Chia tay kiểu… “chết người”

(Dân trí) - Khi tình cảm hết việc chia tay là điều cần thiết cho cả hai. Nhưng không ít bạn trẻ lại có những cách chia tay như đổ thêm dầu vào lửa, có thể làm cho đối phương trở nên nguy hiểm khó lường hơn.

Thêm nỗi đau

Khi gặp người con trai khác, Thảo (SV năm 3 tại TPHCM) lập tức quay lưng với người bạn trai gắn bó gần hai năm nay với lý do “em có người khác, tình cảm dành cho anh bao lâu chỉ là ngộ nhận”. Tùng không tin và không chấp nhận sự thật nên anh tìm mọi cách níu kéo bạn gái. Mỗi lần hai người gặp nhau, Thảo lại ngồi thủ thủ với Tùng về “người thứ 3” với những lời lẽ ca ngợi trên mây.

Và như để khẳng định đó mới là người xứng đáng với mình, song song với việc khen “người mới”, Thảo còn lôi điểm xấu của Tùng để so sánh, chê bai. “Anh ấy hiểu em chứ không như anh…”, “anh ấy biết lo lắng cho người khác như không vô tâm như anh…”, kèm với những lời lẽ đó, Thảo còn hồn nhiên kể lại việc hai người làm quen, hẹn hò ra sao như thể khoe người mới.

Tùng phản ứng, cuộc gặp để cả hai nhìn nhận lại tình cảm của nhau trở nên căng thẳng với những đôi co, cãi vã. Thảo có thêm cớ để dè bỉu, chê bai Tùng và cho rằng mình bỏ anh là đáng.  

Chia tay lôi người thứ 3 vào cuộc như trường hợp của Thảo không hề hiếm. Có thể họ đã quá chán mối tình hiện tại và đang “lâng lâng” với tình cảm mới nên đôi khi nói chỉ để cho thỏa lòng mình. Điều này không chỉ chà đạp lòng tự trọng cũng như nhân thêm nỗi đau của đối phương, có thể làm cho người bị bỏ rơi thêm tức tối. Nhiều người không lường được mối nguy hại này nên đã vô tình “kích” thêm nỗi đau cho người khác. 
 
Cả hai bên cần nhìn nhận chia tay là điều cần thiết khi tình cảm không còn.
Cả hai bên cần nhìn nhận chia tay là điều cần thiết khi tình cảm không còn.

Nghĩ lại việc chia tay bạn trai cách gần hai năm, Hồng Duyên, 21 tuổi, nhà ở Q.7, TPHCM vẫn chưa hết hoảng sợ. Tình cảm của hai người đã có vấn đề từ lâu mà Duyên chưa có dịp để nói thẳng. Cô gái lại chọn đúng dịp bạn trai bị tai nạn gãy chân nằm trong viên để nói lời từ biệt vì nghĩ giờ anh ấy đang bị đau về thể xác, sẽ không để ý nhiều đến nỗi đau tinh thần.

Duyên không ngờ, anh bạn dù đang điều trị vẫn đòi ra viện, nhờ người quen cáng đến tận tìm cô. Duyên tránh mặt thì anh chàng từ khóc lóc quay sang chửi bới, đe dọa khi khỏe lại sẽ cho cả nhà cô sống không được yên. Bị phụ tình vào thời điểm đó, anh bạn trai cũng không chịu điều trị nên vết thương kéo dài một thời gian rất lâu mới lành lại. 

“Giờ đây, mọi chuyện đã nguôi ngoai nhưng nghe bạn anh ấy trách: “Giá như em bỏ anh vào lúc khác chứ không phải khi đang nằm trên giường bệnh như thế”, mới thấy sao mình tàn nhẫn quá!”, Duyên chia sẻ.

