Chinh phục Cambridge
(Dân trí) - Ấn tượng về đôi bím tóc tết hai bên bám lấy khuôn mặt đầy cá tính của em đã khiến tôi cảm giác sẽ có một cuộc trò chuyện thú vị. Và sự phỏng đoán đó quả không lầm. Cô bé đó là Nguyễn Thuỳ Trang, người vừa đoạt học bổng 75.000 USD của ĐH Cambridge.
ĐH Cambridge (Anh) được biết đến là một trường rất hiếm khi trao học bổng cho các sinh viên học tại trường. Tính đến thời điểm này, chỉ khoảng hơn 10 người Việt Nam đã và đang học tại ngôi trường danh tiếng bậc nhất thế giới này. Trong đó, chỉ duy nhất có Nguyễn Thùy Trang được nhận học bổng toàn phần trị giá khoảng 75.000 USD cho cả khoá học 3 năm.
Cô gái này đã vượt qua chương trình A-level chỉ mất có 1 năm, nghĩa là bằng nửa thời gian đối với những sinh viên khác với kết quả xuất sắc tuyệt đối.
Hoàn thành A-level chỉ mất 1 năm
Vì sao Trang lại chọn học A-level mà không phải là foudation (tạm dịch là dự bị đại học)?
Các trường ĐH bao giờ cũng thích chương trình A-level vì nó phổ cập trên toàn thế giới. Còn nếu học chương trình dự bị đại học, sinh viên sẽ bị hạn chế về số lượng và đối tượng trường nhất định. Tuy nhiên, không phải ai cũng lựa chọn chương trình A-level vì phải học dài hơn và khó hơn dự bị đại học. Học dự bị đại học chỉ mất 1 năm, còn A-level mất 2 năm.
Tiếp nữa là hệ thống thi cử chương trình A-level mang tính toàn quốc giống như thi đại học ở Việt Nam. Nghĩa là thí sinh làm bài thi rồi gửi sang một hệ thống khác chấm rồi gửi về trường. Còn đối với dự bị đại học, đề thi do thầy giáo ra rồi chính thầy giáo chấm, nó khiến cho tính khách quan bị mất đi.
Em lựa chọn học A-level vì em muốn có cơ hội học tại những trường hàng đầu tại Anh như Cambridge, nơi mà người ta chỉ chấp nhận chương trình A-level.
Được biết, Trang chỉ mất có 1 năm để học chương trình A-level…
Vì đến gần cuối năm lớp 12, em mới bắt đầu quyết định đi du học. Như vậy, so với các học sinh ở Anh thường bắt đầu học A-level khi hoàn tất lớp 11, nếu em học 2 năm sẽ bị muộn hơn họ, mà em thì không muốn điều đó nên đã nộp đơn xin được học 1 năm chương trình A-level. Và để nhận được sự đồng ý của nhà trường, em đã phải chứng minh khả năng học tập của mình.
Vậy kết quả 4 môn học trong chương trình A-level của Trang như thế nào?
Em đạt 4 điểm A (điểm tuyệt đối) cho cả 4 môn: Toán, Toán cao cấp, Lý và Kế toán.
Bị phỏng vấn nhiều vì... tò mò
Trang có thể kể lại quá trình nộp đơn vào ĐH Cambridge?
Như các học sinh bình thường khác, khi kết thúc 1 năm học chương trình A-level, họ sẽ nộp đơn vào các trường đại học. Nhưng vì em chỉ học có một năm A-level nên ngay khi vào trường, em đã nộp đơn xin học. Chương trình A-level bắt đầu vào tháng 9, thì tháng 10 em đăng ký vào 6 trường đại học (học sinh được nộp tối đa 6 trường).
(Ảnh: An Phúc)
Điều quan trọng của học sinh khi nộp hồ sơ là chứng minh đựơc khả năng học tập của mình thông qua việc viết một bản tường trình về bản thân. Bên cạnh đó, thầy cô giáo cũng phải viết nhận xét về mình. Các trường đại học sẽ mở hết tất cả hồ sơ của học sinh để xem xét. Việc đánh giá học sinh dựa trên kết quả 2 môn học sau 1 năm A-level. Đồng thời họ sẽ căn cứ vào giấy giới thiệu của thầy cô giáo và căn cứ vào bài viết của học sinh về bản thân.
