ âm lẫn nhau mà nay đã biến thể phức tạp hơn, nhìn vào trông như... mật mã!

 
“Choáng” với mật ngữ và Anh ngữ 9X  - 1
 
“Choáng” với mật ngữ và Anh ngữ 9X  - 2

Siêu mật mã!

 

Minh chứng cho tình trạng này là một đoạn “mật ngữ” được lan truyền trên các diễn đàn học sinh, kèm theo lời thách “đố ai hiểu được”. Chúng tôi trích đoạn đầu và nhờ đến phần mềm V2V dịch hộ. Kết quả (xem ảnh trên): Dù bản dịch của V2V chưa hoàn thiện, song vẫn đọc được và được hiểu thế này: “Vài điều muốn nói.

 

Có những điều không thể biết trước được, bởi cái viễn cảnh khi đó diễn ra quá hoàn hảo, quá đẹp khiến lầm tưởng sẽ có một mối tình dài lâu, hai năm cũng là một khoảng thời gian quá dài, thật sự mãn nguyện với điều này. Nhưng mọi thứ chẳng bao giờ “bằng phẳng” cả. Những khó khăn cùng cực, những bi quan, đau khổ, mất niềm tin, những lo toan, mất mát...

 

Cuối cùng là những giọt nước mắt, là những điều luôn gắn liền với mỗi con người. Có ai đó nói rằng: “Chỉ khi nào bạn đau khổ đến 99% thì lúc đó bạn sẽ đón nhận được 1% niềm hạnh phúc...” mới hiểu được giá trị đích thực của cuộc sống. Chẳng lẽ thật sự nghiệt ngã đến như vậy?”.

Trên diễn đàn, chúng tôi hỏi hai thành viên trẻ tại sao chọn cách diễn đạt bằng thứ tiếng Anh sai từ loại và ngữ pháp tai hại như vậy, những thành viên này đều trả lời rằng “9X quen dùng rồi”, “ngôn ngữ ấy đã phổ biến” và “vậy mới là... sáng tạo”.  

 

Bất cứ ai xem qua cách viết và kết quả “giải mật” như trên cũng há hốc: “Bó tay, quả là... siêu mật mã, chỉ có teen mới hiểu nổi. Chẳng biết chúng học ở đâu ra!”.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không có tổ chức, cá nhân nào “dạy” lớp trẻ cách viết như vậy mà điều đó được hình thành và nâng cấp theo thời gian, từ chỗ dùng nguyên - phụ âm để thay thế lẫn nhau đến việc dùng các ký hiệu (symbols) hoặc các ký tự đặc biệt (special characters) để thay cho nhiều nguyên - phụ âm, theo thời gian trở thành quy ước chung và được công nhận.

 

Các thành viên trên diễn đàn teenviet... cung cấp cho chúng tôi một bảng “ngôn ngữ bất quy tắc” sau: A = Cl; B = 3 hoặc ß; C = (; D = ]); E = F_; G = (¬; H = †|; I = ]; K = ]<; L = ]_; M = /v\; N = ]\[; O = º; P = ]º; QU = v\/; R = Pv; S = §; T = †; U = µ; V = v; W = v\/; X = ><; Y = ¥. Nhìn vào đã thấy hoa mắt, làm sao có thể nhớ nổi những quy ước này!

 

Lắp ghép vô tội vạ

 

Không chỉ tiếng Việt, tiếng nước ngoài cũng được tuổi teen sử dụng thoải mái, vô tư trên không gian mạng. Những “no star where” (không sao đâu), “no table” (miễn bàn), “lemon question” (chanh hỏi = chảnh)... được cho là lạ của một thời nay đã “xưa rồi Diễm”, nhường chỗ cho những cụm từ và câu “sáng tạo” hơn, quái dị hơn.

 

Trên một diễn đàn học tập được lập bởi một nhóm học sinh phía Bắc, có đoạn hai thành viên tán gẫu với nhau:

 

- Meoiumanga: Chiều nay bị dò bài, không thuộc. Ugly tiger quá!

- PandaUc: No have spend, chuyện đó bình thường mà.

- Meoiumanga: Bài dồn dập thế này thì give me beg two word soldier black peace...

...

 

Dù biết tiếng Anh nhưng chúng tôi đã phải mất vài phút để hiểu các thành viên này nói gì. “Ugly tiger” nghĩa là “xấu hổ” (ugly = xấu, tiger = con hổ); “no have spend” nghĩa là “không có chi” (no = không, have = có, spend = chi, ví dụ như chi tiền!). Đến câu cuối thì chúng tôi đành chịu, hỏi ai cũng không biết nhưng sau một hồi lang thang trên mạng lại bắt gặp lời giải nghĩa từ blog của một học sinh, là: “Cho em xin hai chữ binh huyền (bình) yên”. Hóa ra, give = cho, me = tôi, beg = xin, two = hai, word = chữ, soldier = binh (lính), black = đen (huyền) peace = yên (ở đây chữ “bình” được chiết thành “binh - huyền”, vì vậy sinh ra thêm hai chữ “soldier black”). Quả thật, vã mồ hôi vẫn hiểu không hết cách nói tiếng Anh của teen.

 

Đó là những cách nối ghép lạ và ít phổ biến. Thế hệ 9X giờ đây đã quen dùng những câu được cho là cửa miệng, được biến hóa bằng lối dịch “từ theo từ” (word by word) như: Like is afternoon: Thích thì chiều; No four go: Vô tư đi; Know die now: Biết chết liền; No dare where: Không dám đâu...

 

Nhiều thành ngữ (idioms) cũng được teen chế tác bằng cách dùng từ đồng âm (khác nghĩa) phăng loạn xì ngầu, chẳng hạn: Hổ phụ sinh hổ tử - Lân mẫu xuất lân nhi lẽ ra nguyên gốc phải là Like father, like son nhưng các teen biến thành Tiger minor birth tiger die; Thương ai thương cả đường đi, nguyên gốc phải là Love me, love my dog thì các teen diễn thành Love who love all sugar go... (trong tiếng Anh, sugar là đường ăn, chứ không phải đường đi!).

 

Ngoài ra, còn có những câu nực cười khác như là Sugar you you go, sugar me me go (Đường em em đi, đường tôi tôi đi); thậm chí tên một loại bột ngọt (mì chính) cũng được lồng ghép vào cụm từ “đường đường chính chính” để trở thành “sugar sugar ajinomoto ajinomoto”...! Phản cảm hơn, teen còn nghĩ ra những cách nói khá ngượng miệng, như “I wanna toilet kiss u”, tức là “Anh muốn cầu hôn em”.

 

Theo Quý An - Nam Vương
Người Lao Động