Gần đây có không ít vụ án gây thương tích, thậm chí là gây ra án mạng đau lòng xuất phát từ phản ứng tiêu cực của người bị chia tay. Cách hành xử này không thể biện minh nhưng theo các chuyên gia tâm lý, hành động đó một phần có thể do việc chia tay của đối phương chưa đúng cách, vô tình gây nên sự ức chế cho người bị bỏ rơi. Vì thế, để có cuộc chia tay an toàn đòi hỏi người chủ động cũng cần biết rút lui một cách khéo léo, ít gây tổn thương cho nhau nhất.

Nghệ thuật chia tay

ThS Tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (Giám đốc Công ty Ý tưởng Việt) cho hay, khi đã hết tình cảm thì việc chia tay là cần thiết. Tuy nhiên, nói lời chia tay cũng cần có nghệ thuật để làm sao cho đối phương ít bị hụt hẫng và đau khổ nhất.
 
Thời điểm và địa điểm nói lời chia tay cực kỳ quan trọng. Phải chắc chắn đó là khoảng thời gian cuộc sống của đối phương đang hoàn toàn bình ổn, không sóng gió và cũng không gặp phải cú sốc tinh thần nào. Chỉ khi đó, họ mới có đủ tỉnh táo để suy nghĩ và chấp nhận lời chia tay.

Địa điểm chia tay không nên là nơi ghi dấu nhiều kỷ niệm ngọt ngào của hai người vì sẽ gợi những ký ức không hay cho người kia. Nhưng cũng tránh nơi quá hẻo lánh để đề phòng những chuyện bất trắc có thể xảy ra.

Một điều quan trọng cần làm là trước khi nói lời chia tay hãy “giãn” mối quan hệ của bạn và người ấy ra xa một chút, hạn chế hẹn hò, gặp mặt, quan tâm chăm sóc... Khi hiểu được vấn đề thì đối phương sẽ dễ dàng chấp nhận hơn.

Đặc biệt, ThS Mỹ Hạnh nhấn mạnh tuyệt đối không đề cập đến người thứ 3 trong việc chia tay. Việc làm này chẳng khác nào xát muối vào vết thương lòng của đối phương. Nói sự thật không có nghĩa là bạn có thể hồn nhiên nhắc đến một nhân vật thứ 3 xen vào mối quan hệ của hai người.

Điều mà đối phương cần biết ở đây là tình trạng mối quan hệ tình cảm của hai người đang tồi tệ và bạn muốn rời xa họ. Sự hiện diện của người thứ ba có thể thổi bùng ngọn lửa tức giận trong lòng đối phương, khiến họ có những phản ứng không đúng mực.

Lê Mai Như, 23 tuổi, tốt nghiệp một trường ĐH tại TPHCM cho hay, cô đã từng có suy nghĩ “muốn giết cả hai đứa nó” bởi trong lúc khi bỏ rơi cô, cậu bạn trai đã khơi khơi nói về người con gái mà anh ta đang theo đuổi. Nhất là khi anh ta kể về việc hai người đang gặp gỡ, hẹn hò... May mắn là Như đã tìm đến các chuyên gia tâm lý nghe lời khuyên trước khi ra tay nếu không thật khó hình dung chuyện có thể xảy ra.

Chuyên gia tâm lý Mỹ Hạnh lưu ý, tôn trọng nhau là yếu tốt cần thiết của một mối quan hệ, kể cả khi đang yêu nhau lẫn lúc chia tay. Tuyệt đối không xúc phạm và tỏ ra khinh thường đối phương bởi thế chẳng khác nào đang thách thức“Tôi đố anh/cô làm gì được tôi đấy!” thật không hay và còn có thể dẫn đến hậu quả không hay. 

Với những người rơi vào hoàn cảnh đau khổ vì bị mất tình yêu, theo chuyên gia này cần nhìn vấn đề một cách đơn giản hơn. Thay vì oán trách người khác, oán trách mình thì nên chấp nhận đối diện với sự thật. Kết thúc một mối quan hệ không thể tiếp tục thì việc chia tay sẽ là “lối mở” để chờ đón những điều tốt đẹp hơn.

Hoài Nam