Nếu học sinh cảm thấy được, họ sẽ đưa ra offer, nghĩa là học sinh sẽ có cơ hội vào trường nếu đạt được mức yêu cầu mà họ đưa ra. Chẳng hạn như các trường danh tiếng, họ luôn yêu cầu phải đạt 3 điểm A trong tổng số 4 môn học. Các trường thấp hơn thì yêu cầu 1 điểm A, 2 điểm B chẳng hạn. Cái đấy tuỳ vào từng người và từng trường. Như ở Cambridge, họ còn yêu cầu phỏng vấn trước khi đưa ra offer.
Riêng đối với trường hợp của em, gần như tất cả các trường em đều phải đi phỏng vấn vì em chưa có điểm do mới vào học. Tháng 9, em bắt đầu vào học A-level mà tháng 10 em đã phải nộp đơn. Có một số trường tò mò vì phần giới thiệu của các thầy cô về em cũng như phần giới thiệu về bản thân là khá tốt nên họ mời em đi phỏng vấn rất nhiều.
Có 5 trong tổng số 6 trường mời em đi phỏng vấn trong khi thường thì chỉ những trường ở tốp trên mời đi phỏng vấn thôi. Ở Cambridge, họ yêu cầu em là có đủ 3 điểm A, nhưng em đã đạt được 4 điểm A rồi.
Không khó nhưng lạ
Phỏng vấn thường là chướng ngại vật lớn nhất của học sinh khi muốn bước chân vào các trường danh tiếng như Cambridge. Vậy Trang đã vượt qua nó như thế nào?
Cái mà trường ĐH Cambridge cần không phải là những thứ mà học sinh đã học trước kia, không phải là những giải thưởng mà học sinh đã có. Những thứ đó chỉ là phụ. Cái quan trọng nhất đối với họ chính là cuộc phỏng vấn mà học sinh nói chuyện với giáo sư, giải quyết những vấn đề trực tiếp được đặt ra trong cuộc phỏng vấn và họ xem xét đến khả năng thể hiện của học sinh trong cuộc phỏng vấn đó.
Cuộc phỏng vấn của Cambridge được đánh giá rất khó. Như em có hai cuộc phỏng vấn, mỗi cuộc kéo dài nửa tiếng. Một buổi dành cho Toán và một buổi dành cho Lý.
Theo em, những vấn đề đặt ra trong cuộc phỏng vấn nếu nói khó thì không phải là khó nhưng lại rất lạ. Họ không dùng những phương pháp cao siêu nhưng lại rất là quái (cười). Học sinh nếu nhìn ra được vấn đề thì chỉ cần 1 phút thôi. Còn nếu không thì cứ đi tràn lan và không thể tìm ra được lời giải.
Cái mà họ cần là muốn xem trình độ sáng tạo của học sinh. Làm thế nào học sinh có thể đối đầu được những cái chưa gặp bao giờ.
Trang đã làm thế nào để có được suất học bổng đáng giá như vậy?
Hầu hết các sinh viên được vào học tại ĐH Cambridge đều nộp đơn xin học bổng. Trong đơn này gồm có 4 phần cần điền: trong đó em điền một phần, trường Bellebys điền một phần, college của ĐH Cambridge (là nơi em đã phỏng vấn khi nộp hồ sơ vào Cambridge) điền một phần, và ĐH Cambridge điền nốt phần còn lại.
Sau đó, trường Bellebys xác nhận khả năng học tập của em, nhận xét khách quan của họ về khả năng tài chính của em. Tiếp đến là college của ĐH Cambridge sẽ nhận xét về buổi phỏng vấn của em khi nộp đơn xin học tại trường. Và cuối cùng là trường Cambridge sẽ căn cứ vào đó để xét cấp học bổng cho em.
Nếu không xin được học bổng thì Trang sẽ làm gì?
Nếu không được học bổng thì em... tắc (lại cười). Lúc đó, em cũng đã nghĩ đến phương án, một là em sẽ xin học bổng từ Việt Nam, hai là em sẽ xin học bổng từ các công ty ở bên Anh. Điều quan trọng là mình thuyết phục được họ bằng chính năng lực của mình.
Xin cảm ơn Thùy Trang!
Lan Hương
(Thực hiện)